Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cánh rừng tuổi trẻ
Thứ bảy: 07:46 ngày 22/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Phát trầm ngâm đưa mắt nhìn về phía màu xanh của những tán rừng biên giới xa xa. Ông cảm nhận một điều rằng, những lớp lá xanh non mãi vươn lên, mãi làm nên những cánh rừng tuổi trẻ…

Tiệc liên hoan đưa tiễn Tú lên đường nhập ngũ khách không đông lắm nhưng cũng kéo dài hết cả ngày trời. Bởi vì ngoài bà con họ hàng còn có đồng nghiệp của Tú là những thầy cô dạy chung trường, chưa kể bạn bè của ba mẹ Tú cũng là giáo viên. Người dạy buổi sáng, người dạy buổi chiều, nên ai rảnh lúc nào đến lúc đó. Nhìn nét mặt Tú rạng ngời, vui vẻ phấn chấn khiến ông Phát- ba của Tú cũng vui lây.

Thời buổi hoà bình, tâm thế đi lính khác xa với lúc chiến tranh. Tú tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm, ra trường dạy được một năm thì có lệnh gọi thi hành nghĩa vụ quân sự. Không thể không có cảm giác luyến tiếc khi buông bỏ viên phấn, rời xa mái trường lên đường tòng quân, trong đó có cả những ánh mắt đầy lưu luyến của vài cô giáo trẻ cùng trường, nhưng đối với Tú đây cũng là một trải nghiệm của cuộc đời, của phận làm trai “thoả chí tang bồng”. Hết thời gian thi hành nghĩa vụ, Tú lại trở về với học trò, với bảng đen phấn trắng, với những mơ ước tương lai, có gì đâu mà phải trăn trở.

Trong số các thầy cô đến dự tiệc, có người còn bảo sau này Tú sẽ mê ở trong quân ngũ luôn cho coi. Bàn tiệc phía cuối còn lại mấy người thầy giáo cùng lứa với ba Tú, trong đó có thầy Viên. Thầy Viên và ba Tú có một thời làm cán bộ Phòng Giáo dục huyện Bến Cầu. Cả hai đang rất hào hứng về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977. Chuyện này Tú đã từng nghe ba kể và Tú cũng rất tự hào có người cha như thế, một thầy giáo bất đắc dĩ có mặt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

*  *  *

Cuối thập niên 1970, ông Phát, ông Viên cùng các thầy giáo trong đội ngũ cán bộ Phòng Giáo dục của huyện xung phong vào Đội Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam. Tuổi trẻ với bầu nhiệt huyết, được tin là xung phong thôi chứ thật ra lúc đó các thầy còn chưa hình dung là đi đâu, làm gì, làm như thế nào.

Từ ngày nhận lệnh gọi, các thầy giáo trẻ được giao cho Huyện đội huấn luyện cấp tốc khoảng một tuần lễ. Cũng như bọn trẻ đi học quân sự bây giờ vậy, lăn lê bò trườn, tháo lắp súng và một số kỹ năng cơ bản về quân sự. Sau khoá học tập, họ lên đường vào chiến dịch.

“Rạng sáng ngày 2.10.1977, bộ đội ta bất ngờ tấn công ào ạt về hướng biên giới Campuchia, nơi bọn diệt chủng Pôn Pốt hoành hành lâu nay”. Thầy Viên vừa kể vừa trêu thầy Phát: “Tôi nhớ hồi đó ông Phát bị ông cán bộ chi viện quát một trận vì cái tội ra trận mà mặc áo sơ mi katê màu vàng. Ổng hét: “Cởi áo ra, bộ muốn chỉ điểm hả?”.

Trời ơi, ai mà có nghĩ tới cái vụ đó, kêu đi là đi thôi chứ biết ất giáp gì đâu. Mà công nhận ông cán bộ chi viện đó hay thiệt. Ổng kêu đi là đi, kêu đứng lại là đứng lại, kêu nằm là lập tức sát rạt. Ổng nghe tiếng đạn bay là biết an toàn hay nguy hiểm và ra lệnh rất dứt khoát. Có khi nghe đạn rít cheo chéo trên đầu, sợ muốn té đái mà ổng nói không sao, cứ đi.

Và quả nhiên là êm ru. Mọi người đều nghe lệnh ổng. Mà ổng có cái tật hay quát tháo, nổi cáu, nói chuyện thì cộc lốc lại hay chửi thề. Ông bà mình nói chẳng sai, có tật có tài. Ổng người tầm thước, rắn rỏi. Cái hôm chiến sự xảy ra ác liệt nhất là lần ổng chửi dữ nhất”.

Khi tiếng súng đánh trả bọn Pôn Pốt xảy ra, các thầy giáo được giao qua cho Huyện đội quản lý, bắt đầu thi hành theo kỷ luật quân đội. Công việc của họ là đi chặt cây, đắp đường, theo xe quân sự xuống vũ khí, chống lầy. Cho đến một ngày, các thầy trực tiếp ra chiến trường tải thương.

