Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Do đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng là thích mua hàng giá rẻ, hàng khuyến mãi nên các cửa hàng này luôn tấp nập người ra vào. Hàng giá rẻ hút khách là vậy nhưng đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng “tấn công” thị trường cả về số lượng lẫn chủng loại.
Cận Tết Kỷ Hợi 2019, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nắm bắt tâm lý này, nhiều cửa hàng đã triển khai các chương trình, quảng cáo ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng như “Xả hàng tồn kho cuối năm”, “Giảm giá cực sốc”, “Giảm giá 50%”, thậm chí có nơi giảm giá đến 70% - 80%... Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng dễ bị mắc bẫy, mua phải hàng chất lượng kém hoặc mua nhầm hàng không đúng với giá trị thực của nó.
Phần lớn các siêu thị, cửa hàng, thậm chí cả những tiểu thương bày bán hàng hoá lưu động trên vỉa hè đều trưng ra những bảng quảng cáo giảm giá từ 50% đối với những mặt hàng lỗi thời, những sản phẩm cũ, tồn kho, không bán được. Ðối với những hàng mới, đẹp, giá giảm không nhiều, khoảng 10% - 20%, đôi khi là chỉ 5% nhằm thu hút người mua. Ngoài ra, các mặt hàng điện máy, điện gia dụng cũng sôi động không kém.
Với mức giá gốc 500.000 đồng/chiếc nón, các mặt hàng Nón Sơn tại một cửa hàng trên đường CMT8, TP.Tây Ninh được giảm giá chỉ còn 200.000 đồng/chiếc hay mua một tặng một. Với mức giá trên đã thu hút khá đông người mua. Vào khoảng giữa trưa hoặc tối, cửa hàng lúc nào cũng đông nghẹt khách. Ðể tiện cho khách lựa chọn, cửa hàng trưng bày nón ra phía ngoài cửa hàng. Còn cửa hàng quần áo thời trang thương hiệu cũng tấp nập khi thực hiện chương trình khuyến mãi dịp tết cho các sản phẩm váy, đầm, áo sơ mi...
Chị T.H, nhân viên một cửa hàng quần áo trên đường CMT8, TP.Tây Ninh chia sẻ, gần 1 tháng nay, nhiều cửa hàng thời trang đã tung ra nhiều chương trình giảm giá từ 30% - 50% để thu hồi vốn, thanh lý hàng tồn của tiệm. Chương trình giảm giá thường kéo dài đến gần tết để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
Do đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng là thích mua hàng giá rẻ, hàng khuyến mãi nên các cửa hàng này luôn tấp nập người ra vào. Hàng giá rẻ hút khách là vậy nhưng đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng “tấn công” thị trường cả về số lượng lẫn chủng loại. Ðã có không ít người ngậm ngùi “dở khóc dở cười” khi mua phải những sản phẩm bị lỗi, hàng kém chất lượng, nhưng không biết mình bị “chặt chém”.
Chị Kim Ngân, ngụ TP.Tây Ninh chia sẻ, hiện nay, khá nhiều người tiêu dùng vì quá chăm chú đến giá cả mà ít chú ý đến chất lượng của sản phẩm. Do đó, họ rất dễ trở thành những “nạn nhân” của những chương trình “khuyến mãi ảo” của các cửa hàng.
“Trước đó, gia đình tôi có mua một bộ nồi inox giảm giá 20% tại một cửa hàng với giá 200.000 đồng. Nhưng không ngờ ít hôm sau khi đi mua đồ ở cửa hàng khác, tôi phát hiện bộ nồi inox đó được bán với giá thấp hơn nhiều” - chị Hồng Phượng, ngụ huyện Tân Biên kể lại.
Anh N.Q.H, ngụ huyện Châu Thành cho biết, cách đây vài ngày, anh có ghé vào một điểm bán quần áo sơ mi lưu động trên vỉa hè. Theo lời rao của người bán, đây là hàng công ty thanh lý cuối năm với giá 35.000 đồng/áo, mua 3 áo là 100.000 đồng. Do thấy giá rẻ nên anh H quyết định mua 3 cái áo sơ mi về để dành mặc dịp tết. Nhưng khi về nhà, xem kỹ lại anh mới tá hoả thấy những chiếc áo này được may rất sơ sài, cũ mèm, thậm chí có cái bị sứt mất nút áo, nhìn rất tệ.
Trước thực trạng trên, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, xem và tìm hiểu kỹ thông tin của sản phẩm như xuất xứ, nhà sản xuất, giá, các thông số kèm theo, có sự so sánh, đối chiếu sản phẩm. Nếu đã mua hàng dỏm, kém chất lượng hoặc nghi ngờ là hàng giả cần thông tin đến cơ quan chức năng biết để có hướng xử lý.
THIÊN DI