Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quan tâm vấn đề mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc 

Cập nhật ngày: 17/04/2020 - 20:05

BTNO - Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, thậm chí có những trường hợp tử vong. Tuy nhiên, có một số tổ chức, cá nhân vẫn còn thờ ơ đối với việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.551 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong đó có 1.649 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ theo quy định tại phụ lục II, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 của Chính phủ thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; có 1.557 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, 92 cơ sở chưa mua.

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 15.4.2018 gồm 3 chương, 18 điều quy định cụ thể về điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động PCCC; trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Nghị định 23 nêu rõ trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác, trường học (trường phổ thông, cao đẳng, đại học, học viện…) bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Theo ghi nhận, hiện nay kinh phí cấp cho các trường học không có mục mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên một số nhà trường đã linh hoạt vận dụng nghiệp vụ tài chính - kế toán để mua bảo hiểm này.

Bên cạnh đó, thì một số tiểu thương, chủ tiệm tạp hóa và nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lại còn chủ quan cho rằng việc bảo quản tài sản của mình đã tốt, không cần thiết phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chỉ có các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas và khí hóa lỏng là nghiêm túc mua loại hình bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại toà nhà Trung tâm thương mại TTC Tây Ninh.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, do điều khoản về số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị thành tiền theo giá thị trường của các tài sản tại thời điểm ký giao kết hợp đồng bảo hiểm, một số cơ sở có giá trị tài sản lớn, phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua bảo hiểm nên không thể bố trí được. Một số trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí nên việc thực hiện còn khó khăn.

Ngoài ra, tại các cửa hàng kinh doanh gas tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, phí tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không lớn, nhưng mức đền bù thiệt hại cao nên doanh nghiệp bảo hiểm chưa tư vấn nhiệt tình.

Việc quy định bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các chợ truyền thống còn tồn tại nhiều bất cập do đặc thù hoạt động của chợ là nhóm ngành nghề có rủi ro cháy cao. Việc bố trí, sắp xếp các gian hàng kinh doanh cũng còn chưa hợp lý, hệ thống PCCC trang bị chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng tại một số chợ đã xuống cấp, đường dây dẫn điện đã cũ vì đa số chợ truyền thống được hình thành và đi vào hoạt động từ lâu.

Nhiều nhóm hàng kinh doanh có khả năng dễ bắt cháy như đồ may mặc, da giày, hàng tiêu dùng bằng nhựa… khối lượng hàng hoá thường biến động không thể định giá tài sản nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường từ chối bán với lý do chưa đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát PCCC đối với các hộ kinh doanh còn gặp khó khăn vì số tiền xử phạt lớn. Thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi nhiều đối tượng bị xử phạt có quy mô nhỏ, chủ cơ sở là các cửa hàng bán gas, nhà nghỉ… nên việc xử phạt chưa kiên quyết.

Bên cạnh một số doanh nghiệp còn thờ ơ đối với việc mua bảo hiểm cháy nổ thì có những nơi chấp hành rất tốt quy định này.

Kiểm tra các thiết bị PCCC tại Trung tâm thương mại TTC Tây Ninh.

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác PCCC, thời gian qua, Trung tâm thương mại TTC Tây Ninh (phường 2, TP.Tây Ninh) luôn chấp hành nghiêm quy định về việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Ông Trần Huy Hào – Giám đốc điều hành toà nhà cho hay, từ khi khai trương vào tháng 1.2017, đơn vị đã chủ động mua bảo hiểm cháy, nổ cho toàn bộ tài sản trong toà nhà.

Riêng với 2 mặt bằng lớn được cho thuê cô lập, các đơn vị này đã chủ động tự mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Đơn vị luôn chấp hành nghiêm công tác bảo đảm an toàn PCCC, trang bị các thiết bị PCCC, hệ thống báo cháy trung tâm tự động, thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ, thực hiện tập huấn kiến thức về PCCC, rèn luyện các kỹ năng, thao tác với thiết bị chữa cháy và tham gia thực tập phương án chữa cháy ngay tại cơ sở.

Định kỳ, đơn vị tổ chức cho vận hành thử hệ thống bơm, tủ chữa cháy, bình chữa cháy, đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt. Bố trí mỗi ca làm việc đều có lực lượng PCCC cơ sở tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh cũng là một trong những đơn vị điển hình thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC. Hàng năm, nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức về PCCC cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên, người lao động. Định kỳ hàng tháng, nhà trường còn lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp giao ban, chi bộ góp phần nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện tốt các nội quy, quy định về công tác PCCC.

Nhà trường tổ chức quản lý, duy trì hoạt động và thường xuyên củng cố đội PCCC cơ sở. Có kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh thực hiện tốt việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức cho lực lượng PCCC cơ sở học tập, thao tác, nắm vững tính năng, tác dụng, cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra các phương tiện PCCC được trang bị.

Ông Huỳnh Phú Tùng- Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh cho biết, nhà trường bắt đầu mua bảo hiểm cháy, nổ từ năm 2017 (trước khi Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực thi hành). Tuỳ từng năm, chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ được nhà trường trích từ ngân sách hoặc nguồn học phí.

“Trên thực tế, khi gặp rủi ro cháy, nổ, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mua bảo hiểm cháy, nổ chính là hình thức tiêu dùng cần thiết để phòng ngừa những thiệt hại về tài chính nếu không may xảy ra rủi ro, khi đó đơn vị bảo hiểm sẽ là cứu cánh, hỗ trợ về mặt tài chính để chi trả các khoản tiền bồi thường cần thiết cho việc thay thế, sửa chữa, khôi phục tài sản bị thiệt hại do cháy, nổ”- Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh cho biết.

Điều 46, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định về mức phạt hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Phạt tiền từ 8 – 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi: cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định; mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành.

Thiên Di-Phương Thảo


 
Liên kết hữu ích