Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương:
Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí nguồn tài nguyên đất
Thứ sáu: 19:20 ngày 03/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng 3.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quan tâm tới quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34), đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh bày tỏ sự thống nhất chọn phương án một. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm không có quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Vì theo đại biểu, phương án này phát huy được hiệu quả sử dụng đất và vừa giúp bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng, tránh rủi ro gây thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước.

Về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 45), đại biểu đề nghị và đề xuất chọn phương án một.

Theo đại biểu Phương, trong báo cáo tiếp thu, giải trình đã phân tích ưu điểm, nhược điểm của các phương án. Có thể thấy, dù lựa chọn phương án nào cũng sẽ có tác động lớn trong thực tế vì việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với Luật hiện hành, trước đây chưa thực hiện nên chưa có kết quả từ thực tiễn.

Và theo đại biểu, phương án này bảo đảm đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích; nếu kiểm soát không chặt chẽ, tình trạng lợi ích nhóm có thể xảy ra trong việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (quy định ở Điều 76), đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai thì có trách nhiệm bồi thường không, xử lý ra sao, thực hiện như thế nào. Vì theo đại biểu, vẫn chưa có quy định để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân.

Còn tại khoản 9 Điều 76, đại biểu đề nghị chọn phương án một, giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, không quy định về nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, mà tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cho địa phương chủ động thực hiện trên cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương.

Đối với nội dung về thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia cộng đồng, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ vào khoản 27 được thiết kế tại phương án 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu các lý do như sau: Theo các chuyên gia kinh tế, khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch. 

Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất. Do vậy, việc Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và không bình đẳng đối với các thành phần kinh tế trong tiếp cận chính sách đất đai.

Bên cạnh đó, việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng được coi là các dự án trọng điểm của địa phương sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đồng bộ hoá phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại; và hình thành nên những khu đô thị với trung tâm tài chính, thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch đến với địa phương. Đây cũng là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới và khu vực.

Sáng 3.11, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo đại biểu Phương, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%, cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc quy định thu hồi, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch là cần thiết trong Luật Đất đai.

Mặt khác, quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại dịch vụ. Nhưng hiện còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này nên dẫn đến những ách tắc trong việc phát triển các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí và tổ hợp giải trí đa năng.

Cụ thể, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch hoặc dịch vụ có thể thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 25/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy vậy, một trong những điều kiện để thực hiện đấu thầu đó là dự án phải thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, Luật Đất đai không có quy định về thu hồi đất để phát triển các dự án du lịch. Đây là vướng mắc chính trong việc phát triển dự án du lịch. Do vậy, việc quy định thu hồi đất và thực hiện đấu thầu đối với các dự án du lịch, thương mại dịch vụ là xuất phát từ yêu cầu thực tế hiện nay.

Tố Tuấn

(lược ghi)

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục