Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn trọng các “chiêu” lừa qua mạng, cuộc gọi điện thoại 

Cập nhật ngày: 08/12/2018 - 06:15

BTN - Thời gian qua, các chiêu trò lừa qua mạng internet, mạng xã hội… dưới hình thức khác nhau xuất hiện tràn lan, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Các cơ quan chức năng, báo chí đã nhiều lần cảnh báo, nhưng nhiều người chưa kịp nắm bắt thông tin đã phải ngậm đắng nuốt cay vì những “chiêu lừa thời đại” - không cần tiếp xúc trực tiếp, chỉ thông qua môi trường mạng hay không gian số.

VNPT Tây Ninh cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại trên trang Facebook Trung tâm kinh doanh VNPT - Tây Ninh.

Khuyến mãi, trúng thưởng, hack tài khoản

Một số người dùng Facebook kể lại, các trò lừa đảo ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Đối tượng sử dụng tài khoản cá nhân đã bị hack, giả danh là chủ tài khoản nhắn tin cho người thân, bạn bè của nạn nhân để lừa bằng nhiều mánh khoé như vay tiền, nhờ chuyển tiền gấp, mua thẻ điện thoại…

Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng tài khoản bị hack để chia sẻ đường dẫn, đánh dấu bạn bè, bình luận vào các bài đăng không lành mạnh, thông tin sai lệch. Nếu người dùng khác nhấp vào xem các đường dẫn này có thể bị đánh cắp tài khoản, e-mail, lộ thông tin cá nhân… tạo cơ hội cho bọn chúng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.        

Anh Minh, ngụ huyện Dương Minh Châu cho biết, vừa qua, tài khoản Facebook của anh bị đối tượng xấu hack. Sau khi lấy được tài khoản cá nhân, đối tượng này đã giả danh nhắn tin cho người quen để nhờ nạp thẻ điện thoại. Tuy nhiên, nhận được tin nhắn, bạn anh đã chủ động điện thoại xác nhận để tránh bị lừa. Sau đó, anh Minh đã nhanh chóng lấy lại tài khoản cá nhân và thay đổi mật khẩu.

Để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ cho nhau cách thức đề phòng, cảnh giác với chiêu trò này. Mọi người cần thận trọng với thông tin trao đổi có liên quan đến chuyển tiền hay nạp thẻ cào qua mạng. Hạn chế công khai thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh. Đặc biệt, chủ tài khoản cần đặt mật khẩu có độ khó cao, tránh tình trạng bị hack tài khoản vừa gây bực dọc lại mất tiền oan.  

Giả danh cơ quan pháp luật

Với tính chất mở của mạng internet, kẻ lừa đảo chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể gây án khắp nơi. Gần đây, nhiều số thuê bao di động, điện thoại bàn ở Tây Ninh bị “tấn công” bởi một vài số điện thoại có đầu số lạ như +2363, +2838… Các đối tượng giả danh cơ quan pháp luật hay nhà mạng gọi điện yêu cầu người dân thực hiện một loạt các thao tác hay việc làm cụ thể, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.        

Anh Khoa, ngụ TP.Tây Ninh chia sẻ, trưa ngày 27.11, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số 0283.82412**. Sau khi mở máy, anh nghe giọng nói được thu sẵn như hộp thư thoại với nội dung “Bạn có 1 văn thư kiện, nếu muốn nghe bấm phím 9. Khi bấm sẽ có người nhấc máy thông báo rằng Toà án thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu cung cấp họ tên và giấy chứng minh nhân dân để mở văn thư kiện đó”. Do biết đây là cuộc gọi lừa đảo, anh Khoa đã lập tức tắt máy, không tiếp tục làm theo hướng dẫn.

Nhiều người phản ánh, điện thoại bàn của gia đình thường nhận được cuộc gọi với nội dung yêu cầu giải quyết hoàn chỉnh vụ kiện tại toà án. Tuy nhiên, khi người dân tiếp tục thực hiện thao tác, yêu cầu hướng dẫn đầy đủ thủ tục, nội dung, đặt lịch hẹn với cơ quan chức năng… bên kia đầu dây lập tức tắt máy.

“Do điện thoại bàn không hiển thị số gọi đến, tôi không thể xác nhận số điện thoại của đầu dây bên kia. Điện thoại bàn thuộc hình thức thuê bao trả sau, việc bắt máy và thực hiện thao tác không biết có bị trừ tiền hay ảnh hưởng gì không? Tôi cảm thấy vô cùng phiền toái và lo lắng!”, một người dân cho hay.

Đây chỉ là một trong số ít trường hợp có thể nhận biết và cảnh giác trước chuyện lừa đảo qua điện thoại. Trên thực tế, dù đã được cảnh báo, có không ít trường hợp bị mắc bẫy hay gặp phiền toái bởi các chiêu lừa trên.  

Mặc dù ngành chức năng đã cảnh báo vạch trần hành vi, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội hay điện thoại nhưng các chiêu trò này vẫn tràn lan với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lan rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng không chỉ “câu giờ” đàm thoại giữa số thuê bao tới tổng đài lạ nhằm chiếm đoạt cước viễn thông, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, mà còn thu thập trái phép thông tin cá nhân của khách hàng như tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, số CMND, tài khoản ngân hàng… để thực hiện các hành vi bất chính.

Chúng chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản để khách hàng thanh toán hoặc lừa bấm số gọi lại với mục đích chuyển tiếp cuộc gọi từ máy khách hàng vào các đầu số dịch vụ giá cước cao. Từ đó, đối tượng sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi.

Theo đại diện VNPT Tây Ninh, hình thức lừa đảo gọi điện thoại mạo danh nhân viên viễn thông từng xảy ra vào những năm 2013-2014, nay bùng phát trở lại. Vừa qua, theo ghi nhận của VNPT, một số khách hàng phản ánh việc nhận được cuộc gọi nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, hướng dẫn khách bấm phím 9 hoặc phím khác để biết thêm thông tin chi tiết.

Sau đó, khách hàng sẽ được gặp tổng đài viên (giới thiệu là người của đơn vị chuyển phát nhanh hoặc nhân viên VNPT) trao đổi làm rõ các thông tin về bưu phẩm đang chờ phát, số cước đang nợ… Tuỳ theo phản ứng của khách, đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân và hướng dẫn chuyển tiền đến một tài khoản để trả nợ hay đóng phí nhận bưu phẩm. Nếu tiếp tục thắc mắc vụ việc, khách hàng sẽ bị đối tượng hù doạ, thông báo kết nối đến đường dây nóng của công an.

Hiện VNPT không thực hiện việc nhắc nợ cước thông qua hình thức hộp thư ghi âm. Trước thực trạng trên, trong năm qua, VNPT yêu nghề cán bộ, nhân viên nâng cao cảnh giác và tích cực tuyên truyền đến khách hàng để tránh bị lừa đảo. VNPT cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu như trên. Nếu nhận được cuộc gọi nghi vấn, khách hàng có thể điện thoại trực tiếp đến tổng đài hỗ trợ tư vấn dịch vụ VNPT tại Tây Ninh 0276.800126 để kiểm tra và được hướng dẫn chi tiết.  

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI


Liên kết hữu ích