Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trên cánh đồng Bavet (ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) có cây cổ thụ rất đẹp.
Cây cổ thụ nổi bật giữa cánh đồng Bavet.
Từ quốc lộ 22 có một con đường nhựa quanh co vào ấp Bến. Từ ấp Bến có thêm con hẻm nhỏ trải đá dẫn vào cánh đồng Bavet. Trên cánh đồng có một cây cổ thụ sừng sững giữa biển lúa mênh mông. Cây này ước chiều cao khoảng 12 mét, tán xoè rộng, cành lá sum suê. Cánh đồng Bavet đang mùa lúa chín, màu xanh của cây cổ thụ càng trở nên nổi bật giữa cánh đồng.
Cây có bộ rễ đẹp, vỏ cây sần sùi. Một vài nơi trên thân cây mọc ra những tai nấm to hơn bàn tay người lớn. Có nơi trên thân cây bị thủng lỗ, đang trong quá trình liền da trở lại. Bao trùm lên thân cây cổ thụ này là một cây sộp. Rễ cây sộp quấn quanh thân cây cổ thụ càng làm tăng thêm vết thời gian của cây khổng lồ này.
Không ai biết rõ tên khoa học của loài cây này là gì và nó hiện diện ở đây từ bao giờ. Theo ông Huỳnh Văn Truyện, 66 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã An Thạnh, khi còn là một cậu bé, ông thường xuyên cho trâu ăn cỏ trên cánh đồng Bavet và nhiều lần đến gốc cây này nghỉ ngơi, tránh nắng. Người dân địa phương gọi đây là cây “đít mọi” hoặc “đất mọi”.
Tìm hiểu về nguồn gốc của cây cổ thụ này thì được nghe ông Tư Du- con cháu của dòng họ Lê, dòng họ chủ sở hữu phần đất nông nghiệp có cây cổ thụ này kể lại, xưa kia ở khu vực này có nhiều cây hoang và cỏ dại. Khi ông cố của ông Tư Du đến đây khai khẩn đất đai làm ruộng, thấy cây này lạ nên để lại. Sau đó, ông cố của ông Du qua đời, phần đất này lần lượt để lại cho các thế hệ con cháu để tiếp tục canh tác.
“Tính ra, cây “đất mọi” đã có từ đời ông cố đến nay thuộc đời cháu của ông Tư Du đang sở hữu cây này. Nếu tính trung bình mỗi đời người 60 năm tuổi, qua 4 thế hệ, cây cổ thụ này tương đương 240 năm tuổi”, ông Truyện ước tính.
Cành nhánh tua tủa, lộ vẻ già nua.
Ông Truyện cho biết thêm, trước đây dưới gốc cây “đất mọi”, người dân địa phương có cất một cái miếu nhỏ để thờ ông Tà. Hằng năm, vào những lúc xuống giống lúa, thu hoạch mùa vụ hay vào dịp lễ tết, người dân địa phương đều đem xôi, thịt, hoa quả đến miếu thắp hương khấn vái ông Tà cho trúng mùa, cuộc sống an lành. Những năm gần đây, ngôi miếu đã bị hư hỏng, nhưng người dân địa phương vẫn thường xuyên tới gốc cây thắp hương cầu nguyện.
Ông Khưu Thanh Long, sinh năm 1975, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý ấp Bến, có nhà và ruộng đất canh tác gần cây cổ thụ cho biết, hiện nay, cây cổ thụ này đứng trong phần đất ruộng của vợ chồng bà Trần Thị Đượm. Những năm trước, khi ông Lê Văn Truyện- chồng bà Đượm- còn sống, ông Truyện thường xuyên đến thắp hương dưới gốc cây.
Rễ cây sộp quấn quanh thân cây cổ thụ này càng làm tăng thêm vẻ già nua.
Anh Trần Văn Tiềm- con rể của bà Đượm cho biết, những năm trước, có người từ nơi khác tìm đến nhà hỏi mua lại cây này với giá vài chục triệu đồng, nhưng gia đình không bán. Anh cho hay, vào mùa xuân, cây cổ thụ này ra hoa màu vàng, lẻ tẻ từng bông rời. Sau đó, cây kết trái. Trái suông, nhỏ như trái đậu que. Không rõ trái này có ăn được hay không nên từ xưa tới giờ không ai dám ăn.
Vỏ của cây này có tác dụng trị đau khớp nên thỉnh thoảng có người đến xin vạt vỏ cây về làm thuốc. Trên thân cây có lỗ thủng và lâu năm từ lỗ thủng đó trở thành bộng cây. “Tôi không rõ nguyên nhân gây thủng lỗ trên cây. Có lẽ do bom đạn từ thời chiến tranh gây ra. Hồi nhỏ, tôi thường chơi đùa dưới bóng cây, thấy có tắc kè ở trong bộng cây đó”, anh Tiềm nói.
Một vài nơi trên thân cây mọc ra những tai nấm to hơn bàn tay người lớn.
Ở tỉnh ta từng có những cây cổ thụ tương tự như “cây trâm cô đơn” ở cánh đồng Gò Duối (xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành), “cây thốt nốt tình yêu” trên cánh đồng Khedol (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh). Những cây cổ thụ nêu trên đều trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người dân trong, ngoài tỉnh qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật. Nếu cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên cánh đồng Bavet được quan tâm chăm sóc thì có thể trở thành điểm check in nổi tiếng đối với du khách gần xa.
Đại Dương - Thuỳ Dung