BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cầu Yêu

Cập nhật ngày: 01/12/2017 - 22:34

Ở xã Bình Minh, thuộc thành phố Tây Ninh có một cây cầu tên gọi cầu Yêu. Cầu bắc qua suối vô danh, chảy từ trong ấp Giồng Tre ra rạch Tây Ninh. Băng qua đường Trần Văn Trà, suối trở thành đường ranh giữa ấp Giồng Tre và phường 1.

Đất Giồng Tre nay đã vắng tre pheo, may con suối vẫn còn vài bụi tre nhỏ, cùng với keo tràm và cao su ngút ngát.

Cái cầu này ngắn lắm! Chẳng đáng cho gái trai hò hẹn chút nào. Thành cầu bằng khung sắt hàn, có muốn cũng không ngồi được. Cầu chỉ 6m bề ngang, 7m chiều dài, chung quanh um tùm cỏ mọc. Dưới chân nước đổ ào ào. Vậy tại sao lại gọi cầu Yêu?

Tôi đem thắc mắc ấy hỏi một anh bạn trẻ, đang một mình hì hục sửa nhà ở gần cầu. Anh bảo: chắc họ ghi sai đấy. Đáng ra phải gọi là cầu yếu, vì chỉ cho xe tải trọng 5 tấn đi qua. Trong khi dân Bình Minh đã nhiều năm rầm rộ sản xuất tăng gia. Xe chở nông sản: mì, mía, cao su đi qua chí ít cũng phải là 10 tấn.

Vậy là cầu Yêu hay... cầu yếu, vẫn chưa có lời giải đáp. Đành trở lại con đường trục xuyên sâu vào ấp, tìm lên nơi có miếu thờ Quan Lớn Trà Vong.

Mây sớm đã tan, lộ ra một vầng núi Bà xanh ngắt. Chóp núi nhô lên thẫm màu lam trên một vườn cây. Cây gì lạ và đẹp thế này? Thân cỡ bắp tay vươn lên thẳng tắp. Gốc nào gốc nấy đều được sơn một khoanh màu vôi trắng. Người ta đã tỉa bớt cành đi cho những búp chồi non phớt tím rung rinh trên những ngọn cành. Rồi cũng nhận ra đó là cây cao su.

Bởi những hàng cây ngay hàng thẳng lối, túm lá xoè ra năm ngón như một bàn tay. Tỉa bớt lá đi chắc là để cho vườn mì tốt xanh bên dưới được tha hồ đón nắng. Vậy là vườn xen canh mì với cao su. Nhìn toàn cảnh vườn cây trở nên đẹp lạ. Và có lẽ đây cũng là cảnh quan cơ bản của Giồng Tre. Cửa nhà thì thưa thoáng, lâu lâu mới gặp. Còn cây trái với cao su cứ ắp đầy mườn mượt bên đường.

Trở lại Giồng Tre kỳ này, là tôi nhớ độ hơn mười năm trước đã từng theo các cựu chiến binh Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) lên đây như một chuyến về nguồn. Chẳng là nơi ấy từng có hầm bí mật chở che các anh thời chống Mỹ.

Ở các vùng phía Bắc Tây Ninh này, dường như nơi nào có dấu ngựa, dấu chân Quan Lớn Trà Vong cũng đều trở thành căn cứ cho quân dân ta đánh giặc. Những nơi ấy ngày nay đều có đền, miếu, dinh thờ. Nghĩ hơi xa một chút thì cách mạng có mối dây liên kết bền chặt với tín ngưỡng dân gian.

Minh chứng rõ ràng nhất là khu dinh và mộ ngài ở ấp 3 Trà Vong, cũng chính là vùng ruột xưa của chiến khu Trà Vong, căn cứ nổi tiếng một thời của lực lượng cách mạng tỉnh Tây Ninh thời chống Pháp.

Miếu Giồng Tre nằm giữa một lõm rừng nhỏ, chung quanh cũng bạt ngàn cao su. Cụ ông quản miếu ngày xưa nay đã về trời. Thì con trai cụ lại tiếp nối giữ gìn, khói hương ngôi miếu cũ mấy đời ông, cha truyền lại. Có lẽ năm nay thu nhập từ cao su hơi khá, nên anh đã quyết tu sửa lại ngôi miếu cho khang trang hơn.

Bởi ngôi miếu cũ nhỏ bé cứ như lún xuống giữa rừng cây. Đấy là một khoảng rừng nguyên sinh còn sót lại. Nói cho đúng là gia đình cứ kiên gan giữ lại, mặc cho sức ép của thời nhà nhà thi đua phát triển trong kinh tế thị trường. Rừng chồi xưa, theo trí nhớ của các cựu chiến binh Thị xã (cũ), nay đã lớn thành rừng, chen chúc, vươn cao và có cả những dây leo loằng ngoằng to cỡ bắp chân người lớn.

Điều này đã hơn đứt khu di tích chính của thành phố Tây Ninh bên ấp Giồng Cà. Bên ấy thì rộng rãi, sân cỏ xanh mượt như sân bóng đá. Nhưng chẳng có một cây to, cây rừng nào cả, tha hồ thoáng đãng cho núi Bà nhô lên, oai vệ dưới trời xanh.

Có suối, có rừng, nhà cửa thưa thoáng, cây trái sum suê đầy ắp, lại là một ấp trong xã ngoại vi thành phố Tây Ninh, nên Giồng Tre chứa trong mình tiềm lực của tương lai. Nếu cây cầu thật sự yếu thì cũng nên sửa để cảnh báo người qua, kẻ lại.

Còn giả, nếu nó không phải là yếu, mà tên cầu chính là Yêu, ắt cũng là một dự báo đẹp đẽ của miền quê đất hứa- miền đất đáng yêu, đáng sống. Và dĩ nhiên cây cầu qua suối sẽ là một chiếc cầu Yêu.

NGUYỄN