Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao hiệu ích hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà:
Cần sửa đổi quy trình vận hành
Thứ tư: 06:28 ngày 31/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cử tri Tây Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất việc quản lý, vận hành hợp lý hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà theo hướng: tính toán lại cao trình mực nước trước lũ (từ 1.7 đến 30.11 hằng năm) để bảo đảm việc vận hành hợp lý giữa các nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, tích, cấp đủ nước phục vụ sản xuất…

Đập tràn xả lũ lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Ðoàn ÐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương những ý kiến, nguyện vọng của cử tri Tây Ninh về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.  

Trong cuộc tiếp xúc cử tri các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của Phó trưởng Ðoàn ÐBQH chuyên trách, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đã ghi nhận một kiến nghị quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của tỉnh Tây Ninh mà còn tác động đến các tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Ðông Nam bộ. Ðó là hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, một công trình tiêu biểu của giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có sự đóng công góp sức của hàng chục triệu lượt dân công tỉnh nhà.

Công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng, thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và là hệ thống thuỷ nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay, được thiết kế phục vụ đa mục tiêu cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và đẩy mặn cho 5 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, công trình còn có tác dụng tham gia vào việc phòng và giảm lũ cho hạ du sông Sài Gòn.

Công trình được xây dựng hoàn thành và bắt đầu đưa vào hoạt động, phát huy hiệu ích lớn lao từ năm 1985, nhưng cho đến năm 2000, đơn vị quản lý vận hành hồ mới có được quy trình vận hành điều tiết tạm thời và thực hiện cho đến nay. Tuy nhiên, kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ðồng Nai lần 1 theo Quyết định số 1892/QÐ-TTg ngày 20.10.2014, và lần 2 theo Quyết định số 471/QÐ-TTg ngày 24.3.2016, thì quá trình vận hành hồ Dầu Tiếng đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc tích nước và vận hành xả lũ.

Bởi lẽ, một số quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa chưa phù hợp với điều kiện vận hành của hồ Dầu Tiếng như đặc điểm khí hậu, chế độ thuỷ văn của lưu vực hồ và đặc biệt là diện tích rừng đầu nguồn bị giảm nên chế độ thuỷ văn dòng chảy có nhiều thay đổi. Dòng chảy về mùa khô của hồ giảm đi rất nhiều so với khi xây dựng hồ.

Cống tràn xả lũ ở đập chính khi đóng (ảnh minh hoạ) - Hoàng Anh.

Qua ứng dụng vận hành thực tế đối chiếu với quy trình được áp dụng thời gian qua, đơn vị quản lý hồ nhận thấy những bất cập, hạn chế thể hiện qua một số quy định cụ thể như sau:

Từ năm 2000 đến nay, đơn vị quản lý vận hành hồ theo quy trình vận hành điều tiết tạm thời năm 2000 và thực tế vẫn bảo đảm được mục tiêu tích và cấp đủ nước, phòng và giảm lũ cho hạ du. Và kể từ khi có bổ sung nguồn nước từ hồ Phước Hoà (thuộc địa bàn huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) về thì năng lực phục vụ của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đã tăng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành năm 2000 khi có bổ sung nước từ hồ Phước Hoà.

Trong khi đó tại hồ chứa Dầu Tiếng, khu vực đầu mối của hệ thống kênh mương cấp nước phục vụ sản xuất, việc tích nước vẫn thực hiện theo quy trình năm 2000 và còn tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể như, trong 30 năm vận hành thì chỉ có 10 năm hồ tích đạt mực nước dâng bình thường +24,4m, do phải xả nước thừa theo quy trình. Trong khi đó cao trình mực nước trước lũ được quy định trong quy trình vận hành liên hồ thấp hơn rất nhiều so với cao trình mực nước được quy định, nên việc tích nước hồ thường xuyên bị thiếu hụt.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ) - Hoàng Anh.

Từ những tồn tại như trên, cử tri Tây Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất việc quản lý, vận hành hợp lý hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà theo hướng: tính toán lại cao trình mực nước trước lũ (từ 1.7 đến 30.11 hằng năm) để bảo đảm việc vận hành hợp lý giữa các nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, tích, cấp đủ nước phục vụ sản xuất, nâng cao trình mực nước trước lũ phải lớn hơn cao trình mực nước của năm 2000; quy định lại cao trình mực nước tại trạm thuỷ văn Phú An và cao trình mực nước tại hồ Dầu Tiếng đối với cấp lưu lượng được phép xả lũ; quy định cấp lưu lượng xả mà Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà được phép quyết định xả và cấp lưu lượng xả (cho cả mùa khô và mùa mưa lũ); tính toán lượng nước xả xuống sông Sài Gòn để tạo dòng chảy sinh thái, môi trường trong mùa khô theo chế độ thuỷ văn của lưu vực hồ Dầu Tiếng và khi bổ sung nước từ hồ Phước Hoà làm sao cho hợp lý, bảo đảm an toàn cho hạ du.

N.T.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục