Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác trước những chiêu trò chống phá Đại hội XIII của Đảng trên mạng xã hội 

Cập nhật ngày: 03/09/2020 - 14:27

BTNO - Thông tin trên mạng xã hội có độ chính xác không cao, trừ những trang chính thống của các cơ quan, ban, ngành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Trong khi cả nước đang chuẩn bị tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch ráo riết tăng cường các chiêu trò lôi kéo một số đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức, biến chất; thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tấn công vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự của Đại hội.

Nguyên nhân để chúng có thể lôi kéo, tập hợp chống phá là trong quản lý, điều hành, cũng có nơi, có lúc, một số cán bộ, đảng viên yếu kém về năng lực, xuống cấp về đạo đức; pháp luật còn nhiều kẽ hở cho họ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong Nhân dân.

Yếu kém, sai sót chỗ nào, Đảng và Nhà nước ta đều quyết tâm khắc phục, xử lý, nhưng các thế lực thù địch nhanh chóng thổi phồng những yếu kém; bóp méo và xuyên tạc sự thật để phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới.

Tình trạng thông tin bị lệch lạc, sự “a dua”, làm nóng thêm các vấn đề vốn nửa đúng, nửa sai hoặc ít phần trăm đúng, nhiều phần trăm sai thành những câu chuyện ly kỳ trên mạng; xuyên tạc, bịa đặt về đời tư cá nhân, bôi nhọ thanh danh, uy tín của những cá nhân trong diện quy hoạch để đánh vào công tác nhân sự hay quan điểm, đường lối trong các dự thảo văn kiện đại hội các cấp, nhất là các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Để lôi kéo được nhiều người, một số thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch, chống phá mà chúng ta cần cảnh giác sau đây:

Thứ nhất, trưng ra một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó như tấm “bùa hộ mệnh" để không ai có thể phản biện hoặc phê phán họ.

Thứ hai, đưa ra những câu từ phức hợp, lươn lẹo, “nửa đúng, nửa sai", hòng tuyên truyền, đánh lạc hướng người đọc, từ đó phủ nhận cái đúng, dụ dỗ và chiếm đoạt niềm tin của những người kém hiểu biết.

Thứ ba, núp bóng danh hiệu của tập thể anh hùng, mượn danh cựu chiến binh để gây lòng tin với người đọc.

 Thứ tư, núp bóng thư gửi lãnh đạo cấp cao của Đảng để hòng thu hút, lôi kéo mọi người chú ý.

Thứ năm, rỉ tai, phát tán tờ rơi, in ấn bừa bãi, không đúng quy định của pháp luật về xuất bản phẩm...

Thứ sáu, lập ra những trang giả, ảo đăng những tin lập lờ, xuyên tạc, bịa đặt rồi chia sẻ về để định hướng dư luận, thu hút những người nhận thức kém, thích a dua vào like, chia sẻ, comment chửi bới, xúc phạm cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng hoặc xúc phạm cá nhân.

Thứ bảy, lập trang, nhóm mạo danh cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương đăng tải những bài viết mang tính chỉ đạo có nội dung không đúng sự thật để đánh lừa dư luận một cách không lành mạnh thu hút lượt like, chia sẻ, comment lên hàng ngàn lượt, làm nhiễu loạn dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan chức năng.

Thông tin trên mạng xã hội thường có độ chính xác không cao, trừ những trang chính thống của các cơ quan, ban, ngành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương… để tránh sập bẫy “tin giả, hãy giữ cho mình trạng thái bình tĩnh trước tất cả các loại thông tin; hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra; đối chiếu để phân biệt đúng, sai, thật giả trước khi like, chia sẻ và bình luận.

Mỗi người nên xây dựng cho trang cá nhân trên mạng xã hội những hình ảnh đẹp, thông tin chính xác, mang ý nghĩa giáo dục cao; không chia sẻ tin bịa đặt, tin xấu, chém giết, bạo lực… góp phần làm cho những thông tin xấu, độc ngày càng giảm đi, xây dựng mạng xã hội ở Việt Nam ngày càng lành mạnh hơn.

Nguyễn Thị Thu Cúc

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ


 
Liên kết hữu ích