Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Canh giữ mùa xuân phía cuối chân trời
Thứ hai: 19:56 ngày 20/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đóng quân ở nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được coi là ở cuối “chân trời” Tổ quốc.

Giữa ngàn khơi bao la ngàn trùng sóng gió ấy, các anh vẫn có đầy đủ hương vị mùa xuân. Chỉ khác không được đi dưới tiết trời sương lạnh trên đất liền và quây quần với người thân những khoảnh khắc giao thừa

Bài thơ tặng mẹ

Những ngày cận Tết Canh Tý, vùng biển DK1 có sóng to, biển động mạnh, nỗi nhớ đất liền càng tăng thêm trong lòng những người lính trẻ. Đối với các nhà giàn DK1 phía Bắc ở các cụm Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quề Đường khoảng cách với đất liền gần hơn, nỗi nhớ của lính trẻ nơi ấy cũng giảm hơn. Còn đối với cán bộ chiến sĩ DK1/10 khoảng cách so với đất liền xa hơn, nỗi nhớ đất mẹ  thấm vào gan ruột “dầy” hơn.

Thêm một lần đón Tết giữa biển khơi, Thiếu tá chuyên nghiệp Y sĩ Trần Văn Du “lặng lòng” khi nhắc về đất liền, quê hương những ngày giáp Tết. Du bảo, ngày Tết ai chẳng nhớ bố, mẹ, vợ con, nhưng vì nhiệm vụ mình đành chấp nhận. “Mặc dù ở nhà giàn này, mùa xuân chúng tôi có đầy đủ hương vị mùa xuân, có bánh chưng, mứt tết, miến măng và hoa mai từ đất liền gửi tặng; nhưng vẫn cồn cào nhớ bố mẹ, quê nhà trong tim gan. Sóng gió càng lớn, nhớ đất liền càng da diết. Song không vì thế mà ngơi tay súng. Sóng càng to, gió càng mạnh, ý chí chiến đấu càng kiên cường”-  Thiếu tá Du chia sẻ.

Kiêu hãnh canh mùa xuân nhà giàn DK1- Ảnh Đăng Huỳnh

Lần đầu tiên đón Tết xa quê, binh nhất Trần Văn Hạnh- chiến sĩ pháo thủ cứ “thẩn thơ” khi tôi hỏi “quê đâu, đã lần nào đón tết DK?”. Người lính trẻ nhìn chúng tôi, nhìn ra biển, rồi quay lại bảo: “Đây là lần đầu tiên em đón Tết xa nhà. Hình bóng mẹ em tiễn chân ngày nhập ngũ cứ ẩn hiện trong đầu em. Em phấn đấu rèn luyện, Tết năm sau em về thăm bố mẹ”.

 Tìm hiểu tôi mới biết, Hạnh quê ở Yên Thành, Nghệ An. Anh về Tiểu đoàn DK1 và ra nhà giàn DK1/10 trong chuyến tàu KN-263 chở quà Xuân ra cho bộ đội nhà giàn hồi đầu tháng 12 âm lịch. Đêm trước ngày Hạnh lên đường tòng quân nhập ngũ, nhà anh tổ chức bữa cơm chia tay. Trong niềm xúc động bùi ngùi tiễn con lên đường, bà Nguyễn Thị Ánh chia tay con bằng “Lời ru của mẹ” mà do bà sáng tác. Những vần thơ chứa chan cảm xúc dặn con trước lúc lên đường: “Hãy lắng nghe tiếng mẹ ru hời/ từ khi con còn trong nôi, từ khi con  mới chào đời/ bao đắng cay bao tủi nhục/ mẹ chắt chiu từng giọt sữa nuôi con/ nay lớn khôn con đi bộ đội/ bảo vệ cho biển đảo bình yên/ mẹ nuôi lớn khôn con từng ngày”.

“Mẹ em là dân văn nghệ của xóm. Bà hát dân ca Xứ Nghệ rất hay. Mỗi lần em nghe mẹ hát, em không kìm được xúc động”- Hạnh, nói.

Binh nhất Hạnh lấy cuốn sổ tay nhỏ có bài thơ đưa cho tôi xem. Những vần thơ chứa chan cảm xúc, nhói lòng người lính nhà giàn gửi mẹ ở quê nhà Xứ Nghệ. Bài thơ có tựa đề “Tết ở chân trời”

 Tết này ở cuối “chân trời”

Có người lính trẻ nhớ lời mẹ ru

Ngày con đi, giữa  mùa Thu

Xuân này nhớ mẹ ngàn trùng cách xa

Mẹ ơi lần đầu xa nhà

Con nhớ lắm, lửa, cà Tết xưa

Nhớ ngày mẹ khóc tiễn đưa

Con đi bộ đội tuổi vừa đôi mươi

Xuân này ở cuối chân trời

 Hạnh bảo, trước khi chia tay đoàn chúc Tết trở về đất liền, anh làm bài thơ này, viết trên giấy ô ly gửi về quê với mong muốn mẹ anh sẽ đọc cho cả nhà nghe vào phút giao thừa.

Những chuyện bất ngờ chiều ba mươi Tết

Với những người lính DK, chuyện vớt được thi thể, hoặc thấy thi thể người trôi trên biển thì họ đều làm những “thủ tục tâm linh” để đưa tiễn người xấu số vào lòng đất mẹ.

Trung tá Nguyễn Văn Tài, nguyên Chính trị viên nhà giàn DK1/10 kể lại, sáng 30 Tết cách 10 năm trước, trong khi cán bộ chiến sĩ đang chuẩn bị mâm cơm giao thừa cuối năm, thì chiến sĩ quan sát báo cáo phát hiện “vật nổi lạ” trôi lềnh bềnh phía Bắc nhà giàn. Qua ống kính TZK, một thi thể người hiện rõ đang rút dần khoảng cánh tới nhà giàn theo chiều nước chảy.

Theo thông lệ của những người đi biển, các chiến sĩ đã thắp hương, kính cẩn nghiêng mình đưa tay chào tiễn biệt người xấu số. “Giữa biển khơi, có rất nhiều những chuyện bất ngờ xảy ra mà không thể đoán trước. Đối với những thi thể trôi dạt trên biển, không gặp thì thôi, gặp đều phải thắp hương, cầu nguyện tiễn biệt họ. Đó vừa là nghĩa cử, vừa là thủ tục tâm linh trên biển”- Trung tá Tài cho hay.

Chiến sĩ  DK1/10 sắp bàn thờ Tổ quốc.

Người viết bài này đã có 11 năm liền làm nhiệm vụ ở các nhà giàn DK1, trong đó có một năm đón Tết ở “nhà giàn chân trời”. Nhớ một lần vào chiều 30 tết, khi 9 cán bộ chiến sĩ đang mổ gà, nấu bánh chuẩn bị cúng giao thừa thì từ hệ thống thông tin kênh quy định phát tín hiệu cấp cứu: “Tàu cá gọi nhà giàn, tàu cá gọi nhà giàn, xin giúp chúng tôi có người gặp nạn”. Nhận được tín hiệu cấp cứu, Thiếu tá Trần Đức Vinh lúc đó giữ chức chỉ huy trưởng đã triển khai tổ cấp cứu cơ động, sẵn sàng cứu chữa ngư dân.

Qua ống kính quan sát, một ghe câu mực của phiên hiệu số Cà Mau đang hải trình khẩn cấp vào nhà giàn. Thang dây được thả xuống sàn cập tàu, cáng quân y để sẵn, y cụ cấp cứu khẩn cấp vô trùng. Giọng chủ tàu cá gào thét trong sóng lớn: “Cứu chúng tôi với. Một thuyền viên bị nạn”. Giọng ông lạc đi vì tiếng gió át gào.

Nhanh như cắt, chiến sĩ quân y nhảy xuống biển hỗ trợ một đầu cáng y tế, phối hợp các thuyền viên và chiến sĩ trên giàn đưa ngư dân lên sàn cập tàu. Ngư dân bị chấn thương vùng vai và chân trái do cẩu va đập trong lúc lao động, người tái nhợt, máu từ chân chảy ra. Y sĩ Bùi Sĩ Sơn đã cố định, cầm máu chân trái, chườm lạnh và thực hiện những “thủ thuật cấp cứu chuyên biệt”. Sau hơn 2 giờ ngất lịm, ngư phủ đã tỉnh và mấp máy miệng. Câu đầu tiên nói với chúng tôi là “Cảm ơn bộ đội nhà giàn”, và họ xin ở lại đón giao thừa cùng cán bộ chiến sĩ.

Một lòng sắt son vì Tổ quốc, vì nhân dân

Sáng 17.1.2020 (tức 23 tháng 12 Kỷ Hợi), cũng như đất liền, nhà giàn DK1/10 tổ chức gói bánh chưng, gói giò nạc để “đưa ông Táo lên trời” theo  phong tục cổ truyền của dân tộc. Từ biển khơi, Chính trị viên-Thượng úy Trần Nhật Khánh cho hay, thời tiết những ngày cận tết sóng to gió lớn, nỗi nhớ đất liền tăng lên bội phần. “Sóng càng to, ý chí càng cao. Mặc dù ở giữa biển khơi, song chúng tôi có đầy đủ hương vị ngày Tết như ở đất liền”- Khánh nói.

Trong khi ở đất liền đang rộn ràng mua sắm cho một cái Tết đầy đủ, sum vầy bên những người thân; thì ở ngoài đường biên của Tổ quốc những người lính DK1 đang đứng gác trong gió gào sương biển và căng thẳng theo dõi, xua đuổi những con tàu “không mời mà đến”.

Ở giữa ngàn khơi ấy, dẫu còn không ít nhọc nhằn gian khổ, song niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết Canh Tý yên bình.

Khi tôi hỏi “Công tác sẵn sàng chiến đấu những ngày cận Tết thế nào thưa anh?”, Thượng úy Khánh nhấn mạnh qua điện thoại: “Với tinh thần vui xuân mới không quên nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK 1/10 sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, đoàn kết một lòng, tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào vẫn một lòng son sắc, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo; không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc khu vực biển được phân công quản lý”.

Thêm một lần đón Tết ở nhà giàn, Trung úy CN Lê Minh Tiến luôn có quan niệm rằng, để có một mùa xuân an lành, trọn vẹn niềm vui, nhiệm vụ của lính DK1 là canh trời giữ biển. “Nếu không có những người lính bảo vệ biên cương, hải đảo, thì mùa xuân sẽ chẳng trọn vẹn niềm vui. Được canh biển, giữ chủ quyền trong những ngày Xuân về Tết đến, dẫu nhớ đất liền, nhưng đó là sứ mệnh thiêng liêng, là niềm kiêu hãnh của lính nhà giàn”, Trung úy Tiến chia sẻ.

Mai Thắng- Văn Du

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục