Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học:
Câu hỏi về sự công bằng trong giáo dục
Thứ tư: 00:37 ngày 13/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phương thức tổ chức thi năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021, nhất là về trách nhiệm của các địa phương với vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương mình.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa kết thúc, thậm chí chưa kết thúc vì nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển sinh vẫn chưa xong, sinh viên chưa thể nhập học do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng mấy ngày qua, câu chuyện thi cử năm 2022 đã được đặt ra.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về kỳ thi năm 2022, có hai vấn đề thu hút sự quan tâm: kỳ thi có thay đổi gì không và làm thế nào để bảo đảm sự công bằng cho thí sinh, đặc biệt khu vực phía Nam, vì hàng chục tỉnh, thành phố ở đây học sinh phải học trực tuyến, chưa thể tới trường.

Đề thi giống nhau, nhưng...

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ do địa phương tổ chức trong khung thời gian quy định. Trao đổi với báo giới, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ xác định một đợt thi thống nhất trên toàn quốc cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện bình thường.

Nếu dịch bệnh diễn biến bất thường, Bộ sẽ xem xét tình hình thực tế và trên cơ sở đề nghị của các địa phương để điều chỉnh thời gian tổ chức thêm đợt thi cho các địa phương chưa hoàn thành tổ chức thi trong đợt thi chung. Thời gian thi này nằm trong khung thời gian phù hợp với triển khai nhiệm vụ các năm học, việc này đã được áp dụng cho năm 2021.

Đối với công tác ra đề thi, Bộ xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, ban hành đề thi tham khảo, hoàn thiện một bước ngân hàng câu hỏi thi để từ ngân hàng câu hỏi đó sử dụng phần mềm chuyên dụng tổ hợp thành đề thi theo cấu trúc, đáp ứng yêu cầu kỳ thi và cung cấp cho các địa phương sử dụng tổ chức thi. Như vậy, công tác ra đề thi vẫn do Bộ đảm nhiệm.

Phương thức tổ chức thi năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021, nhất là về trách nhiệm của các địa phương với vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương mình.

Phương án thi năm 2022 hầu như không có thay đổi đáng kể so với năm 2021. Do vậy, các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm khắc phục khó khăn về điều kiện học tập trong dịch bệnh để hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ năm học 2021-2022 và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bộ sẽ ban hành quy chế thi; cung cấp đề thi, phần mềm chấm thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra để cùng các địa phương tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Tuy phân cấp mạnh hơn cho trường đại học, nhưng Bộ vẫn cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Như vậy, liệu có bảo đảm công bằng không khi mỗi địa phương thi theo đề thi khác nhau? Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh nói rằng, Bộ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi. Bộ tổ chức xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương. Đề thi là tổ hợp từ một ngân hàng câu hỏi đủ lớn và được cân bằng về độ khó. Nếu thêm đợt thi, đề vẫn được tổ hợp từ ngân hàng đó.

Một thắc mắc khác được nêu lên, vừa qua, Bộ có nhắc đến đổi mới thi, tuyển sinh giai đoạn 2022-2025, nhưng công bố mới lại là giai đoạn 2023-2025? Ông Mai Văn Trinh giải thích: “Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình từ 2015 đến nay và ngày càng đi vào ổn định, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi, công tác tuyển sinh, ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội.

Ngành Giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT từ năm học 2022-2023. Do đó, công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cần được tính toán nhằm bảo đảm việc chuyển tiếp kỳ thi giữa 2 chương trình phù hợp với mục đích, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sự đổi mới, một mặt vẫn kế thừa các thành tựu của quá trình đổi mới thi, tuyển sinh thời gian qua; mặt khác phải tăng cường ứng dụng công nghệ và tiếp thu kinh nghiệm tốt về công tác khảo thí, tuyển sinh của các nước tiên tiến. Phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2023-2025 sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và công bố vào quý I năm 2022”.

Một thông tin đáng chú ý khác là, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường đại học tổ chức sát hạch, tuyển chọn trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thông tin này được lãnh đạo Bộ giải thích rằng, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã làm cơ sở tin cậy cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, việc khuyến cáo trường đại học sàng lọc, sơ tuyển nhằm tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh.

