Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Tư pháp:
Cần thận trọng trong công tác thẩm định và góp ý văn bản quy phạm pháp luật
Thứ tư: 16:51 ngày 20/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 19.7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt chương trình, kế hoạch công tác, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời. 

Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường.

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 VBQPPL; các địa phương ban hành 1.501 VBQPPL cấp tỉnh, 1.306 VBQPPL cấp huyện và 478 VBQPPL cấp xã. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.218 dự thảo VBQPPL; các phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo VBQPPL. 

Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả. Các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức hoạt động khác nhau, đạt hiệu quả cao, như tổ chức triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến; tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL qua cổng/trang thông tin điện tử PBGDPL, qua Facebook, fanpage, YouTube, Zalo; mở/duy trì chuyên mục pháp luật trên báo điện tử.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tổ chức 274.268 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức 2.996 cuộc thi với 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. 

Công tác thi hành án dân sự (THADS), nhất là trong xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được lãnh đạo các cấp, ngành liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt. Kết quả THADS 9 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1.10.2021 đến 30.6.2022), tổng số việc phải thi hành là 731.917 việc (trong đó có điều kiện thi hành 541.575 việc), đã thi hành xong 348.490 việc.

Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 332.984 tỷ đồng (trong đó, có điều kiện thi hành là hơn 175.874 tỷ đồng), đã thi hành xong trên 52.166 tỷ đồng. Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, Toà án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan THADS 1.194 bản án, quyết định về vụ án hành chính, trong đó số bản án có nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện là 622 bản án, số bản án không có nội dung theo dõi là 572 bản án. 

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp (LLTP), đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước được Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chú trọng, thực hiện nề nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. 

Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có 27.345 tài khoản được cấp cho người dùng là công chức tư pháp - hộ tịch tại 10.929 UBND cấp xã, 712 phòng Tư pháp cấp huyện và 63 sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hằng ngày; đã có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 ngàn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 ngàn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 ngàn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 ngàn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm LLTP quốc gia đã thực hiện cấp 28.259 phiếu LLTP, các sở Tư pháp đã cấp được 424.528 phiếu LLTP; các địa phương đã giải quyết 1.165 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 67 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp điều hành hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Công tác hoà giải ở cơ sở tiếp tục được chú trọng. Tỷ lệ hoà giải thành trong các vụ việc ở cơ sở đạt được ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận hơn 60.100 vụ việc hoà giải, trung bình tỷ lệ hoà giải thành đạt 74,4% góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao như Vĩnh Long- 94,8%; Bến Tre- 92,7%; Long An- 91,2%; An Giang- 89%; Tiền Giang- 88,61%; Tây Ninh- 87,8%… 

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ, các sở Tư pháp và hệ thống THADS thực hiện đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã tiếp 33 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 321 đơn khiếu nại, 64 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 61,82% đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực THADS. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Bộ Tư pháp đều được xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hoá những định hướng, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Tham gia có chất lượng trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và triển khai hiệu quả nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. 

Quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, thận trọng trong công tác thẩm định và góp ý văn bản; đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tránh lợi ích nhóm. Bản lĩnh, bày tỏ chính kiến trong quá trình tham gia ý kiến pháp lý khi xử lý vụ việc tồn đọng. Tập trung cao, thực hiện hiệu quả, chất lượng trong công tác đấu giá tài sản. 

Chủ động triển khai, quyết liệt thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong việc thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục