Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhằm mục đích “diễn biến hoà bình”, lật đổ Đảng Cộng sản cầm quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đến hẹn lại lên, cứ đến những ngày tháng 4 là các trang mạng tiếng Việt của đài RFA, BBC lại rộ lên hàng loạt bài viết xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Tháng 4 năm nay, kỷ niệm 40 năm sự kiện 30.4.1975, núp dưới chiêu bài “hoà hợp, hoà giải dân tộc”, hai đài này đã tăng cường quảng bá cho những luận điệu chống Cộng cũ rích nhưng vô cùng thâm hiểm, xảo trá.

|
ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM “KHÁNG CHIẾN CHỐNG NGOẠI XÂM” THÀNH “NỘI CHIẾN QUỐC - CỘNG” !?
Trang mạng đài RFA ngày 20.4.2015, tác giả Nam Nguyên, trong bài “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà” (VNCH) đã mở đầu bài viết như sau: “Bốn mươi năm trước, vào ngày 30.4.1975, cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 2 thập niên đã kết thúc.
Cuộc chiến Quốc - Cộng đã làm 2 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc bỏ mạng cùng sự hy sinh của hơn 58 ngàn người thuộc lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh. Nam Việt Nam lúc đó đã kết thúc sứ mệnh “tiền đồn của thế giới tự do” một cách nhanh chóng và cay đắng...”.
Về mặt tình cảm mà nói, đây đúng là giọng điệu của một kẻ mất gốc, cam tâm làm tay sai cho ngoại bang. Hắn gọi cái chết của quân viễn chinh giày xéo đất nước của hắn bằng mỹ từ “sự hy sinh” và gọi sự hy sinh cũng như bị thiệt mạng oan uổng của đồng bào mình bằng từ “bỏ mạng”, một khẩu ngữ hàm ý không coi trọng hoặc miệt khinh.
Về tên gọi “cuộc chiến tranh Việt Nam” mà Nam Nguyên sử dụng, đấy cũng chính là cách nói của người Mỹ và phương Tây. Nhưng chính người dân và học giả Hoa Kỳ cũng có hai quan điểm khác nhau về cuộc chiến tranh này. Phía hiếu chiến thì tin vào chính phủ Mỹ và ủng hộ cuộc chiến chống Cộng của quân đội Hoa Kỳ.
Ngược lại, phía chống chiến tranh thì cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược theo kiểu thực dân mới của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ. Còn VNCH bản chất chỉ là một dạng chính phủ bù nhìn mà Hoa Kỳ kế thừa từ Pháp, và chính sách chống Cộng của chính phủ Mỹ cũng chỉ là chiêu bài để phục vụ cho quyền lợi của các tập đoàn tư bản ở Mỹ.
Một học giả Hoa Kỳ, giáo sư Noam Chomsky, làm việc tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), đã đánh giá về VNCH: “Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân.
Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp”. Một học giả khác cũng của Hoa Kỳ, tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc, cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã viết trong quyển sách “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam” như sau: “Không hề có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ.
Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh - chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, uỷ nhiệm, kỹ thuật gia, hoả lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.
Một cuộc chiến mà trong đó một phía (VNCH) hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc - một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình - thì đó không phải là một cuộc nội chiến...”.
Phía Mỹ thì như vậy, phía VNCH họ nói sao về cuộc chiến tranh này?
Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của chế độ VNCH, trong bài diễn văn đáp từ Phó Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã nói: “Liên quan tới vấn đề an ninh, biên giới Hoa Kỳ không ngừng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà kéo dài, ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 của Việt Nam, hình thành một biên giới của thế giới tự do, cái mà chúng ta đều trân trọng”.
Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống VNCH trốn chạy theo ngoại bang khi Sài Gòn sắp thất thủ, đã thú nhận: “Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống Cộng”; “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập”.
Hay như Cao Văn Viên, đại tướng nguỵ, đi lính từ 1951-1975 hết phục vụ cho quân đội Pháp, đến quân đội quốc gia VN thuộc Pháp, rồi quân lực VNCH, “đồng minh” của quân lực Hoa Kỳ cũng đã thừa nhận: “trách nhiệm về chiến tranh ở đây là của Mỹ, trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ, chính sách đó do Mỹ đề ra, chúng ta (quân đội Sài Gòn) chỉ theo họ mà thôi!”.
Như thế cũng đã quá đủ để kết luận rằng: các trang mạng tiếng Việt của đài RFA, BBC đã đánh tráo khái niệm “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân VN” thành “Cuộc nội chiến quốc - Cộng giữa hai miền Nam - Bắc VN”.
LẤY CỚ “HOÀ HỢP, HOÀ GIẢI DÂN TỘC” ĐỂ CHỐNG CỘNG
Dưới chiêu bài “thương tiếc những thanh niên tuấn tú cả hai miền đã bỏ mình trên chiến trường vì chủ nghĩa, ý thức hệ ngoại lai”, BBC đưa ra luận điệu “Nếu không có cuộc chiến tranh phi lý Quốc, Cộng, đất nước được thống nhất trong hoà bình, với tinh thần đoàn kết cả hai miền, dân Việt sẽ dư sức dốc tâm kiến tạo một nước Việt Nam cường thịnh không khó khăn gì”. (BBC, 19.4.2015, 30.4 Quê hương xa mờ dần, Trần Viễn Xứ).
Và sau đó là cái đuôi diễn biến hoà bình: “Đất nước Việt Nam tuổi trẻ có rất nhiều người giỏi. Nếu chính thể Việt Nam thay đổi thì trong tương lai Việt Nam sẽ khá hơn nhiều”. (BBC, 24.4.2015, Mong đất nước khá hơn, BBC Việt ngữ).
Phần đánh tráo khái niệm “chủ nghĩa, ý thức hệ ngoại lai” và “chiến tranh phi lý Quốc, Cộng” của cái anh họ Trần (chắc là hậu duệ Trần Ích Tắc) bỏ quê cha đất Tổ này thiết nghĩ ở phần trên đã được chứng minh không cần phải lặp lại. Ở đây chỉ nhấn mạnh vào luận điệu “nếu không có cuộc chiến tranh phi lý Quốc, Cộng” thì “đất nước được thống nhất trong hoà bình”, sự thực là như thế nào?
Tài liệu “Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975)” của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: “Hiệp định Genève về Đông Dương vừa được ký kết (20.7.1954), thì Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua “kế hoạch Memphis”. Tinh thần và nội dung cơ bản của kế hoạch này là “biến vĩ tuyến 17 thành một phòng tuyến ngăn chặn (chủ nghĩa cộng sản) không thể xoá bỏ được.
Để lập được phòng tuyến đó cần có một tổ chức liên minh quân sự bao gồm Mỹ và các nước khác trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt”. Chưa đầy 4 tháng sau, âm mưu này đã được phía Mỹ cụ thể hoá: Ngày 17.11.1954, Colin, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ được cử sang Sài Gòn làm đại sứ, đề ra kế hoạch bảo trợ chính quyền Ngô Đình Diệm: viện trợ thẳng cho chính phủ Sài Gòn không qua tay Pháp; Xây dựng lại “quân đội quốc gia Việt Nam” với 15 vạn quân do Mỹ huấn luyện, trang bị; tổ chức bầu cử “Quốc hội Việt Nam” (từ vĩ tuyến 17 trở vào) để hợp pháp hoá chính quyền Sài Gòn; định cư cho số công giáo miền Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa; thay đổi chế độ thuế khoá, dành ưu tiên cho hàng hoá và công ty Mỹ vào miền Nam Việt Nam; đào tạo cán bộ hành chính cho Diệm. Triển khai kế hoạch này, từ ngày 28.4.1956 phái đoàn MAAG của Mỹ đã đưa lực lượng cố vấn tham gia huấn luyện quân đội Sài Gòn.
Đế quốc Mỹ đã muốn chia cắt vĩnh viễn đất nước ta như vậy, thử hỏi làm sao hai miền Nam - Bắc “được thống nhất trong hoà bình”? Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 ghi rõ cuộc tổng tuyển cử tiến tới thống nhất Việt Nam trong hoà bình sẽ được tổ chức vào tháng 7.1956. Cơ hội “thống nhất trong hoà bình” này đã bị Ngô Đình Diệm (có sự hậu thuẫn của Mỹ) từ chối.
Học giả Richard J. Barnet nhận xét: “Điều quan tâm chính của chính quyền Diệm là sự an toàn của chính quyền. Chính quyền Diệm sợ rằng cuộc bầu cử dự định tổ chức vào tháng 7.1956 đưa đến sự thắng lợi của Hồ Chí Minh và chấm dứt quyền lực của những chính trị gia không cộng sản”.
Thế nên, Diệm đã chỉ đạo bộ máy chính quyền VNCH mở chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” quyết liệt từ mùa hè năm 1955. “Thấy cộng sản ở đâu là phải bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay”, tác giả cuốn “Cuộc chiến tranh Việt Nam”, Marilyn B. Young đã ghi lại chỉ thị “nổi tiếng” đó của Diệm.
Chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” đã dẫn đến hàng nghìn người kháng chiến cũ (trong đó nhiều người không phải đảng viên cộng sản) bị bắt, bị giết, số còn lại phải chạy về các vùng chiến khu chống Pháp cũ để sống sót. Tác giả Dennis Bloodworth vào năm 1970 đã nhận xét rằng: “Cho tới năm 1963, mật vụ của Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước.
Ông ta và gia đình mình đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực”. Rõ ràng, tham vọng quyền lực của Ngô Đình Diệm cùng với âm mưu thủ đoạn của Mỹ, đã tạo nên lực cản lớn ngăn chặn sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà.
KẾT LUẬN
Nguyên nhân “cuộc chiến tranh Việt Nam” như vậy là đã rõ: Mỹ là kẻ xâm lược, lúc cao điểm đã huy động hơn 600.000 quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến ở Việt Nam; VNCH là chính quyền bù nhìn do Mỹ dựng lên và điều khiển từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, quân lực VNCH xấp xỉ 1 triệu binh sĩ thực chất là đội quân đánh thuê của Mỹ, do Mỹ huấn luyện, trang bị vũ khí và trả lương; Đảng CSVN là đại biểu ưu tú nhất của dân tộc VN trong thời đại Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” và 30.4 là ngày vui thống nhất đất nước. Đó là sự thật lịch sử không thể thay đổi!
THIÊN HẠ