Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau nhiều năm đưa vào vận hành khai thác, nhiều tuyến kênh thuỷ lợi bị bỏ hoang, không phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước; người dân, chính quyền địa phương và ngành quản lý đề xuất xoá bỏ.
Kênh TN17-7B thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi nằm sát mặt quốc lộ 22B không phát huy hiệu quả.
Sau nhiều năm đưa vào vận hành khai thác, nhiều tuyến kênh thuỷ lợi bị bỏ hoang, không phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước; người dân, chính quyền địa phương và ngành quản lý đề xuất xoá bỏ. Bên cạnh đó, tình trạng người dân thiếu ý thức, vứt rác thải gây nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối của ngành Thuỷ lợi những năm gần đây.
Kênh thuỷ lợi bị bỏ hoang
Đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của cây trồng. Các công trình thuỷ lợi bảo đảm phục vụ tưới, tiêu hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc quy hoạch chuyển đổi cây trồng, quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Được xây dựng và đưa vào vận hành khai thác từ những năm 1990, tuyến kênh TN17-7B dài 3.181m với diện tích tưới theo thiết kế ban đầu là 187 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Tuy nhiên, tuyến kênh này không phát huy được hiệu quả, đang bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, nhiều đoạn bị người dân san lấp để làm lối đi.
Ông T.N có khoảng 1,5 ha bắp đang canh tác gần tuyến kênh TN17-7B cho biết, nguồn nước phục vụ sản xuất của gia đình ông lấy từ tuyến kênh TN17-7A-2 được bê tông hoá. Còn tuyến kênh cũ (kênh TN17-7B) từ lâu không còn sử dụng.
Theo một người dân địa phương, hơn 20 năm trở lại đây, tuyến kênh này đã bị bỏ hoang, không có nước. Trước khi đổ đất làm nhà, ông đã cho đặt cống bên dưới theo đường kênh cũ, nếu Nhà nước cải tạo lại ông sẽ mở miệng cống cho nước lưu thông.
Theo một số hộ dân có đất canh tác dọc tuyến kênh TN17-7B, ngay từ lúc thiết kế tuyến kênh này đã bất hợp lý vì một mặt của kênh tiếp giáp với quốc lộ 22B, lòng kênh lại sâu hơn so với mặt ruộng tự nhiên, không thể lấy nước tưới theo kiểu tự chảy.
Từ những năm 2001, tuyến kênh TN17-7A-2 cách kênh TN17-7B khoảng 100m được đưa vào vận hành khai thác đã bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại đây. Vì vậy, người dân mong các ngành chức năng sớm xoá bỏ tuyến kênh này (kênh TN17-7B), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, xây cất nhà của người dân.
Tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước hiện có một tuyến kênh thuỷ lợi bị bồi lấp, được người dân đề nghị khôi phục để phục vụ sản xuất. Đó là tuyến kênh TN 25-12 (cũ) được thi công năm 1992 với chiều dài 1.672m, diện tích tưới theo thiết kế ban đầu khoảng 210 ha.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chỉ một đoạn ngắn từ K0 đến K0+200 phục vụ tưới cho diện tích 9,7 ha. Phần còn lại của tuyến kênh (gần 1,4km) đến nay gần như biến mất do quá trình bồi lấp tự nhiên và người dân tự ý san lấp.
Ông Hoàng Đình Quý, ngụ ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước cho biết, tuyến kênh này (kênh TN 25-12 cũ) chỉ những người lớn tuổi ở địa phương mới biết, từ lúc hình thành thì tuyến kênh không phát huy hiệu quả, không thể dẫn nước tưới cho cây trồng.
Qua thời gian dài (gần 30 năm), hiện tuyến kênh đã bị bồi lấp, bằng với mặt đất tự nhiên. Do địa hình của khu vực này cao hơn đầu nguồn, khi tuyến kênh đưa vào vận hành thì nước chỉ chảy đến khoảng 200m, còn đoạn phía sau gần như không có nước, ông và các hộ dân có đất dọc theo tuyến kênh phải sử dụng nước giếng khoan để canh tác.
Theo ông Quý, những năm gần đây, vào mùa khô, nắng hạn kéo dài gây tắc mạch nước ngầm, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con. Người dân nơi đây mong muốn ngành chức năng phục hồi tuyến kênh, dẫn nước cấp bù cho mạch nước ngầm.
Huyện Dương Minh Châu là địa phương có hệ thống thuỷ lợi bao phủ tương đối hoàn thiện so với nhiều nơi khác trong tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều tuyến kênh thuỷ lợi ban đầu phát huy hiệu quả, nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, được người dân kiến nghị xoá bỏ hoặc sửa chữa.
Anh Trần Văn Phi, canh tác hơn 0,5 ha cao su tại ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây trên địa bàn có tuyến kênh N2A-7-12 đi qua, cung cấp nước tưới phục vụ cho nhu cầu sản xuất lúa của nông dân tại đây.
Sau này, nhiều người chuyển dần sang trồng cây cao su và một số loại cây trồng cạn, nên tuyến kênh không còn được sử dụng. Thay vào đó, để thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, người dân lấp dần tuyến kênh để làm đường giao thông nông thôn. Theo anh Phi, tuyến kênh không còn phát huy hiệu quả nên người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xoá bỏ tuyến kênh, lấy đất làm đường giao thông, phù hợp với thực tế hơn.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Truông Mít còn có hai tuyến kênh N4-11 và N4-12 thuộc hành lang đường bộ chạy dọc theo đường ĐT 784 cũng bị người dân đặt cống san lấp, xây dựng nhà ở làm mất hiện trạng một số đoạn tuyến kênh.
Kênh N4-11 thuộc lộ giới đường ĐT 784 bị người dân đặt cống xây dựng nhà ở.
Cần có giải pháp giải quyết, tránh lãng phí tài sản Nhà nước
Ông Lê Đạt Tấn Lợi- Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 419 tuyến kênh thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và các tuyến rạch, suối, tổng chiều dài trên 94km, phục vụ tưới tiêu cho diện tích trên 25.000 ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng.
Người dân địa phương có ý kiến, đề nghị xoá bỏ tuyến kênh TN17-7B dài 3.181m do không còn phát huy hiệu quả sử dụng, đồng thời, có sự thay thế của tuyến kênh TN17-7A-2 phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp; kiến nghị phục hồi tuyến kênh TN25-12 (cũ) để cấp nước bổ sung nguồn nước ngầm và tiêu thoát nước cho khu vực ấp Bình Lợi khi có mưa lớn.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều tuyến kênh bị bồi lắng, sạt lở cần được duy tu, sửa chữa. Do nguồn vốn duy tu, sửa chữa hằng năm có giới hạn, xí nghiệp sẽ ưu tiên sửa chữa các tuyến kênh bị hư hỏng nặng.
Còn theo ông Dương Đình Luân- Phó Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu, hiện trên địa bàn huyện có 263 tuyến kênh tưới, tiêu các loại, trong đó, 241 tuyến kênh thuỷ lợi (211 kênh tưới và 40 tuyến kênh tiêu) do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh giao cho xí nghiệp quản lý. Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện có 11 tuyến kênh không còn hiệu quả sử dụng, bao gồm: kênh N4-11, N4-12, N2A-7-12 (xã Truông Mít); kênh TN1-2, TN1-2A-1, TN1-1 (xã Chà Là); kênh TN5-6A, TN5-6 và TN5-2-5 (xã Bàu Năng); kênh TN0-8-9 (xã Phước Minh); kênh TN0-4-1 và T01-2 (xã Phước Ninh).
Để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện, Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu và chính quyền địa phương đã lập danh sách tổng hợp kiến nghị xử lý từng trường hợp cụ thể.
Ông Trần Quang Vinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, một số tuyến kênh thuỷ lợi đã không còn phát huy hiệu quả như mong đợi. Qua rà soát, kiểm tra thực tế và trên cơ sở các kiến nghị của người dân, Chi cục đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương xử lý như sau: Đối với 12 tuyến kênh đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương xoá bỏ, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng đất của các tuyến kênh đề nghị xoá, không sử dụng; Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thanh lý tài sản kênh và công trình trên kênh.
Đối với 52 tuyến kênh đề xuất xoá bỏ, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh tiếp tục lấy ý kiến nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả của các tuyến kênh và tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương đề nghị xoá, khôi phục hoặc thay đổi công năng phù hợp với tình hình thực tế.
Minh Dương
(Còn tiếp)