Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều 28.10, Quốc hội thảo luận ở tổ, góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 28.10
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý sự cần thiết để ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Về sự cần thiết, cấp bách ban hành luật, đại biểu Phương cho biết, trong tiến trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta luôn coi củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh.
Bảo đảm cho mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội sẽ đồng thời tạo ra mỗi bước tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh; và ngược lại, mỗi bước tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh tạo ra những điều kiện, tiền đề vững chắc hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, nội lực kinh tế - xã hội nước ta đã tăng lên gấp nhiều lần so với những thập niên trước. Vị thế và uy tín của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, là hình mẫu trong quan hệ quốc tế.
Trước những biến đổi nhanh, khó lường của tình hình quốc tế hiện nay, đòi hỏi và cho phép chúng ta phải nâng lên một tầm cao mới trong xây dựng và củng cố nền quốc phòng – an ninh; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đủ sức làm lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ.
Đại biểu Phạm Hùng Thái và đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự phiên thảo luận tổ chiều 28.10
Quân đội phải được xây dựng theo hướng tinh, gọn, mạnh, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội; có đội ngũ sĩ quan đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, trình độ chỉ huy tác chiến và nghiệp vụ tinh thông đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Phương thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung theo nội dung dự án Luật trình, và thống nhất thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, khi luật mới có hiệu lực thì tuổi phục vụ tại ngũ sẽ thay đổi. Đại biểu Phương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về góp ý cụ thể Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đại biểu Phương thống nhất về nội dung sửa đổi, bổ sung ở Điều 13 – quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, vì theo đại biểu, với các nội dung quy định sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống cần phải giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khoẻ; bên cạnh đó để cho sĩ quan có nhiều thời gian phục vụ quân đội, nhất là số cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đào tạo chuyên sâu, đặc thù.
Theo đó, sẽ phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”. Mặt khác, phù hợp quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%; nếu không nâng độ tuổi cho sĩ quan, nhất là cấp trung tá trở xuống thì hầu hết khi nghỉ hưu sĩ quan không đủ điều kiện để hưởng 75% lương.
Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan vừa để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, vừa là thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ quân đội. Đồng thời, còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại tổ thảo luận.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 17 - Thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; sửa đổi, bổ sung Điều 18 - Thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; Điều 31 - Tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ; Điều 32 - chế độ nghỉ của sĩ quan tại ngũ và Điều 33- Chăm sóc sức khoẻ đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ… theo đại biểu Phương là rất cần thiết.
Đại biểu Phương lý giải, những sửa đổi, bổ sung này góp phần tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm nâng tầm vị thế hơn nữa của đội ngũ sĩ quan quân đội, làm cho hình ảnh của đội ngũ sĩ quan quân đội có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn xã hội.
Bên cạnh đó, làm tăng thêm khát vọng và thu hút được nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên ưu tú đào tạo bổ sung cho đội ngũ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, bảo đảm hợp lý về chế độ đãi ngộ về vật chất cho sĩ quan các cấp, phù hợp với loại hình hoạt động đặc biệt bù đắp sự cống hiến và khuyến khích tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân của đội ngũ sĩ quan quân đội.
Tố Tuấn - Thanh Trung
(lược ghi)