Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quản lý, sử dụng hiệu quả đất, công trình Nhà nước

Cập nhật ngày: 07/10/2015 - 09:51

Nhà công vụ ngành Thuế huyện Châu Thành.

Đơn cử như trường hợp dãy phòng học ở Trường tiểu học Trà Vong D (điểm Mọi Nhỉ, ấp Trà Hiệp). Dãy phòng học này gồm 3 phòng, được xây kiên cố, khang trang nhưng bỏ hoang khoảng 4 năm nay. Theo người dân địa phương, do khu vực quanh điểm trường này cư dân thưa thớt, rất ít học sinh nên điểm trường Trà Vong D ở Mọi Nhỉ (điểm phụ) bị đóng cửa, dồn học sinh về điểm chính cách đó hơn 2 cây số.

Đáng nói là điểm trường này trước khi bị bỏ hoang đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khá tốn kém. Thế nhưng suốt mấy năm qua, công trình này ngày càng xuống cấp do không được quản lý, chăm sóc. Xung quanh trường học, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ngụ của rắn rết, côn trùng gây hại. “Nếu tôi không dọn dẹp, phun thuốc diệt cỏ thì đến giờ dây leo đã phủ kín dãy phòng học này rồi”, một người dân ở gần cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nam (SN 1977), nhà trước điểm trường trên cho biết: “Phần đất xây 3 phòng học trên trước đây là của gia đình tôi. Khoảng 20 năm trước, nơi này là vùng heo hút, ít nhà dân mà đường sá rất khó đi lại. Học sinh ở đây phải lặn lội ra xã Thạnh Tân (trước đây thuộc huyện Hoà Thành, hiện thuộc thành phố Tây Ninh) để học. Vì thế, gia đình tôi đã hiến phần đất có diện tích hơn 1.700m2 để địa phương xây trường học cho con em trong vùng. Giờ thấy trường, đất bị bỏ hoang thì tiếc quá!”.

Ông Nam cho biết thêm, cha ông là ông Nguyễn Hoà Thuận trước khi qua đời có để lại di nguyện là nếu ngành Giáo dục huyện Tân Biên không có nhu cầu sử dụng khu đất trên thì cho gia đình ông nhận lại, hoặc bán lại với giá hợp lý để gia đình quản lý sử dụng.

“Ở đây là chốn heo hút, ngoài việc sử dụng đất để làm trường học thì không thể làm công trình công cộng nào khác, nên nếu Nhà nước cứ quản lý bằng cách bỏ hoang như thời gian qua là rất lãng phí”, ông Nam nói. Một số người dân ở địa phương cũng cho rằng ngành Giáo dục huyện Tân Biên cần tổ chức thanh lý công trình trường học (cột, kèo, ngói…) sung vào công quỹ, không nên bỏ mặc cho nắng mưa, mối mọt tàn phá.

Một công trình khác là nhà công vụ của ngành Thuế huyện Châu Thành, ở vị trí đối diện trụ sở UBND xã Phước Vinh. Đây là một công trình khá đồ sộ dù đã “có tuổi”, toạ lạc trên diện tích đất rộng, nằm ở “mặt tiền” đường nhựa duy nhất đi qua xã. Hơn 5 năm nay, nhà công vụ này không được sử dụng đúng mục đích mà chuyển sang thành nhà “tư vụ”.

Theo một cựu chiến binh nhà ở gần công trình trên, nhà “công vụ” kia hiện do một hộ gia đình ở nơi khác đến biến thành nhà… “tư vụ”. Xung quanh công trình, một số nhà tạm, lều của người dân cất lên để ở, buôn bán, sinh hoạt trông rất nhếch nhác.

“Đây là tài sản của Nhà nước nên cần được quản lý chặt chẽ chứ không nên tuỳ tiện bỏ hoang hoặc giao cho các cá nhân hộ gia đình sử dụng như thế”, vị cựu chiến binh nói.

ĐÌNH CHUNG