Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Căn nhà cấp bốn, mặt tiền hướng ra đường phố lớn suốt ngày đêm nhộn nhịp người xe qua lại, mặt hông dài chừng ba chục mét cặp theo con hẻm dài hun hút.
Bà vợ ông Hải trượt chân ngã trong buồng tắm. Tưởng qua loa, ai dè mới nằm mấy ngày đã ra đi. Con người ta đến tuổi ngoại bảy mươi, cái chết đến nhanh chẳng thể ngờ. Bây giờ ông Hải ở một mình. Căn nhà cấp bốn, mặt tiền hướng ra đường phố lớn suốt ngày đêm nhộn nhịp người xe qua lại, mặt hông dài chừng ba chục mét cặp theo con hẻm dài hun hút.
Hai cô con gái ông hiện công tác ở hai cơ quan Nhà nước đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng đều có nhà cửa, chồng con ở đấy. Dẫu bây giờ phương tiện đi lại dễ dàng, nhưng vượt quãng đường hơn trăm cây số về chăm sóc bố già khi cần kíp, cũng khó mà tức thì đáp ứng. Bởi thế, mẹ mất chưa đầy tuần lễ, cả hai đứa đã khóc lóc năn nỉ ông bán nhà, rồi tuỳ bố thích ở với con nào cũng được. Chúng bảo: Bố gần tám chục tuổi rồi, lại mắc chứng suy tim, ngộ nhỡ đêm hôm lên cơn đau cấp, ai biết mà chở đi bệnh viện. Ông nghĩ chúng lo cũng phải. Nhưng lại nghĩ, mình còn sống ngày nào thì linh hồn bà ấy còn lẩn quất đi về căn nhà quen thuộc ấm êm này ngày ấy. Đem bán cho người lạ vào ở, để mẹ chúng phải đêm hôm sương gió lạnh lẽo trú đậu cành cây, ngọn cỏ ngoài đường, thảm lắm. Ứa nước mắt cảm động trước tấm lòng của các con, ông vẫn phải vờ làm ra vẻ cứng rắn gạt phắt đi: Con người ta sống chết có số. Cứ để bố ở đây, sau này hãy tính.
Sinh thời, bà vợ ông Hải mắc chứng sợ chuột đến rối loạn tâm thần. Thuở còn học lớp một, ông đã chứng kiến, bà, tức cô bạn nhút nhát ngày ấy, đang giữa buổi học tự dưng kêu thét một tiếng rồi ngất xỉu. Cô giáo buông thước bảng chạy xuống, cũng giật mình tái mặt khi thấy một bàn tay học trò của mình nắm cứng mấy con chuột bao tử đỏ hon hỏn ngọ ngà ngọ ngoạy. Chả biết thằng bé tinh nghịch nào đã chơi ác bỏ cái ổ ấy vào cặp bạn. Từ đấy hễ trông thấy chuột là bà lên cơn động kinh xanh xám mặt mày, hồn vía lên mây, chân tay bủn rủn. Sau này lớn rồi, làm vợ ông Hải rồi, đã là cô giáo dạy trường cao đẳng sư phạm tỉnh, bà vẫn bị những con chuột ám ảnh thất điên bát đảo. Thời chiến tranh, theo nhà trường sơ tán về nông thôn, bà được ưu tiên ở trọ một nhà dân vào loại khang trang sạch sẽ nhất làng. Ấy vậy mà, một lần bưng rổ rau vào bếp chuẩn bị bữa trưa, trông thấy mấy con chuột lông lá xơ xác từ chuồng lợn bò vào chạn bát, bà hết hồn quăng tung toé rổ rau rồi chạy như ma đuổi ra vườn, ngồi ôm gốc cau nôn oẹ. Đến bữa, bưng bát cơm, cầm đôi đũa, chưa kịp ăn miếng nào, nghĩ đến những bàn chân chuột, những chiếc mõm chuột râu ria dơ dáy lục cục trong chạn bát hồi nãy, bà lại lên cơn lộn lạo ruột gan, nôn thốc nôn tháo đến mật xanh mật vàng. Biết sẽ bị nhiều dị nghị, bà vẫn mua riêng một bộ bát đĩa, cất kỹ vào chiếc thùng gỗ khoá chặt lại. Mỗi bữa cơm, dùng riêng những thứ ấy bà mới yên tâm. Chả biết bằng cách nào, ban giám hiệu biết được, bà bị đánh giá là phần tử trí thức đậm mùi tiểu tư sản, không hoà đồng với quần chúng công nông. Đã có vài vị lãnh đạo định điều động bà vào bộ phận lao công một vài năm để chịu sự giáo dục hằng ngày của quần chúng cách mạng. Nhưng nhờ dịp ấy ông Hải từ chiến trường ra Bắc học một lớp huấn luyện đặc biệt, gặp ban giám hiệu nói rõ cái điểm yếu chết người của vợ, bà mới thoát án kỷ luật.
Căn nhà mà hai con gái ông Hải muốn bán đi ấy, ông bà đã mua đất rồi xây dựng nên từ hơn ba chục năm trước. Dạo ấy thị trấn biên giới này còn vắng vẻ hoang vu chả khác thời bom đạn ùng oàng. Chỉ có mấy toà công sở huyện lợp ngói đỏ au, còn hầu hết mọi nhà dân đều na ná như nhau, mái tranh vách đất. Nhà nọ cách nhà kia một thửa vườn chừng vài công đất cỏ mọc um tùm. Dân cư thưa thớt, đất rộng mênh mông nên giá một nền đất dựng đủ căn nhà bấy giờ rẻ như bèo. Một miếng giấy viết tay, trả nhau mấy chục đồng tượng trưng vừa đủ chầu nhậu xoàng xoàng đãi bạn là xong. Thực tình lúc ấy ông Hải có ý chờ cơ hội tổ chức cho phép sẽ chuyển về quê ngoài Bắc. Dần dà hai con ông theo học cấp một, cấp hai rồi lên cấp ba, xong lại học tiếp đại học trên thành phố. Tốt nghiệp rồi chúng xây dựng gia đình, công tác yên ổn trong này, ông cũng chẳng tính chuyện quay về quê nhà nữa.
Mười năm trước, hai con mèo mun về ở nhà ông Hải, nguồn cơn cũng từ giá mủ cao su tăng cao chót vót. Đến chín mươi phần trăm nông dân gặp may hưởng lợi. Họ giàu lên đột ngột. Không ít người đổ xô về thị trấn mua đất, mua nhà. Những thửa vườn hai bên mấy con phố huyện liên tiếp mọc lên những căn nhà lầu, những toà biệt thự đẹp lung linh. Miếng vườn âm u cây cối cỗi cằn bên hông nhà ông Hải bỗng một đêm biến thành quán nhậu. Sẵn nhiều thức ăn thừa, chuột ở đâu kéo đến từng đàn lúc nhúc. Chúng tràn cả sang nhà ông Hải. Ban ngày chuột lấp ló những đôi mắt nhấc nháo trong mọi ngóc ngách. Ban đêm trên trần nhà ông, chuột đuổi nhau rần rần, cắn nhau chí choé, chả chút sợ người. Suốt đêm, bà bắt ông thắp đèn sáng choang, xoã mái tóc bạc ngồi thu lu trong màn, trong tay nhăm nhăm cây gậy. Mỗi bữa ăn, hễ động vào chén đũa bà lại thốc tháo nôn oẹ đến mật xanh mật vàng. Cứ như là mùi chuột ám vào mọi thứ trong nhà. Ông Hải tìm mọi cách trấn an vợ, nhưng bà cứ gầy rạc đi mỗi ngày. Lo tình trạng này kéo dài, bà không sống nổi, ông Hải đã tính bán nhà chuyển đi chỗ khác. Ông bạn già đồng ngũ năm xưa ở cách ông dăm dãy phố biết chuyện, cười hề hề: Thế đến chỗ khác, chuột lại vô đầy nhà, lại chuyển chỗ ở nữa à? Chuyện nhỏ, có vậy mà ông lú lẫn vậy. Trị chuột chỉ có mèo. Nhà tôi đang có cặp mèo đen đã bỏ vú mẹ hơn tuần lễ, ông bắt về nuôi thử xem sao? Quả linh nghiệm thật. Con mèo mun ấy còn bấy bớt vậy mà, chỉ vài đêm kêu meo meo, lũ chuột đã sợ khiếp vía bỏ đi hết sạch. Khỏi phải nói bà vợ ông Hải khôn xiết vui mừng thế nào. Mỗi ngày bà chăm nó ăn uống còn hơn chăm trẻ nhỏ. Hơi vắng bóng nó, bà đã hốt hoảng hỏi ông: Con miu đâu rồi. Đi đám giỗ, đám cưới chừng nửa ngày, lúc về, chưa tới cổng đã gọi meo meo rồi bế nó vuốt ve cưng nựng. Vậy mà con mèo mun ấy bỗng dưng mất tích. Một ngày, rồi hai ngày nó vẫn không về. Bà vợ ông Hải lại mất ăn mất ngủ đến phờ phạc. Phần lo lũ chuột sẽ kéo đàn kéo lũ vào nhà, phần thương con miu bị chó dữ cắn chết rồi. Một đêm chả biết mấy lần bà hốt hoảng mở cửa lắng nghe: Hình như có tiếng mèo con kêu ở đâu ông ạ. Thương vợ, ông Hải lại lọ mọ đến nhà ông bạn già xin nốt con mèo mun cùng lứa. Buổi sáng bắt mèo về, buổi chiều chập choạng, con mèo mất tích phát ra tiếng meo meo quen thuộc trước cửa nhà. Ông đoán nó bị bắt trộm, nhân cơ hội được thả ra, tìm đường về với ông bà. Bà vợ ông lại được phen mừng rơi nước mắt. Từ đấy, đôi mèo mun quấn quýt với ông bà dễ chừng hơn chục năm rồi.
Cái sự đi hay ở, thực tình ông đã tính nát nước vẫn chưa ra nước nào trọn vẹn. Bán nhà theo con gái thì tiện đấy. Nhưng còn hai con mèo mun? Lúc còn sống, với bà vợ ông, đôi mèo ấy không chỉ là con vật nuôi trong nhà. Nói không quá, chúng còn là bầu bạn, là con cháu ruột thịt, là ân nhân canh giữ cho bà có được những tháng năm cuối đời thoát khỏi nỗi kinh hoàng phải sống cùng nhà với lũ chuột gớm ghiếc suốt đời bà kinh sợ.
Vài năm nay, khu phố ông Hải thường xảy ra những vụ mất mèo. Loại mèo càng già, lông càng đen tuyền như cặp mèo nhà ông càng cao giá, càng dễ mất tiêu chả biết lúc nào. Phập phồng lo sợ, bà vợ ông đặt làm một chiếc lồng sắt bự. Mỗi đêm nhốt chặt hai con mun vào đấy bà mới yên tâm. Khi bị té, rồi nằm liệt giường, biết bệnh tình không qua khỏi, sau những câu dặn dò việc nhà, việc con cháu, bà không quên nhắc nhở ông đến mấy lần: Tôi vẫn không yên tâm về hai con mèo. Tôi mất rồi, chúng sẽ ra sao? Ông cũng già yếu thật sự rồi, mà bọn trộm đạo lẩn quất cùng người ngay, làm sao canh giữ được. Cứ nghĩ chúng nó bị ninh nhừ trong nồi nấu cao, tôi thương đứt ruột. Nghe vậy, ông Hải nắm hai bàn tay bà, nói như đùa mà miệng thì như mếu: Tôi từng đảm nhận chức trách lo sự yên bình cho bao nhiêu địa bàn dân cư còn được, giờ có mỗi việc bảo vệ cho hai con mèo yêu quý của bà chả lẽ không làm nổi. Bà cứ yên tâm. Nói thì cứng vậy, lòng ông vẫn canh cánh phập phồng lo lắng. Bọn trộm đạo ghê gớm thời nay, cơ sự chả biết sẽ ra sao.
Tới kỳ thất thất lai tuần, đủ mặt cả nhà hai con gái về thắp hương lễ mẹ. Chúng lại sụt sịt nhỏ to đem chuyện bán nhà ra bàn bạc. Ông hỏi: Có nhà đứa nào chứa được hai con mèo của mẹ mày không? Cả hai đều lắc đầu: Nội quy chung cư cao cấp nghiêm ngặt lắm bố ơi. Nuôi chó, nuôi mèo phiền phức lắm. Mà sao bệnh tật bản thân mình, bố không quan tâm, lại lo cho con mèo dữ vậy? Đến lúc này bố còn đùa được. Chả biết nói thế nào cho chúng hiểu, ông cố cầm nước mắt ngắn gọn một câu khiến cả ba bố con bật khóc: Lúc còn sống mẹ các con yêu quý cặp mèo mun này như con cháu trong nhà. Không có chúng, chắc bọn chuột hành hạ bà ấy sinh bệnh chết lâu rồi. Vừa khuất bóng mới mấy ngày đã vứt chúng ra đường, liệu linh hồn mẹ con có an lạc dưới suối Vàng?
Dạo này, đang rộ lên tin đồn mật mèo đen lâu năm tốt ngang mật gấu. Cao mèo đen toàn tính chả kém cao hổ cốt. Đã nhiều nhà túng tiền, bán mèo đen cho bọn nấu cao. Cũng nhiều nhà không bán, nhưng rồi nhiều con mèo già năm tuổi, mười tuổi của họ đột nhiên theo nhau mất hút một cách bí ẩn. Ai cũng biết những con mèo xấu số ấy đã nằm trong nồi ninh xương của thằng cha lang băm mới đến mua nhà ở ngoài rìa thị trấn. Nhưng chẳng ai làm gì được hắn. Ông Hải đã giáp mặt hắn vài lần. Nhìn tướng mạo hắn, nước da mai mái, hàm ria con kiến đen nhánh bò ngang môi trên, miệng lưỡi dẻo quẹo phô ra chiếc răng vàng nhoe nhoé, ông đã gai gai, mất cảm tình. Chả biết bằng bằng cách nào, tay răng vàng này tăm tia đến nhà ông Hải. Nó liến láu nhận đồng hương, nhăn nhó kêu bị bệnh hiểm nghèo, chỉ có mật mèo đen và cao mèo đen toàn tính mới trị được. Rồi sơn sớt đòi xin anh Hai, đòi mua cặp mèo mun của chị Hai đồng hương. Ông đã cặn kẽ giải thích: dược tính của mật và cao mèo chỉ là bịa đặt, chưa có bằng chứng khoa học nào công bố, đừng tin nhảm. Hắn vẫn đèo đẹo ngã giá một triệu một con. Đến nỗi ông phải xua tay đuổi thẳng, cái thằng ria con kiến ấy mới chịu mím mím đôi môi thâm sì che chiếc răng vàng nhoe nhoé, phủi đít đứng lên. Ra đến đường, còn nói với vào: Dạo này có bọn bẫy mèo tinh ranh lắm đấy, ông coi chừng nhá. Tức điên ruột, ông Hải lắp bắp chửi với theo: Giá mà… giá mà tao còn trẻ thì mày… mày ăn cú đấm gẫy chiếc răng vàng nhoe nhoé rồi.
Nửa đêm về sáng, nghe tiếng mèo gào đực ngoao ngoao là lạ, ông Hải ngồi dậy, rón rén đứng nép bên trong cánh cổng. Dưới ánh đèn đường rõ như ban ngày, ông thấy hai bóng đen nâng chiếc cạm thả xuống bên trong mép hàng rào sắt. Ông khẽ quát: Định trộm mèo hả? Một thằng rít qua kẽ răng: Lão già biết điều thì câm họng lại. Ông gằn giọng quát to: Mười thằng trộm hung dữ hơn mày tao còn khoá cổ còng tay bắt sống cả lũ nữa là, đồ nhóc con vô quân vô pháp. Nghe vậy, thằng ấy vội co cẳng chạy, mồm kêu đồng bọn: Rí rật mau, gặp đại ca rồi. Ông giật mình gọi với theo: Các cháu người làng Điềm phải không? Chúng đứng khựng giữa đường hỏi lại: Ông cũng quê ngoài Bắc, người làng Điềm hả? Ông hạ giọng: Không người làng Điềm sao biết rí rật? Vào đây, vào đây, đừng sợ. Nói rồi ông mở toang cánh cổng.
Ngày xưa, cứ đến lúc mặt trời đứng bóng, cánh thợ cày làng Điềm gọi nhau cởi ách, thả trâu. Thời hợp tác xã, lần nọ ông chủ nhiệm ra một cái lệnh mồm hơi lạ: Rí rật, cho trâu nghỉ thôi các bác ơi. Có anh trai cày tò mò: Rí rật là gì chủ nhiệm? Là bật ách. Đồ ngu như bò. Chẳng ngờ cái lệnh mồm tếu táo ấy loang ra khắp làng. Nó phổ biến đến nỗi, đi đâu xa, ai hỏi ở đâu? Đáp: rí rật, đã biết ngay cùng cánh làng Điềm. Nhờ vậy, đêm nay ông Hải mới có cuộc hội ngộ hi hữu này.
Khi hai đứa đã ngồi đối diện bên kia bàn uống nước, ông Hải im lặng chăm chú quan sát chúng. Cả hai đều mặc đồ bộ đội cũ. Một thằng cưng cứng tuổi, mặt rắn câng phong trần. Một thằng hai má non tơ, chỏm tóc nhuộm hung hung da bò. Ông giật mình nhận ra cả hai đứa giống nhau cặp môi dày loe loe như miệng hũ sành. Chúng làm ông chợt nhớ tới người bạn cũ ngoài quê, buột miệng hỏi cầu may: Ông Đáp còn sống không? Chẳng dè cả hai trố mắt, ngạc nhiên. Thằng lớn lễ phép: Cháu là con út ông Đáp. Thằng này là con ông anh cả cháu. Ông Hải à à mấy tiếng. Cái tình đồng hương sâu nặng vậy. Ông hết luôn cảnh giác mở lòng với chúng: Bác là bạn cùng học, cùng nhập ngũ thời đánh Mỹ với bố cháu đấy. Giỏ nhà ai quai nhà ấy. Con cháu Đáp loe đi đâu cũng không lẫn. Mà sao hai đứa lại ra nông nỗi này.
Thằng lớn chậm rãi kể: Chắc bác đã biết, làng ta mấy năm trước có một công ty về mở xí nghiệp sản xuất gạch ngói. Mấy miếng ruộng nhà cháu và hơn chục nhà khác được thu hồi toàn bộ. Cháu nói được thu hồi là bởi được đền bù số tiền lớn quá. Những gần một tỷ đồng. Đến nỗi cả làng phải bắt ghen. Bố cháu mừng quá lảm nhảm suốt ngày: Cả đời tao chưa bao giờ được cầm năm triệu trong tay. Sắp xuống lỗ mới được làm người giầu có. Cả đời tao bị bạn bè khinh bỉ Đớp loe. Đớp loe cái mả bố chúng mày. Bây giờ thì ông sẽ cho chúng mày biết Đớp loe thế nào. Vậy là ông gọi thợ, xây luôn hai căn nhà hết sáu trăm triệu, một cho ông, một cho anh cả cháu. Ai can ngăn cũng không nghe. Chia cho vợ chồng anh cả năm chục triệu. Còn lại vài trăm triệu, ông đấu cố mấy hecta mặt nước thùng đấu ven đê. Vay thêm ngân hàng trăm triệu nữa. Đắp bờ quai, thả cá, nuôi vịt. Kết quả sau hai năm lỗ chỏng gọng. Hiện giờ ông bị bệnh tâm thần, suốt ngày đêm ôm đầu bạc đi quanh nhà lảm nhảm: Khổ thân tôi. Đớp loe lại hoàn Đớp loe. Cái đời sao mà chó đểu. Ông tính bán nhà trả nợ ngân hàng. Không trả chỉ mấy năm nó xơi tái cả hai căn như chơi. Anh cả cháu cũng liều như bố cháu, vay thêm ngân hàng trăm triệu mua chiếc xe tải. Trước đây anh từng là lính lái xe. Giờ được vi vu kiếm tiền trên chiếc xe của mình, anh vui như tết. Chẳng ngờ xe cũ nát, hễ chạy là sửa. Càng chạy càng quyến tiền nhà. Bí quá anh bán xe ngang giá sắt vụn. Món nợ ngân hàng không trả được. Anh tính nước chuồn vào đây nhờ vả bạn đồng đội cũ. Hai năm rồi tiền kiếm được chưa đủ trả lãi. Ở quê chả kiếm ra việc làm, cháu vào chỗ anh cháu mấy tháng nay rồi. Ở đây cũng chả nghề ngỗng gì, túng kế đâm ra bậy bạ thế này bác ạ. Ông an ủi chúng: Để bác tìm hiểu rồi nhờ vài người bạn có trang trại cao su cho vào làm công nhân. Chịu khó cũng thu nhập tháng trên dưới chục triệu đồng. Thằng con Đớp loe mừng ra mặt: Một tháng được hơn tấn thóc? Vậy là nhà cháu được cứu sống rồi.
Khi chúng từ tốn ra về rồi, ngồi trầm ngâm trong căn nhà vắng lặng, bao nhiêu nông nỗi cố hương buồn buồn xâm chiếm lòng ông Hải. Không có cuộc gặp mặt vừa rồi thì ông đã quên bẵng thằng bạn nối khố, thằng Đáp mà ngày xưa các ông cứ lấy cái miệng loe như miệng hũ sảnh mà trêu chọc nó: Đáp loe. Khi bọn ông lớn lên một tí, đi làm hợp tác xã, được ăn những bữa liên hoan hiếm hoi tổng kết mùa màng, nó ăn nhanh như ăn chớp, một bát cơm đầy lùa hai miếng hết veo, nên mới bị đổi thành Đớp loe. Cái biệt hiệu nghe vừa khôi hài, vừa đau đớn nhường nào. Nó mê con Tít nhà ở cuối làng. Con Tít da dẻ trắng nõn. Người tròn như hột mít, núc ních bộ ngực tấn công, đôi mông phòng thủ, hễ cười là nhắm tít đôi mắt lá răm lẳng lơ số một. Không ít thằng trai làng chê con Tít. Vậy mà nó chê thằng Đớp. Nó mê thằng con ông chủ nhiệm có chiếc xe đạp Favorit xanh biếc màu cánh chả vè vè chạy quanh làng. Một lần, đội chiếu bóng lưu động về xã phục vụ, Đớp loe vã nước lã lên đầu vuốt mịn mái tóc đen láng, rình rập hàng giờ mới rủ được con Tít đi xem phim. Đang lúc Đớp loe hồn vía lên mây sánh bước cạnh nàng thì vang giòn tiếng chuông kính coong sau gáy: Tít lên đây anh đèo. Nhoắt cái, chiếc mông pháo thủ đã nhảy phốc lên pocbaga rồi dang hai cánh tay tròn lẳn ôm cứng lưng thằng con chủ nhiệm. Bỏ Đớp loe tưng hửng giữa đường.
Ông Hải và Đớp loe lên đường nhập ngũ cùng ngày thằng con ông chủ nhiệm đi nhập học trường thương nghiệp tỉnh. Nó cao lớn như gấu vậy mà có giấy chứng nhận ho hen khò khè. Ba tháng sau, nửa đêm đơn vị ông Hải bí mật hành quân vào chiến trường. Đoạn qua làng Điềm Rí Rật, anh binh nhì Đớp loe hích vai anh binh nhì Hải thì thầm: Tao ngửi thấy mùi con Tít mày ạ. Chắc chắn nó vừa qua đây, còn đậm đặc nồng nàn quá. Chắc chả bao giờ cái đời tao mua được cái xe đạp để chở nàng về dinh đâu. Ngày chúng mình sống sót về làng, con Tít đã là vợ thằng con lão chủ nhiệm là cái chắc.
Sau chiến thắng 30 tháng 4, Đớp loe giải ngũ. Nó về làng với chiếc khung xe đạp miền Nam cột trên miệng ba lô. Thằng con ông chủ nhiệm đã là cán bộ cửa hàng thực phẩm huyện, hai má béo nung núc bóng láng như thoa mỡ lợn. Con Tít đã có hai mặt con với nó. Đem hết số tiền phụ cấp, Đớp loe mới mua đủ phụ tùng lắp thành chiếc xe hoàn chỉnh. Chạy vo vo qua cổng nhà chồng em Tít được mấy lần. Đường làng gập ghềnh sống trâu, xóc nảy, chưa được mấy ngày, chiếc xe đạp bị gãy đôi. Đớp loe nửa khóc nửa cười vác đống sắt vụn về vứt xó hè. Bây giờ Đớp loe đã cận kề tuổi tám mươi, gầy yếu nhom nhom, đang lo đến phát bệnh tâm thần vì món nợ ngân hàng khó bề trang trải.
Ông Hải vừa lo xong cho thằng con, thằng cháu ông bạn Đáp loe mỗi đứa một chỗ làm, đã gửi biếu ông bạn nối khố chút tiền còm và vài chiếc áo ấm thì bị lên cơn tai biến nhẹ giữa buổi họp cựu chiến binh thị trấn. Đến nước này, các con ông quyết bán nhà rồi đưa ông theo chúng về thành phố. Ông chả còn tí ý chí nào phản đối cả. Căn nhà chóng vánh bán cho anh chủ hàng ăn nhậu kế bên. Buổi sáng ông Hải giao nhà để ra đi, hai con mèo mun bị nhốt trong chuồng cùng kêu meo meo thảm thiết. Ông chống gậy cầm hai bàn chân trước chúng thò ra ngoài ô sắt hình mắt cáo. Cảm động chẳng muốn rời. Khi xe chạy chừng dăm phút, chợt loé trong đầu ông Hải hình ảnh thằng cao quế giả với chiếc răng vàng nhoe nhoé trong đám thực khách sáng nay, ông bừng tỉnh, hốt hoảng đập một chân, một tay còn cử động được xuống sàn xe thình thình, quát to như ra lệnh thời quân ngũ: Quay lại, cho bố quay lại. Bố còn quên một thứ. Xe quay đầu vừa tới cổng căn nhà cũ, ông Hải đã kịp ngăn thằng râu con kiến nhe răng vàng nhoe nhoé xắn tay áo thò vào lồng sắt chụp bắt hai con mèo mun đang lồng lộn. Lạ kỳ, chẳng cần chống gậy, ông Hải xăm xăm bước tới, tay gạt thằng cao quế ngã chỏng chơ, tay vội vã đứa về phía cửa chuồng. Ngay tức thì, hai con mèo nhảy phắt bám chặt hai cánh tay ông. Hằm hằm, ông bước lên xe, chỉ rẽ trái, rẽ trái, rẽ phải vài lần rồi ra dấu dừng trước cửa nhà ông bạn đồng ngũ năm xưa. Hai tay ôm hai con mèo mun, ông lắp bắp với bạn: Xin ông làm phúc nuôi hai con mèo ông đã cho tôi mười năm trước. Còn sống tôi sẽ về thăm ông bà, thăm chúng. Xin đa tạ.
Hình như biết đây là giây phút chia ly cuối cùng, hai con mèo mun cùng đưa hai bàn chân trước vuốt nhẹ hai bàn tay ông Hải mấy lần. Ông Hải cố kìm xúc động, nhưng hai dòng nước mắt cứ lăn dài. Hai cô con gái ông gục đầu vào vai nhau nghẹn ngào rơi lệ. Hai vợ chồng người bạn già của ông Hải, mỗi người ôm một chú mèo già, buồn bã đứng mãi trên hè phố, nhìn theo chiếc xe đưa ông bạn già đi xa, thoắt cái đã bị những chiếc xe cùng chiều che khuất.
V.T.K