BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cấp chứng chỉ y tế: Có lộ trình hợp lý để tránh cơ chế xin - cho

Cập nhật ngày: 15/06/2009 - 05:51

Sáng 15.6, thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, gần 30 ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề nghị hoàn thiện chế định về chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế và cấp đổi giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB. Theo các đại biểu đây là 2 nội dung quan trọng trong mục tiêu hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy xã hội hoá để nâng cao chất lượng KCB.

Đại biểu - bác sĩ Nguyễn Minh Hồng: Nên thay điều khoản "thương yêu người bệnh" bằng "tận tâm, tận lực cứu chữa người bệnh"

Về chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, nhiều ý kiến tán thành chủ trương cấp chứng chỉ cho tất cả đối tượng hành nghề y, nhằm chuẩn hóa đội ngũ về chuyên môn, giữ gìn y đức, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động KCB. Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh ý nghĩa điều luật này sẽ tạo sự bình đẳng giữa người hành nghề tại các cơ sở KCB của Nhà nước và tư nhân, phù hợp với thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước khác trong khối ASEAN.

Cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động KCB theo lộ trình

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tỏ ra băn khoăn với số lượng gần 300.000 cán bộ y tế làm việc trong khu vực nhà nước sẽ nằm trong diện rà soát, cấp chứng chỉ này. Theo thống kê, các bệnh viện công hiện đang có khoảng 54.910 bác sỹ, 48.738 y sỹ, 1308 điều dưỡng viên đại học, 50.031 điều dưỡng viên trung học, 9.819 điều dưỡng viên sơ học, 18.109 nữ hộ sinh đại học và trung học, 2.133 nữ hộ sinh sơ học, 11.230 kỹ thuật viên y tế, 710 xét nghiệm viên và 677 lương y. Vì thế, để công tác cấp chứng chỉ không làm xáo trộn hoạt động của ngành, các đại biểu đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được thực hiện theo lộ trình, đối với những cán bộ y tế đã có nhiều năm công tác và có trình độ chuyên môn cao sẽ áp dụng thủ tục cấp chứng chỉ đơn giản hơn. Mặt khác, cần xem xét để bổ sung thêm điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề là có chứng nhận đủ tiêu chuẩn về y đức vì đây là một chỉ tiêu rất quan trọng đối với người hành nghề y.

Tương tự, việc cấp, đổi và thu hồi giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB cũng được đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế, bởi muốn được cấp giấy phép phải có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyên môn theo quy định của Luật. Việc cấp phép cũng là điều kiện để đánh giá các cơ sở y tế sau một thời gian hoạt động có tiếp tục đáp ứng được yêu cầu hay không. Đối với cơ sở KCB nhà nước, việc cấp giấy phép sẽ được thực hiện theo lộ trình nhất định, cùng với việc Nhà nước tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở KCB để đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng trước thực tế, nhiều bệnh viện nhà nước đã và đang hoạt động trong mấy chục năm qua, vì vậy việc cấp mới giấy phép hoạt động và định kỳ 5 năm 1 lần lại phải xin cấp giấy phép có thể mang nặng tính hình thức hay không. Ngược lại, một số cơ sở KCB nhà nước chưa đủ điều kiện, như hiện nay gần 60% bệnh viện công không có hệ thống xử lý nước thải, nhiều bệnh viện huyện miền núi thiếu bác sĩ trầm trọng, nhiều trạm y tế xã không đạt chuẩn thì việc cấp phép lại có thể bị lợi dụng tạo cơ chế xin - cho.... Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động một lần, không cần đổi hoặc gia hạn.

Chủ trì buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, những ý kiến xác đáng nêu trên của đại biểu Quốc hội để Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình hoàn thiện nội dung dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các vấn đề cũng cần bổ sung, chỉnh sửa, quy định rõ hơn trong dự Luật là chính sách xã hội hóa, đặc biệt là cơ sở vật chất và nhân lực, quy định về các tuyến y tế, cơ chế, chính sách luân phiên, luân chuyển đối với cán bộ y tế.

(Theo chinhphu.vn)