Lần đó, ông cán bộ chi viện thấy thầy Phát và thầy Viên đang khiêng xác một chiến sĩ không được tẫn liệm đàng hoàng liền trừng mắt quát to: “Đ…t* mẹ! Chúng mày khiêng kiểu đó tao bắn bỏ mẹ!”. Trong lúc hai thầy ngơ ngác chưa hiểu thế nào thì có một chiến sĩ giải thích: Theo chính sách hậu phương quân đội, các anh đối xử với thân xác liệt sĩ như vậy là không được, nếu là tôi thì đã bị kỷ luật nặng rồi. Đồng chí ấy còn nói đi tải thương mà sao không mang theo dụng cụ gì hết.

Trong lúc bối rối chưa biết làm gì thì đồng chí lấy trong ba lô ra một cái võng dù. Bảo hai thầy giáo để xác người chiến sĩ không còn nguyên vẹn vào võng, bó lại. Sau khi rút vội cây tầm vông trên giàn bầu nhà người dân gần đó làm đòn, hai thầy bắt đầu khiêng xác người chiến sĩ đi. Lần đầu tiên tiếp cận với xác người chết đầy máu me, thầy Phát sợ tái xanh, thầy Viên thì xém xỉu.

Thầy Viên năn nỉ thầy Phát nhường cho mình đi trước để khỏi phải nhìn thấy máu, thầy Phát dũng cảm gật đầu. Đi được một quãng không xa, thầy Phát nài nỉ thầy Viên đổi lại. Thật ra lúc đó thầy Phát đã muốn ngất vì mệt, vì mùi máu... Trong lúc dừng lại đổi chỗ cho nhau, một viên đạn cối của bọn Pôn Pốt suýt lấy mạng các thầy giáo.

Sau hơn một buổi vất vả, mọi người cũng được nghỉ ngơi. Bộ đội thiết giáp mang lương khô ra mời các thầy giáo. Có cả cơm bỏ trong rổ lót bằng lá chuối. Nhưng hỡi ơi, cơm nguội ngắt nguội ngơ, cái rổ để cạnh mấy cái xác người, nuốt sao cho vô. Vậy chứ cũng phải ăn.

Trong bữa cơm nhớ đời đó, các thầy giáo được người cán bộ chi viện nhắc đến với lời ngợi khen. Các thầy chuyên cầm bút, cầm phấn, mà hôm nay hăng hái, dũng cảm xông ra chiến trường trong thời điểm ác liệt thế này rất đáng khen, vất vả cho các thầy quá!

Thầy Phát nhớ lại người chỉ huy tài giỏi kia còn nhận biết cả những nơi trú ẩn được bọn Pôn Pốt nguỵ trang cẩn thận bằng cách cuốc đất lấp lên, bên trên có lúa, hoặc có trồng rau, trồng sả. Vậy chứ không sao qua mắt được người cán bộ chi viện ấy. Tiếc là thời gian lâu quá rồi, thầy Phát và thầy Viên không còn nhớ tên người cán bộ chi viện ấy. Chỉ còn nhớ cái giọng Bắc, khi ra lệnh rất dứt khoát và khi khen ngợi cũng rất êm, rất mềm. Mấy chục năm trôi qua rồi chứ ít gì.

Hồi ở Phòng Giáo dục Bến Cầu, các thầy được cấp cho một khẩu súng và một trái lựu đạn. Thầy Phát là người được giao nhiệm vụ giữ, bảo quản. Ý thức được tầm quan trọng khi có vũ khí trong tay. Thầy Phát rất quý và hay lấy ra lau chùi lúc rảnh rỗi. Một lần, đang lau lau chùi chùi tỉ mẩn khẩu súng Côn 45, không biết thế nào mà chiếc lò xo hồi tống bay vèo xuống vũng rau muống bên hông nhà Phòng Giáo dục. Khẩu súng mà mất lò xo thì còn gì là súng ống nữa.

Thầy Phát lo lắng chia sẻ với thầy Viên. Thầy Viên nhanh nhẹn “dựng lại hiện trường”. Thầy ấy bảo: “Lúc lau súng ông ngồi ngay vị trí nào, ông làm y vậy tui coi”. Thế là làm lại từ đầu. Thầy Phát ngồi vào bàn, lấy súng ra, đưa tầm ngắm hướng về phía cửa sổ thông gió trên vách đất có bốn ô vuông được ngăn ra bằng hai thanh tầm vông chẻ nhỏ.

Không biết lẩm bẩm tính toán thế nào mà thầy Phát vội chạy ra và ùm ngay xuống ao, lò mò xung quanh mặt ao với diện tích gần bằng cái nia thì tìm được cái lò xo. Thầy Viên khen: “Đúng là thầy giáo dạy Toán có khác!”. “Hay hổng bằng hên ông ơi!”. Từ đó, thầy Phát cẩn thận hơn với vũ khí được cấp. Thầy cất kỹ khẩu súng trong tủ. Lấy giấy tập học sinh bao gói kỹ càng và đặt trái lựu đạn cẩn thận trong hộc bàn gần chỗ giường ngủ.

