BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần xác định rõ ai có trách nhiệm bảo vệ, phục hồi môi trường đất?

Cập nhật ngày: 13/11/2013 - 04:52

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các vị đại biểu Đoàn Tây Ninh đều cho rằng, số lượng cơ quan có trách nhiệm về bảo vệ môi trường quá nhiều nhưng lại chưa bao quát hết nội dung quản lý...

(BTN)- Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều ngày 11.11.2013, các vị đại biểu Đoàn Tây Ninh đều cho rằng, số lượng cơ quan có trách nhiệm về bảo vệ môi trường quá nhiều nhưng lại chưa bao quát hết nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trách nhiệm của các bộ, ngành cũng chưa đầy đủ; quy định về trách nhiệm của từng bộ, ngành còn nằm rải rác ở các điều, khoản khác nhau trong dự thảo Luật, dễ dẫn đến sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng các sơ hở của Luật để trục lợi.

Đoàn ĐBQH Tây Ninh thảo luận tại Tổ

Đại biểu Lê Minh Trọng – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phân tích, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này vẫn còn tới 12 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 18 điều giao các bộ, ngành hữu quan hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được. Đại biểu Trọng cho rằng như thế là không hợp lý, đề nghị nên cân nhắc giữ lại quy định về cam kết bảo vệ môi trường; quy định xác nhận hoàn thành các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có xây dựng công trình bảo vệ môi trường.

Vì việc cam kết bảo vệ môi trường là quy định pháp lý đã áp dụng trong nhiều năm qua, nếu bỏ sẽ mất đi công cụ sàng lọc các vấn đề môi trường đối với dự án quy mô nhỏ. Hơn nữa, cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường là hai phạm trù khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng cho rằng, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; lại còn những chồng chéo và khoảng trống trong các quy định của dự thảo Luật, cũng như thiếu đồng bộ với các luật khác có liên quan đến môi trường.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường lần này là phù hợp. Đại biểu Tâm đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về ngân sách chi cho bảo vệ môi trường như Quỹ Bảo vệ môi trường cho thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về vấn đề đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật quy định phải được tiến hành theo 2 bước: “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” và “đánh giá tác động môi trường” đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư” là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Tâm lưu ý cần nghiên cứu, rà soát kỹ quy định này để bảo đảm thực sự không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội…

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần bổ sung quy định về giải thích “Giới hạn cho phép của môi trường đất”; cân nhắc lại việc mở quá rộng quyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra vì hiện nay đã có quá nhiều đơn vị kiểm tra sẽ làm mất thời gian, không tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong tình hình phát triển kinh tế khó khăn như hiện nay; nên bổ sung quy định khuyến khích và phát triển trồng cây xanh tại các khu, cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường; cần quy định rõ vấn đề giới hạn môi trường đất kèm theo việc định nghĩa bảo vệ môi trường đất là gì? Cần quy định cụ thể ai có trách nhiệm bảo vệ, phục hồi môi trường đất…

QUANG HẠNH