Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ.
Nhà báo Dương Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi tọa đàm chuyên môn nghiệp vụ.
Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo, mới phục vụ tốt Nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Theo lời dạy của Người, trong những năm qua, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, tổ chức Hội nói riêng trong nền báo chí cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam đã, đang và sẽ luôn trung thành với tôn chỉ mục đích của mình là người đại diện quyền làm chủ, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của người làm báo Việt Nam, góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của Nhân dân; đồng thời là tổ chức tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo Việt Nam phát huy năng lực sáng tạo, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xây dựng Văn phòng Hội Nhà báo mạnh là yếu tố rất quan trọng để giúp cơ quan, đơn vị đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động của Hội Nhà báo địa phương.
Văn phòng Hội Nhà báo trực tiếp tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Hội quản lý điều hành công việc, thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, đồng thời bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động của cơ quan. Với vai trò, vị trí như vậy, Văn phòng Hội Nhà báo là một bộ phận không thể thiếu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua, Văn phòng Hội Nhà báo Tây Ninh đã có những đổi mới phù hợp giúp Hội Nhà báo tỉnh phát huy tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ tại địa phương. Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh cũng như các Hội Nhà báo địa phương trong toàn quốc đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng tham mưu tổng hợp; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ là đầu mối giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội thực hiện đúng diều lệ, quy chế làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh, đưa các hoạt động của Văn phòng Hội đi vào nền nếp, giúp Hội Nhà báo tỉnh thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Văn phòng Hội Nhà báo Tây Ninh nói riêng và Hội Nhà báo các địa phương nói chung trong thời gian qua còn nhiều tồn tại và bất cập.
Về mô hình tổ chức bộ máy, tuỳ theo số lượng biên chế, hợp đồng làm việc ở Hội được cơ quan chức năng của mỗi tỉnh, thành quy định mà cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế và chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức Văn phòng Hội Nhà báo cấp tỉnh trong cả nước có khác nhau.
Có Hội có biên chế từ 5-7 người thì bộ máy văn phòng 3-4 người. Trong đó có cả chức danh Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng. Có Hội không có chức danh Chánh, Phó văn phòng mà chỉ có nhân viên văn phòng. Có hội chỉ có nhân viên kế toán và thủ quỹ nên lãnh đạo Thường trực Hội và kế toán, thủ quỹ cùng làm công tác văn phòng.
Hội Nhà báo Tây Ninh từ khi thành lập đến nay (35 năm) chưa có biên chế. Mỗi người phải đảm đương một lúc nhiều nhiệm vụ như Văn phòng, kiêm thủ quỹ, kiêm công tác hội viên, kiêm công tác nghiệp vụ… Từ lãnh đạo đến nhân viên cùng làm công tác Văn phòng, ảnh hưởng không ít đến quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hội.
Biên chế đã không có, Văn phòng không có chuyên trách, vừa qua Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về “Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, chức danh chủ tịch Hội tương đương với cấp phó các sở, ban, ngành và tương đương (loại 3); chức danh Phó Chủ tịch Hội tương đương với cấp trưởng phòng của tỉnh (loại 3). Kết luận này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý trong đội ngũ lãnh đạo Hội đương nhiệm trong độ tuổi lao động ở các tỉnh, thành.
Hệ thống thể chế quy định về bổ nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Hội Nhà báo cấp tỉnh cũng còn nhiều bất cập. Khoản 2, Điều 22 về tổ chức, hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI quy định: “Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Văn phòng và nhân sự chuyên trách công tác Hội”. Tuy nhiên, quy định này không thể thực hiện được nếu ở địa phương không giao biên chế cho Hội Nhà báo.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến tổ chức Hội Nhà báo. Các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đều đánh giá cao vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam.
Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư cũng nêu rõ: cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chủ quản báo chí… phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.
Chỉ thị số 919/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, biên chế, tài chính và các điều kiện cần thiết khác, bảo đảm cho các cấp Hội Nhà báo hoạt động có hiệu quả thiết thực.
Nhìn chung, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, đề án, chương trình hành động, kế hoạch… từ Trung ương đến địa phương, từ Hội Nhà báo Việt Nam xuống các cấp Hội địa phương đều có; nhưng bộ máy tổ chức, biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất… của tổ chức Hội Nhà báo địa phương vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Cần có một quy định thống nhất, về biên chế, nhân sự của Hội Nhà báo các tỉnh, thành để Văn phòng Hội thực sự có người chuyên trách công tác văn phòng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tham mưu, giúp việc của hệ thống cơ quan Văn phòng Hội Nhà báo cấp tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo các cấp.
Nguyễn Thế