Khi cắt nước trên cả 2 tuyến kênh chính Tây và chính Đông, sẽ có gần 45.000 ha trong vùng tưới bị ảnh hưởng.
Dự án Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng thuộc Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam (VWRAP) do Ngân hàng thế giới đầu tư cho vay được triển khai năm 2004 với 7 gói thầu nâng cấp các công trình thuộc khu vực hồ Dầu Tiếng. Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai ở 2 tuyến kênh chính Đông và Tây, đồng thời triển khai nâng cấp đồng loạt 5 hệ thống kênh nội đồng trên địa bàn tỉnh. Việc cắt nước trên các tuyến kênh để thi công là bắt buộc. Tuy nhiên, các địa phương có liên quan đến nguồn nước hồ Dầu Tiếng vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn.
Ông Nguyễn Trọng Thanh- Quyền Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu tiếng cho biết thực hiện dự án VWRAP ở khu vực hồ Dầu Tiếng gồm 7 gói thầu nâng cấp đập, các cống dẫn dòng bảo đảm an toàn hồ chứa. Đến nay khu vực hồ Dầu Tiếng cơ bản hoàn thành gói thầu, còn lại 2 gói đang triển khai. Năm 2009 dự án VWRAP tiếp tục thực hiện ở 2 kênh chính Đông và Tây. Kinh phí nâng cấp kênh chính Tây khoảng 25 tỷ đồng, cuối tháng 3 vừa qua đã khởi công 2 gói thầu nạo vét. Kinh phí nâng cấp kênh chính Đông dự kiến lên đến 250 tỷ đồng, đến nay đã mở thầu 12 gói- trong đó có 11 gói thầu bê tông kênh và 1 gói thầu cống xả cạn. Hiện chủ đầu tư đang chờ Trung ương phê duyệt kết quả đấu thầu là triển khai thi công.
Ngành Thuỷ nông TP. HCM còn băn khoăn khi Tây Ninh cắt nước Kênh chính Đông |
Như vậy, năm 2009 kênh chính Tây đã triển khai nâng cấp còn kênh chính Đông chắc chắn cũng sẽ triển khai. Để có thể triển khai thi công nâng cấp các công trình huyết mạch của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng bắt buộc sẽ phải cắt nước- nhất là trong giai đoạn nâng cấp lòng kênh. Tuy nhiên, khi kênh chính bị cắt nước thì hầu như toàn bộ hệ thống kênh mương đều ngưng hoạt động, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, kể cả công nghiệp toàn khu vực có sử dụng nguồn nước hồ Dầu Tiếng. Do đó, lãnh đạo Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng chọn thời gian cắt nước vào mùa mưa- từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11 để giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động công nghiệp. Dự kiến thời gian cắt nước này đã được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty cũng đã có thông báo đến các địa phương liên quan đến nguồn nước hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, đến nay các địa phương liên quan vẫn chưa hoàn toàn thống nhất và tỏ ra băn khoăn khi cắt nước trên 2 tuyến kênh chính.
Việc cắt nước 4 tháng trên 2 tuyến kênh chính trong thời gian tới đối với Tây Ninh thì sao? Ông Lê Thành Công- Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Tây Ninh cho biết vùng tưới tuyến kênh chính Tây là hơn 21.000 ha và vùng tưới tuyến kênh chính Đông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 23.000 ha. Như vậy, khi cắt nước trên cả 2 tuyến kênh chính thì có đến gần 45.000 ha trong vùng tưới sẽ không có nước. Tuy nhiên thời điểm cắt nước là trong vụ mùa, từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11 và khoảng thời gian này nằm trọn trong mùa mưa, cây trồng không cần nhiều nước thuỷ lợi. Cho nên việc cung ứng nước tưới trong vụ mùa chủ yếu là để chống hạn mà thôi. Do đó, nếu buộc phải cắt nước thì chọn thời gian cắt nước trong vụ mùa là hợp lý nhất và có thể giảm thiểu thiệt hại nhất cho sản xuất nông nghiệp. Hiện chỉ có nỗi lo là thời điểm xuất hiện hạn “Bà Chằn”. Nếu hạn xảy ra trong tháng 7 thì không có gì phải lo vì lúc đó hệ thống kênh thuỷ lợi vẫn còn mở nước tưới. Nếu hạn xảy ra trong tháng 8 thì phải tận dụng tất cả mọi nguồn nước mưa để nông dân bơm tưới cho đồng ruộng. Công ty đang cho cán bộ thuỷ nông khảo sát thực tế các tuyến kênh tiêu, xác định những điểm có thể đắp đập chặn giữ nước mưa không cho thoát xuống sông rạch khi có hạn để nông dân có thể bơm tưới chống hạn cho cây trồng. Ngoài ra, do phải cung cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước kênh Tây nên đoạn từ đầu mối đến K21 sẽ không cắt nước cạn tuyệt đối. Do đó mà vẫn có một số tuyến kênh còn nước vào được không thể tưới tự chảy như bình thường, nhưng nông dân vẫn còn có thể bơm vào ruộng chống hạn khi cần thiết.
Tuy nhiên, việc cắt nước 4 tháng trên tuyến kênh chính Đông thì chưa được một số địa phương hoàn toàn đồng thuận, đặc biệt là TP. HCM. Lãnh đạo Sở NN và PTNT TP. HCM cho biết đến cuối tháng 6, TP. HCM vẫn chưa thông báo thời điểm cắt nước cho dân biết vì còn băn khoăn nhiều vấn đề liên quan. Quan điểm của TP. HCM trước tiên cũng đồng tình là phải cắt nước để thi công nâng cấp kênh chính Đông nhưng vẫn băn khoăn về thời gian và lộ trình cắt nước. Trước đây, TP. HCM đã đề xuất rút ngắn thời gian cắt nước, khoảng từ 2 đến 3 tháng, đồng thời đề xuất Bộ phải tổ chức cuộc họp với các địa phương liên quan để bàn bạc, phổ biến quy trình cắt nước, quy trình thi công cụ thể cho các địa phương nắm, làm cơ sở khuyến cáo nông dân. Lãnh đạo ngành Thuỷ nông TP. HCM đề xuất chủ đầu tư phải có kế hoạch thi công cụ thể của từng công đoạn và thời điểm kết thúc thi công, nhất là các hạng mục nâng cấp lòng kênh. Đồng thời chủ đầu tư phải có biện pháp ràng buộc các nhà thầu thi công phải hoàn thành mỗi công đoạn đúng thời gian kế hoạch, dù trong quá trình thi công có gặp phải thời tiết không thuận lợi cũng phải hoàn thành đúng tiến độ. Bởi vì tham gia thi công nâng cấp tuyến kênh Đông có đến hành chục nhà thầu, chỉ cần 1 nhà thầu chậm tiến độ thì sẽ kéo theo cả công trình chậm tiến độ. Lúc đó, thời gian cắt nước sẽ không đảm bảo như dự kiến và càng kéo dài thì nông dân càng bị thiệt hại.
Quyền giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng đồng tình với ý kiến của các địa phương băn khoăn về việc cắt nước, nhất là trên tuyến kênh chính Đông và cho biết sẽ yêu cầu các nhà thầu thi công có kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời cam kết bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, TP. HCM vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ NN và PTNT chủ trì cùng các địa phương liên quan bàn bạc cụ thể lộ trình cắt nước trên tuyến kênh chính.
Sơn Trần