“Ông còn nhớ hồi đó còn chút xíu nữa tui bị mất mạng không?”. Thầy Viên nhắc lại kỷ niệm. Thầy Phát trả lời mà trong giọng nói còn run run như chuyện mới vừa xảy ra đây thôi. “Sao có thể quên cho được?!”. Thầy Viên tính vui vẻ, hài hước, hay trêu chọc mọi người. Tuy hai thầy cùng tuổi nhưng thầy Phát chững chạc hơn.

Chắc cũng vì lẽ đó mà cấp trên giao vũ khí cho thầy Phát chịu trách nhiệm. Mỗi khi giao ca canh gác là thầy Phát đều dặn dò đồng nghiệp kỹ lưỡng rồi mới an tâm đi nằm bất kể ca đêm hay ca ngày. Buổi xế chiều hôm đó, thầy Phát giao ca trực cho thầy Viên.

Chừng mươi phút sau, trong mơ mơ màng màng chập chờn thiu thỉu thầy nghe một tràng tiếng Campuchia. Bật mình ngồi dậy, thầy chồm qua hộc bàn thò tay lấy trái lựu đạn. Thất kinh hồn vía khi phát hiện trái lựu đạn không cánh mà bay. Trong giây phút hoảng hốt không biết làm sao vì tưởng bọn Pôn Pốt đã vào tới nơi. Thầy Phát nhanh như chớp nhoài người qua hầm chông, rút vội cái chông nhọn hoắc. Chỉ còn tít tắc nữa thôi là thầy xiên que tên lính kia rồi. “Tui! Tui! Không phải Pôn Pốt!”. “Trời ơi, ông giỡn cái gì kỳ vậy thầy Viên?”.

*  *  *

Thoắt cái đã mấy chục năm, bây giờ cơ ngơi Phòng Giáo dục đã hoàn toàn khác xưa. Nhà gạch tường xây khang trang đã thay cho nhà tranh vách đất. Còn chăng là cái hình chữ U của các dãy nhà nhìn giống hồi xưa. Nhớ hồi đó, thằng bạn trên Thị xã xuống chơi, nó bảo “cái nhà làm việc của mày giống tiệm hớt tóc quá!”. Phía sau Phòng Giáo dục có khu đất trống để sản xuất nay cũng đã kín nhà là nhà.

Mọi thứ đã không ngừng thay đổi. Thằng Tú giờ đã hơn hai mươi. Nhìn nó trong buổi tiệc tiễn đưa mà ông Phát cứ tưởng như bản thân mình đang chuẩn bị tòng quân. Nhớ hồi đài truyền hình đưa tin về các thầy giáo xung phong đi phục vụ chiến trường trong đó có ông, mấy người quen hỏi “Thằng Phát đi bộ đội hả?”. Ba má thầy Phát ở quê giật mình “Đâu có, nó đi dạy học mà!”. “Tui thấy truyền hình nói nó đi bộ đội”. Lúc ba má chất vấn, thầy Phát trả lời: “Chắc người ta nhìn nhầm”, để ba má bớt lo. Chứ nhà có một đứa con trai duy nhất mà tham gia chiến trường thì sao ông bà an tâm cho được.

Vào Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, sau ba tháng tân binh, thằng Tú đăng ký tham gia đội văn nghệ xung kích của Trung đoàn. Đội văn nghệ của Tú thường xuyên tập luyện, biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh và ở Quân khu 7. Năm thứ hai sau nhập ngũ, đơn vị tin tưởng giao cho Tú đảm nhiệm chức đội trưởng đội văn nghệ. Trúng ngay sở thích của Tú, nên lúc nào phong trào văn nghệ của đơn vị cũng sôi nổi. Những lúc rảnh, Tú còn sáng tác nhạc, đây cũng là sở trường của người thầy giáo từng dạy môn Âm nhạc. Ngày được tin Tú thi đỗ vào Trường Văn hoá nghệ thuật Quân đội, cả nhà rất phấn khởi. Tú chọn học ngành Văn hoá văn nghệ quần chúng. Mỗi lần nghe tin Tú tham gia các chương trình biểu diễn, các hoạt động văn nghệ của trường, hoặc cho ra đời những bản nhạc hay là ông bà Phát rất vui. Con mình vừa thoả mãn đam mê vừa làm tròn nghĩa vụ quân sự.

Ông Phát trầm ngâm đưa mắt nhìn về phía màu xanh của những tán rừng biên giới xa xa. Ông cảm nhận một điều rằng, những lớp lá xanh non mãi vươn lên, mãi làm nên những cánh rừng tuổi trẻ…

T.N.M

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục