Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần quy định chặt chẽ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản
Thứ năm: 10:02 ngày 31/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 8, ngày 30.10, các đại biểu tổ 11 gồm các tỉnh Sơn La, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An đã có buổi thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 30.10

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Huỳnh Thanh Phương thống nhất với tên gọi của Nghị quyết theo đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp.

Đại biểu cho biết, tên gọi như dự thảo phù hợp với thực tiễn giải quyết hiện nay đặc biệt là giải quyết các vụ việc về tin báo tố giác tội phạm, đồng thời phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự; đại biểu cũng tán thành với quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết vì đây là Nghị quyết thí điểm nên cần thiết phải có khung pháp lý phù hợp, không nên mở rộng sẽ khó thực hiện, sau 3 năm triển khai thí điểm thì sẽ có cơ sở để xem xét, sửa đổi đối với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, quy định chặt chẽ hơn quy định việc trả lại tiền cho bị hại trong trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ mà cơ quan tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị hại để xem xét trả lại theo thứ tự ưu tiên của pháp luật thi hành án dân sự.

Vì theo đại biểu, trên thực tế những vụ việc này là những vụ việc hết sức phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người cho nên việc xác định rõ người bị hại, số tiền bị thiệt hại là hết sức khó khăn, cần phải trải qua nhiều giai đoạn thu thập, xem xét và xử lý.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại tổ thảo luận.

Liên quan đến nội dung cho phép mua bán chuyển nhượng vật chứng, tài sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định rõ hơn vì trong thực tiễn giao dịch tài sản hiện nay bên chuyển nhượng phải thanh toán số tiền tương ứng với giá trị tài sản chứ không phải là thanh toán tương ứng với mức bị hại bị phạt, bị tịch thu hoặc là bị bồi thường, cho nên nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó thực hiện đặc biệt là trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn mức có thể bị phạt, bị tịch thu hoặc bị bồi thường thiệt hại.

Liên quan quy định tại khoản 5 Điều 3 dự thảo Nghị quyết về tạm ngừng giao dịch, tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đại biểu Phương cho rằng khoản 5 Điều 3 nằm ngoài phạm vi của dự thảo nghị quyết, vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét cân nhắc không đưa nội dung này vào.

Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục