Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần thực hiện tốt việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Thứ năm: 09:28 ngày 09/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện Luật Báo chí và Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 9.2.2017 của Chính phủ, trong thời gian qua UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp rất tốt với báo chí trong việc cung cấp thông tin theo quy định. Giúp báo chí thông tin kịp thời, chính xác, định hướng đúng đắn dư luận xã hội, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên Đài PTTH tỉnh đang tác nghiệp.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, qua phản ánh của phóng viên trong và ngoài tỉnh xảy ra tình trạng lãnh đạo một số địa phương, sở, ngành trong tỉnh không phối hợp với cơ quan báo chí, còn né tránh, đùn đẩy trả lời phỏng vấn của phóng viên, ảnh hưởng đến việc thông tin, tuyên truyền.

Nhiều thông tin cần định hướng dư luận kịp thời rất cần có ý kiến chính thức của người có trách nhiệm nhưng lại không được thông tin. Có phóng viên phản ánh “Rất nhiều thông tin cần định hướng dư luận, nhưng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đến nay, phóng viên liên hệ theo danh sách người phát ngôn không được lãnh đạo phản hồi”.

Hay một vị Chủ tịch phường ở thị xã Hòa Thành từ chối trả lời phỏng vấn với lý do “có huông” – “đang làm gì tốt, thuận lợi, Đài Truyền hình xuống quay là sẽ đổ bể, gặp sự cố ngay”. Vị này còn ví von: “Đó, thấy đang tiêm vaccine tốt vậy đó, chứ giờ tụi bây xuống quay là mai hỏng chừng bị la, bị sự cố hay có F0, F1 gì cho coi”. Ông còn nói “Thôi tui sợ báo đài lắm rồi. Tui có huông…”.

Khi phóng viên đến liên hệ làm việc, tìm hiểu các thông tin tiêu cực với đầy đủ các giấy tờ như: Giấy giới thiệu của cơ quan, thẻ nhà báo, không ít lãnh đạo ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm cách né tránh trả lời.

Đề cập đến vấn đề né tránh trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí, PGS, TS nhà báo Nguyễn Thành Lợi- Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo cho biết: “Trong thực tế vẫn còn một số trường hợp lãnh đạo cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tìm cách né tránh trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí.

Nguyên nhân trước hết có thể những người có trách nhiệm cung cấp thông tin chưa nghiên cứu kỹ về Luật Báo chí 2016, chưa nắm rõ Nghị định số 09/2017, ngày 9.2.2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Thứ hai, họ nghĩ rằng, cố gắng né tránh, trả lời báo chí, có nghĩa là thông tin sẽ không được đưa lên công luận.

Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ có báo chí tham gia giám sát, phát hiện các vụ việc tiêu cực mà đôi khi có sự tham gia tích cực của người dân. Vì thế, việc né tránh báo chí là cách làm không phù hợp với xã hội đương đại, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà chúng ta luôn cần thông tin minh bạch, phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện những mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội”.

Theo Luật Báo chí, ngoài các trường hợp mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 Luật Báo chí thì Khoản 1, Khoản 5 của điều này cũng quy định rõ: Thứ nhất, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin; Thứ hai, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Khoản 3, điều 6 của Nghị định cũng nêu rõ: Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.

Khoản 1 và 2 của Điều 7 cũng nêu: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ cho người phát ngôn của cơ quan hoặc ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1, điểm b Khoản 2, điểm b, Khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, nhất là trong tình hình phòng, chống dịch hiện nay, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời thông tin để chỉ đạo, người dân an tâm chung tay phòng, chống dịch, thiết nghĩ UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt Luật Báo chí và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Hương Giang

Tin cùng chuyên mục