Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á đã hợp long sáng 12.10, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Cần Thơ cũng là nơi để lại ký ức buồn của ngành xây dựng Việt Nam với vụ sập nhịp dẫn năm 2007.

Sáng 11.10, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và Liên doanh nhà thầu Nhật tổ chức lễ hoàn thành thi công dầm hộp thép cầu Cần Thơ. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa của người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bởi ước mơ bao đời nối liền 2 bờ sông Hậu của họ đã thành hiện thực.
|
Dầm thép cuối cùng khi chuẩn bị được lắp đặt vào nhịp giữa. |
Cầu Cần Thơ sau khi hoàn thành sẽ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Nam sông Hậu với trên 16 triệu dân, tăng cường giao lưu giữa TP HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Người dân sẽ không còn phải "lụy phà" và tốn nhiều thời gian để lưu thông qua lại giữa 2 bên bờ sông Hậu.
Trước đó, ngày 3.10, liên doanh nhà thầu Nhật Bản đã lắp thành công đốt dầm thép cuối cùng vào nhịp giữa cầu Cần Thơ.
Trong thời gian tới, phần việc còn lại như: lắp ghép lan can, trải thảm nhựa mặt cầu, lắp đặt dải phân cách, sơn kẻ làn đường, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước, hệ thống an toàn giao thông sẽ được tiến hành.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cầu chính dây văng dài 1.090m thuộc cầu Cần Thơ đã hoàn thành. Hiện gói thầu số 1 và 2 đã được khoảng 96% khối lượng.
Tuy nhiên, dường dẫn bờ nam cầu (phía Cần Thơ) từ nút IC3 (đoạn giao giữa cầu với đường dẫn vào cầu ở bờ nam) về phía quốc lộ 1 do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công chỉ đạt 75,4% khối lượng, dù phía TP Cần Thơ đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ định đơn vị khác thay thế nhà thầu để sớm đưa công trình kịp với tiến độ.
Theo thiết kế, Cầu Cần Thơ được xây dựng cách bến phà Hậu Giang 3,2 km về phía hạ lưu. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, rộng 23,1m gồm 4 làn xe ôtô, hai lề bộ hành (mỗi lề rộng 2,75m), còn lại là các dải phân cách và kiến trúc an toàn. Nhịp giữa hai trụ tháp chính rộng 550m, bảo đảm cho tàu có trọng tải lớn qua lại thuận tiện.
Tính từ lúc khởi động dự án vào năm 1996, đến nay đã gần 13 năm, cầu Cần Thơ mới được chính thức nối liền 2 bờ sông. Dự kiến, cầu Cần Thơ sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 3.2010.
(Theo VNE)