Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần xác định cấp độ phòng thủ dân sự
Chủ nhật: 08:05 ngày 09/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Góp ý vào dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền công bố bãi bỏ hai cấp độ phòng thủ là tình trạng khẩn cấp và tình trạng chiến tranh vào Điều 6 dự thảo luật.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý dự án Luật phòng thủ dân sự.

Chiều 6.4, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 3 phiên họp. Về nội dung luật có ý nghĩa và phạm vi tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống xã hội, đến an nguy của người dân, cộng đồng hoặc của cả nền kinh tế. Mặt khác, đây là một dự án luật có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản pháp luật hiện hành.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng luật theo hướng quy định các nguyên tắc, cơ chế và chính sách chung về phòng thủ dân sự, những nội dung đặc thù, những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Tiếp đó, hội nghị đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo luật trình các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại hội nghị này có 7 chương và 57 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đã giảm 14 điều; đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, bổ sung mới và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của dự thảo luật cho hợp lý, thống nhất.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh bày tỏ đồng tình với những điểm mới trong dự thảo Luật; đồng thời nêu rõ, dự thảo Luật lần này đã có nhiều điểm mới, điều chỉnh so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Đoàn ĐBQH Tây Ninh góp ý dự án Luật phòng thủ dân sự.

Góp ý đối với Điều 8 về hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị tại điểm a, khoản 1 Điều 8 bổ sung thêm cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ” sau cụm từ “chủ quyền”. Vì theo đại biểu, Điều 1, Hiến pháp năm 2013 quy định nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ... vì vậy, trong nguyên tắc hợp tác quốc tế cần phải tuân thủ quy định chung của Hiến pháp, bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Bên cạnh đó, tại Điều 26 về biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp và Điều 27 về biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh, đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ xác định và thẩm quyền công bố, bãi bỏ 2 cấp độ phòng thủ là “tình trạng khẩn cấp” và “tình trạng chiến tranh” vào Điều 6 dự thảo Luật.

Đại biểu cho biết, tại khoản 2 và 3 Điều 6 dự thảo Luật đã quy định chỉ có 3 cấp độ phòng thủ dân sự, nhưng Điều 26 và Điều 27 lại quy định thêm tình trạng “Khẩn cấp”, tình trạng “Chiến tranh”. Do đó, đại biểu cho rằng hai nội dung này cần thiết phải đưa vào Điều 6 để Luật xác định căn cứ cấp độ và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ để có tính pháp lý chặt chẽ; đồng thời để phù hợp và đúng với quy định thứ tự về cấp độ các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự.

Góp ý đối với Điều 38, Quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị bổ sung thêm điểm “Chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm hoạ, sự cố trong quá trình hoạt động, sản xuất ”.

Theo đại biểu, bổ sung quy định này nhằm để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có nguy cơ gây xảy ra thảm hoạ, sự cố như đã từng có trước đây. Ngoài ra, quy định chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm hoạ, sự cố trong quá trình hoạt động, sản xuất bảo đảm vừa phòng ngừa các thảm hoạ, sự cố vừa tuyên truyền, vận động các đơn vị, tổ chức khác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc để xảy ra thảm hoạ, sự cố.

Còn góp ý Điều 43 về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung các điểm “e) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng thủ dân sự” “g) Tổ chức thống kê nhà nước về phòng thủ dân sự”.

Vì theo đại biểu, hiện nay, việc áp dụng khoa học và công nghệ diễn ra trên các mặt của đời sống xã hội, vì vậy trong quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự cần có nội dung này. Đồng thời, đại biểu cũng cho biết, tại Điều 7 dự thảo đã đề cập đến quy định khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự, nên Điều 43 khi đề cập đến nội dung quản lý cần phải có quản lý về khoa học công nghệ, cụ thể là nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng thủ dân sự.

Mặt khác, trong xu thế hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu của ngành, lĩnh vực trong việc chuyển đổi số, phòng thủ dân sự cũng cần phải có những cơ sở dữ liệu, muốn có thì phải hình thành tổ chức dữ liệu. Phòng thủ dân sự thuộc về những yếu tố an ninh quốc phòng, nên việc thống kê thuộc về trách nhiệm của nhà nước nhằm bảo đảm thông tin cần thiết hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chung.

Tố Tuấn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục