BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thảo luận về An toàn thực phẩm:

Cần phân định rõ trách nhiệm trong việc “một mâm cơm ba bộ quản lý”

Cập nhật ngày: 07/06/2017 - 02:30

BTN - Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Tây Ninh, thực trạng “một mâm cơm ba bộ quản lý” cần được phân định rõ trách nhiệm để xác định từ điểm đầu đến điểm cuối trong vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong phiên họp thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 (đây là nội dung giám sát chuyên đề năm 2017 của Quốc hội), đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Tây Ninh viện dẫn câu nói “cửa miệng” của người dân “Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” khi bàn về chuyện ăn, uống trong đời sống hiện nay.

Theo đại biểu Phương, có thể nói, chưa bao giờ vấn đề ATTP được cả xã hội quan tâm, là chủ đề nóng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân như bây giờ, bởi vì ai cũng có nhu cầu bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình; và ai cũng có nhu cầu được dùng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và uy tín, tin cậy.

Trong khi đó, tình hình ATTP thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm gặp nhiều khó khăn và thách thức, các vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước xảy ra liên tục, có xu hướng tăng lên về số vụ và quy mô. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản làm cho nguy cơ thực phẩm bẩn ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không bảo đảm vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định là những nguy cơ tiềm ẩn đến sức khoẻ người dân. Các vi phạm quy định bảo đảm ATTP diễn ra thường xuyên và hầu hết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực- từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến đến bảo quản, kinh doanh thực phẩm…

Đề xuất hướng giải quyết, tăng cường quản lý ATTP có hiệu quả, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Nhà nước cần ban hành ngay các quy định về quản lý hoá chất, phụ gia dùng trong thực phẩm và xem đó là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh tại cơ sở thực phẩm có đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Lo lắng hiện nay của người tiêu dùng là tính an toàn của thực phẩm, trong khi hoá chất và phụ gia đang được sử dụng rất phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Do đó, bảo đảm ATTP chủ yếu là phải kiểm soát được việc sử dụng hoá chất và phụ gia dùng trong thực phẩm- đối tượng chính của việc kiểm soát thực phẩm từ gốc, và là vấn đề cần thiết, cấp bách.

Cần xem xét hoàn thiện, bổ sung và cụ thể hoá các quy định pháp luật có liên quan đến việc xử lý những vi phạm trên lĩnh vực ATTP để áp dụng trong thực tiễn được thuận lợi, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ATVSTP và bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ cho cộng đồng.

Cụ thể là, cần bổ sung những tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vi phạm ATVSTP để cho việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu làm căn cứ để xử lý hình sự khi cần thiết.

Đề cao và tăng cường trách nhiệm thực thi của các cấp bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, của người đứng đầu trong việc bảo đảm ATTP cho người dân theo sự phân cấp mạnh, rõ ràng, nhất là ở chính quyền cơ sở.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATTP hiện nay là khâu tổ chức thực hiện, vừa chồng chéo, vừa lỏng lẻo trong phối kết hợp. Theo đại biểu Phương, thực trạng “một mâm cơm ba bộ quản lý” cần được phân định rõ trách nhiệm để xác định từ điểm đầu đến điểm cuối trong vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

DN-KC

(Lược ghi)