Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp:
Cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp
Thứ tư: 00:39 ngày 09/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của ông cha ta về các yếu tố quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư hệ thống kênh thuỷ lợi dẫn nước, bảo đảm tưới tiêu để cây trồng sinh trưởng, phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Hệ thống kênh chuyển nước thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông cơ bản hoàn thành.

Nhiều nơi còn thiếu hệ thống thuỷ lợi

Trạm bơm Hoà Thạnh 2 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015 với mục tiêu phục vụ nước tưới cho 368 ha đất nông nghiệp ở xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành). Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống thuỷ lợi này mới chỉ cung cấp được một phần diện tích đất sản xuất có hệ thống kênh chính chạy qua. Trong khi đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân địa phương vẫn phải sử dụng nước ngầm thông qua các giếng khoan để canh tác.

Ông Lý Văn Hiền, ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh cho biết, từ trước đến nay, việc sản xuất nông nghiệp của ông và các hộ dân nơi đây chủ yếu là bơm từ hệ thống giếng khoan và nước mưa.

Những năm gần đây, tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước ngầm thường bị hụt vào mùa khô, chất lượng nước ngầm tại khu vực này cũng không bảo đảm vì nhiễm phèn nặng khiến cây lúa thiếu nước nên sinh trưởng kém, hạt lúa bị lép nhiều, năng suất thấp. Mỗi vụ lúa, gia đình ông phải mất gần 3 triệu đồng tiền điện; trong khi đó, năng suất lúa trúng nhất cũng chỉ từ 4 đến 5 tấn/ha/vụ.

Theo ông Phong- canh tác 9 ha lúa tại ấp Hoà Hợp, trên địa bàn có hệ thống Trạm bơm Hoà Thạnh 2, được đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng chỉ có kênh chính đưa vào hoạt động nên chỉ có khoảng 170 ha có nước tưới trực tiếp.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tự đấu nối đường ống nước tạm từ kênh chính để tưới cây trồng được khoảng hơn 100 ha. Diện tích còn lại ở xa kênh chính không có hệ thống kênh nhánh cấp 2, 3, do vậy, họ phải tốn rất nhiều chi phí khoan giếng và gắn dây ống để lấy nước tưới.

Trên địa bàn huyện Châu Thành có dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua với tổng chiều dài lên đến gần 100km. Tuy nhiên, hệ thống thuỷ lợi của huyện không được chú trọng đầu tư, nên việc canh tác nông nghiệp của người dân các xã giáp biên giới chủ yếu là nguồn nước ngầm, tình trạng thiếu hụt nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt vẫn thường xuyên xảy ra vào mùa khô.

Ông Lê Thanh, một người dân tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền cho biết, gia đình ông có khoảng 3,3 ha chỉ canh tác 1 vụ lúa vào mùa mưa, còn các tháng còn lại ông phải luân canh những cây trồng khác ít tốn nước tưới hơn vì những tháng mùa khô, mạch nước ngầm xuống thấp, các giếng khoan trên địa bàn đều hụt nước, người dân phải đào âm xuống mặt đất từ 2-3m để đặt máy bơm, lượng nước cũng không đủ để tưới tắm cho cây trồng.

Còn theo một nông dân tại ấp Thành Tây, xã Thành Long, trước đây, khu vực này chủ yếu là trồng mía và cao su, là những loại cây trồng cần rất ít nước tưới. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình giá cả sản phẩm của những loại cây trồng này xuống thấp, nông dân sản xuất thua lỗ nên phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như mì, thuốc lá, lúa, hoa màu… Thế nhưng, do thiếu nước tưới nên việc canh tác của nông dân tại đây hết sức khó khăn, đặc biệt là mùa khô.

Bến Cầu là huyện thuần nông, diện tích đất canh tác khoảng 27.000 ha. Hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng được 5 trạm bơm cùng với hệ thống kênh mương thuỷ lợi đưa nước đến ruộng đồng phục vụ tưới 1 vụ màu và 2 vụ lúa với tổng diện tích 3.205 ha, bảo đảm nước phòng cháy, chữa cháy cho gần 740 ha rừng thuộc xã Long Phước và Ninh Điền. Hầu hết các trạm bơm đều hoạt động hiệu quả, bảo đảm trên 80% công suất thiết kế. Tuy nhiên, diện tích đất cần nước tưới của huyện còn rất lớn, tập trung tại các xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh.

Ông Quang- ngụ ấp Phước Đông, xã Long Phước cho biết, ở cánh đồng này chưa có hệ thống kênh thuỷ lợi nên để canh tác gần 3 ha đất ruộng, gia đình ông phải sử dụng bơm bằng máy dầu lấy nước từ rạch ven đường lên ruộng với chi phí mỗi vụ lên đến hơn 5 triệu đồng. Theo ông Quang, nếu được đầu tư hệ thống thuỷ lợi nội đồng, có nước tưới ổn định, chắc chắn ông sẽ chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và bắp như hiện nay.

Hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông hứa hẹn sự đổi mới

Được đầu tư xây dựng từ cuối tháng 4 năm 2018, Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông sau khi hoàn thành sẽ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng qua hệ thống kênh Tây và kênh TN21 vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt, chăn nuôi của nhân dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Đến nay, dự án đạt trên 90% khối lượng xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác vận hành tuyến kênh chuyển nước đoạn từ K0 đến K10+027, thông nước thử tải kênh và phục vụ nước tưới của người dân trên địa bàn các xã An Cơ, Hảo Đước và Trí Bình của huyện Châu Thành.

Hạng mục xây dựng tuyến kênh chính dự án là kênh đất dài 29,4km đã hoàn thiện 20km đoạn từ xã Ninh Điền đến hết Trang trại bò sữa Vinamilk; còn lại gần 10km cơ bản hoàn thiện công tác vận chuyển đất, đang tiến hành bạt mái kênh, dự kiến đến tháng 6.2022 hoàn thành.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, Trong năm 2022, Ban sẽ triển khai giai đoạn 2 của dự án, trong đó, sẽ thực hiện bê tông hoá tuyến kênh chính qua địa bàn các xã Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành và tiến hành mở nước thông tuyến toàn bộ dự án.

Nhìn thấy tuyến kênh tưới của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được hình thành, ông Thanh phấn khởi chia sẻ, ông và nhiều hộ có đất dọc theo tuyến kênh này rất vui, bởi vì khi tuyến kênh đi vào vận hành sử dụng, người dân sẽ không còn cảnh vừa làm nông vừa trông chờ vào trời mưa hay chắt mót từng chút nước đọng của mương nước ven đường vất vả như hiện nay nữa.

Còn theo ông Quang, khi có nước tưới từ hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, ông sẽ yên tâm canh tác hoặc chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Phạm Đình Giản- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 419 tuyến kênh thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và các tuyến rạch, suối tự nhiên vừa cung cấp nước tưới, vừa có khả năng tiêu thoát nước với tổng chiều dài là  94.367km. Hệ thống thuỷ lợi này về cơ bản mới đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của nhân dân. Nhiều địa phương thuộc các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông chưa có hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực này bị hạn chế vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang được đầu tư Dự án thuỷ lợi khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với diện tích tưới tiêu theo thiết kế 12.262 ha cho các xã Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh. Đồng thời, trong năm 2022, Trạm bơm Tân Long (xã Biên Giới) được đầu tư xây dựng với diện tích tưới, tiêu theo thiết kế khoảng 732 ha. Sau khi các dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn huyện.

Ông Trần Quang Vinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết, hiện nay, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh gồm có hồ chứa nước Tha La với dung tích 27 triệu mét khối, hồ Nước Trong I, hồ Nước Trong II; 23 đê bao, 10 trạm bơm điện, 1.742 tuyến kênh tưới với tổng chiều dài 1.619km (kiên cố hoá kênh tưới đạt 71%) và 365 tuyến kênh tiêu với tổng chiều dài 852km.

Theo ông Vinh, hệ thống thuỷ lợi hiện có cơ bản đáp ứng phục vụ công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác. Trong năm 2021, hệ thống thuỷ lợi đã cấp nước tưới cho 148.611,93 ha đất sản xuất, cấp nước công nghiệp với khoảng 6,795 triệu mét khối.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi mở rộng vùng tưới cho người dân. Trong đó có dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sắp hoàn thành, sẽ góp phần bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn của tỉnh.

Hiện nay, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh gồm có hồ chứa nước Tha La với dung tích 27 triệu mét khối, hồ Nước Trong I, hồ Nước Trong II; 23 đê bao, 10 trạm bơm điện, 1.742 tuyến kênh tưới với tổng chiều dài 1.619km (kiên cố hoá kênh tưới đạt 71%) và 365 tuyến kênh tiêu với tổng chiều dài 852km.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục