BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quy định cụ thể biện pháp bảo vệ người tố cáo

Cập nhật ngày: 14/10/2010 - 06:30

Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý kiến hai dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH chủ trì, tham dự hội nghị gồm đại diện các cơ quan có liên quan đến nội dung hai dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH phát biểu gợi ý thảo luận

Đại biểu dự hội nghị tán thành việc tách Luật Khiếu nại - Tố cáo hiện hành thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, đồng thời góp ý làm rõ thêm một số vấn đề như: Đối với dự án Luật Khiếu nại (gồm 8 chương, 75 điều), nhiều đại biểu đề nghị Luật chỉ nên điều chỉnh khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính; và Luật Khiếu nại chỉ cần có quy định chung có tính nguyên tắc tạo cơ sở để các cơ quan hành chính quy định cụ thể về khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong phạm vi thẩm quyền của mình; không nên coi Luật Khiếu nại là đạo luật gốc điều chỉnh các khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan Nhà nước. Về vấn đề khiếu nại đông người (Điều 10), hầu hết đại biểu đề nghị không nên quy định cụ thể trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đông người. Bởi lẽ, khiếu nại đông người đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi hình thức khiếu nại đông người cần phải có biện pháp giải quyết riêng, nên không thể quy định một trình tự, thủ tục chung để giải quyết khiếu nại đông người trong Luật Khiếu nại được.

Về trình tự khiếu nại (Điều 9): Các đại biểu thống nhất đề nghị quy định về trình tự khiếu nại theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại có thể lựa chọn một trong hai cách: -một là, khiếu nại đến người có quyết định hành chính, hành vi hành chính, -hai là, khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính. Về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư: các đại biểu đề nghị dự thảo Luật Khiếu nại quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và luật sư.

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính: Các đại biểu thống nhất quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với quyết định, hành vi hành chính của thủ trưởng cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước) và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhằm đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp; tạo điều kiện để người có quyết định hành chính, hành vi hành chính tự sửa chữa sai sót (nếu có); Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại: các đại biểu thống nhất với dự thảo Luật là bổ sung một số quy định mới về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cho phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ, nhanh chóng... nhưng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc về thời hạn giải quyết khiếu nại, vì quy định như dự thảo là quá ngắn (đối với giải quyết lần đầu chỉ có 10 ngày kể từ ngày thụ lý, tối đa 20 ngày đối với vụ việc phức tạp). Các đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành (từ 30 đến 45 ngày làm việc) để đảm bảo thời gian xác minh, đảm bảo tính chính xác của quyết định lần đầu... Đồng thời, đề nghị tất cả các thời hạn liên quan đến dự án Luật đều phải ghi là ngày làm việc. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị dự án Luật cần phải quy định thủ tục đối thoại là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại kể cả lần đầu và lần thứ 2. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Khiếu nại, Luật Đất đai và Luật Tố tụng Hành chính (sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8).

Đại biểu ngành Công an phát biểu ý kiến

Đối với dự án Luật Tố cáo (gồm 9 chương và 72 điều), đại biểu tán thành Luật Tố cáo điều chỉnh đối với việc giải quyết tố cáo về vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức; vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là vấn đề bảo vệ người tố cáo. Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành đã ghi nhận một số nguyên tắc bảo vệ cho người tố cáo, xác định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ cho người tố cáo. Tuy nhiên, những quy định đó chưa được cụ thể và thiếu cơ chế tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người không dám tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vì sợ bị trả thù, trù dập, một số người khác thì tố cáo giấu tên, không nêu địa chỉ của mình. Mặt khác, cũng có những trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập mà người vi phạm không bị xử lý gì. Do đó, đề nghị dự thảo Luật nên quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ người tố cáo, không nên quy định chung chung. Bên cạnh đó, về chủ thể tố cáo, các đại biểu đề nghị chỉ quy định chủ thể tố cáo là công dân, không nên mở rộng thêm chủ thể là tổ chức, vì Hiến pháp hiện nay chỉ ghi nhận công dân thực hiện quyền tố cáo.

Đồng thời, đối với vấn đề tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo: các đại biểu đề nghị quy định đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (tại Điều 65) vì nếu có quy định và thực hiện tốt cơ chế bảo vệ người tố cáo thì sẽ tránh được trường hợp người tố cáo bị trù dập và tránh được tình trạng lợi dụng để tố cáo tràn lan ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác...

KIM CHI