Những ngành học, trường đại học có tính cạnh tranh cao, Bộ khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển, cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, bảo đảm số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.

“Việc này chỉ triển khai nếu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong đề án tuyển sinh. Đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Do vậy, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Bộ khuyến khích các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học, nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển, chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu”.

Hình thức học khác nhau

Khác với hầu hết mọi ngành nghề, trong giáo dục, lúc kết thúc cũng là lúc bắt đầu, kỳ thi năm nay vừa kết thúc, Bộ GD&ĐT phải lên kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi năm sau. Không phải tự nhiên chuyện thi cử, tuyển sinh lại được quan tâm vào thời điểm này, khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu được một tháng, có trường đại học còn chưa khai giảng.

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid- 19, hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước đang cho học sinh học trực tuyến, đặc biệt, tại khu vực phía Nam, hầu như chưa địa phương nào học trực tiếp. Một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cho học sinh học trực tiếp được ít ngày, hiện nay phải tạm dừng cũng vì dịch bệnh.

Tại khu vực miền Trung, miền Bắc, ngay trong một tỉnh, có nơi học trực tiếp nhưng cũng có nơi học trực tuyến. Hai hình thức học này khác biệt nhau và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học. Dù thầy trò có nỗ lực hết mình, học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp (điều này đã bàn nhiều, xin không nhắc lại).

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, như thông tin ở phần trên cho biết đề thi vẫn là đề thi chung trong toàn quốc. Nếu như tất cả học sinh đều học một hình thức như nhau, việc ra đề thi chung không có gì phải bàn, như Bộ đã và đang làm từ năm 2015 đến nay.

Nhưng, do dịch bệnh, hàng trăm ngàn học sinh cuối cấp THPT chưa thể tới trường, việc ra đề thi chung khiến những học sinh này gặp khó khăn khi làm bài thi và thiệt thòi so với bạn bè được học trực tiếp. Đây là vấn đề được nêu lên nhiều nhất trong vài ngày qua.

Theo nguyên tắc, việc Bộ GD&ĐT ra đề thi chung trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là không sai. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, dịch bệnh Covid- 19 khiến hàng trăm ngàn học sinh chưa thể tới trường. Theo lẽ thường, số học sinh này không thể nào đủ kiến thức, học lực để làm bài như những học sinh được học trực tiếp.

Cũng có ý kiến trong giới chuyên môn đặt ngược lại vấn đề: do dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, học sinh lớp 12 không thể thi cùng một đợt, vậy, những học sinh đang học trực tuyến có được ưu ái bằng cách Bộ sẽ cho số này làm đề thi dễ hơn hay không? Câu hỏi này, hiện tại, chưa thể trả lời.

Nếu được làm đề thi dễ hơn, điều này khó bảo đảm công bằng với những học sinh đang học trực tiếp, trong khi nếu mức độ đề thi khó ngang nhau, phần thiệt thòi lại thuộc về những học sinh đang phải học trực tuyến.

Khi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh nào điểm cao hơn sẽ trúng tuyển, nhà trường không phân biệt thí sinh đó có ở trong vùng dịch bệnh, phải học trực tuyến hay không. Đây rõ ràng là một bài toán khó cho Bộ GD&ĐT và cho cả trường đại học, cao đẳng.

Một thông tin đáng chú ý khác được lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố trước báo giới: những trường đại học, ngành học có tính cạnh tranh cao có thể chỉ xem kết quả điểm bài thi tốt nghiệp của thí sinh như một tham số để tham khảo.

Có nghĩa, ngoài điểm bài làm, nhà trường có thể tổ chức sát hạch, sơ tuyển bằng hình thức khác để tuyển sinh. Khẳng định kết quả điểm thi THPT quốc gia và thi tốt nghiệp THPT những năm qua là “tin cậy”, tại sao nay Bộ lại khuyến cáo những trường đại học có tính cạnh tranh cao chỉ xem đó như một kênh tham khảo? Trong ngành, giới chuyên môn không ai không biết, hình thức tuyển sinh bằng sát hạch, phỏng vấn, thậm chí cả viết bài luận này nọ, thường mang màu sắc chủ quan, cảm tính.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Collocation tìm hiểu về ngành kế toán để theo học không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững và thành công trong tương lai của bạn.
Tin cùng chuyên mục