Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cây lá buông trên đất Tây Ninh
Thứ hai: 07:00 ngày 17/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thật may mắn, trong những ngày gần đây, khi đi nghiên cứu nguồn gốc địa danh, chúng tôi phát hiện sườn phía Nam của núi Heo và sườn Tây Nam núi Phụng, thuộc cụm núi Bà Đen còn loại cây này.

Cây lá buông trên núi Heo

Cây lá buông hay còn gọi là cây lá bối, cây lá kè là một loại cây không hề xa lạ với người dân Tây Ninh. Trước đây, những vùng có lá buông, người dân địa phương thường khai thác lá để chằm nón, đan quạt, làm túi xách, còn tàu thì vót đũa, làm kèo cất nhà rất bền tốt. Trải qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt, phải hứng chịu nhiều bom đạn và một phần khai thác bừa bãi, không có kế hoạch nên từ lâu cây lá buông đã vắng mặt trên vùng đất Tây Ninh. 

Có thể khái quát vài nét, cây lá buông là loài thực vật có hoa thuộc họ cau, nhìn bề ngoài khá giống cây thốt nốt hoặc cây cọ. Cây lá buông có thể cao khoảng 15m, đường kính thân cây trung bình từ 30-60cm, lá xoè hình quạt to, cuống lá dài từ 2-8m. Cuống lá có hình máng, rãnh hơi sâu ở góc cuống, hai bên mép cuống có những răng màu đen như răng cưa chắc khoẻ.

Phần phiến lá dài khoảng 2,5m và có khi dài tới 3m. Thông thường, một lá có khoảng 50 mảnh, nối với nhau bằng các gân lá. Khi cây trưởng thành có ra hoa, cụm hoa hình tháp dài đến 2,5m, có các nhánh mang nhiều quả. Quả cây lá buông hình trái xoan, dài khoảng 4,5cm và đường kính khoảng 2-3cm, có vỏ dày với nội nhũ hoá sừng. Cây lá buông trưởng thành thường ra hoa vào tháng 3 đến tháng 9 dương lịch.

Ở Nam Trung bộ, cây lá buông gắn liền với đời sống của bà con người Chăm, buông (Pwuôn) là một từ cổ của người bản địa xứ này. Trong tiếng Hán, lá buông gọi là bối diệp, từ này có nguồn gốc từ tiếng Phạn là bối đa la - pattra (cây đa la/ta la). Người Khmer gọi cây lá buông là “đơm treang”; lá buông gọi là “slấc treang, slấc rit, slấc chre”.

Từ Trung bộ trở vào cho đến Tây Nam bộ, cây lá buông từ lâu đã trở thành một phần trong đời sống của người dân. Chiếc nón bài thơ nổi tiếng của xứ Huế cũng làm từ nguyên liệu lá buông. Khi chưa có quạt điện thì quạt lá buông là vật không thể thiếu của mọi nhà. Tàu lá buông khá giống tàu dừa nhưng chắc chắn và cứng hơn rất nhiều.

Người ta có thể dùng tàu lá già để làm nhà, vót chông, vót tên làm vũ khí. Đặc biệt, đũa làm từ tàu lá buông rất bền, đẹp. Về giá trị tinh thần, phải nói đến kinh lá buông của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Muốn chép kinh trên lá, trước nhất phải khai thác lá buông, vấn đề này nhà nghiên cứu Đào Chuông cho biết: “Khi treng trổ đọt non, người ta lấy dây quấn lại đừng cho lá bung xoè ra nhằm giữ lại màu trắng non của lá, khi đến lúc lá hơi già, người ta mới chặt xuống bung ra rồi đem phơi cho khô đúng là nó vẫn còn giữ màu trắng (do không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời); khi lá đã khô thì đem cắt tỉa  cho đều rồi đem ép cho thẳng mới viết…” (Ẩm thực - Lễ hội dân gian Khmer ở Kiên Giang - Đào Chuông - Trang 20 - NXB Hội Nhà văn 2019).

Đối với bà con Khmer, việc chép kinh (Sastra slấc rít) là một việc hệ trọng và thiêng liêng. Trước khi cắt lá làm giấy chép kinh thì phải thắp nhang cầu khấn chư Phật và thanh tẩy cơ thể cho sạch sẽ. Để lá buông trở thành giấy viết chữ, thì khâu xử lý ban đầu là hết sức công phu. Theo nhà nghiên cứu Chau Mo Ni Sok Kha thì: “… cần lá buông làm giấy, người ta chặt phần lá chưa xoè ra, đem phơi khô và phơi sương vài ngày. Sau đó, dùng nẹp tre dài khoảng bốn tấc, ngang khoảng bốn phân, ép chặt lại khoảng hai trăm lá. Không có máy cắt giấy, người dân dùng lưỡi bào bào phần lá thừa ra ngoài nẹp tre.

Sau khi giấy bằng đều các góc cạnh, họ gỡ ra hun khói chống mối mọt cho từng tấm lá. Đến đây đã có sản phẩm gọi là giấy. Nghệ nhân lấy than củi giã nhuyễn trộn với nước. Sợi chỉ dây được ngâm trong nước than đem ra căng hàng. Do vậy, nhìn vào tờ giấy sau khi viết xong thì sẽ không thấy hàng, dòng. Viết chữ trên lá bằng sắt nhọn có cán bằng gỗ, viết không được nhanh nên người viết phải kiên trì, chăm chỉ như con ong thợ miệt mài. Để nét chữ được rõ, nghệ nhân lấy than trộn với dầu chai và lấy vải nhúng vào nước than quét lên tấm lá. Tấm giấy được quét than trộn dầu chai, lấy cát nhuyễn rải đều lên rồi dùng vải lau cho sạch cát và dầu chai trên giấy, vết chữ được dầu chai và than ngấm vào đã hiện rõ. Họ lại đem phơi khô vài hôm, lại ép vào khuôn tre và đục lỗ, luồn dây buộc các trang giấy theo thứ tự” (Nét chữ xưa nay trên lá buông - Đồng Tháp Đất và Người - tập 7 - trang 347- NXB Đồng Nai 2021).

Kinh lá buông là loại kinh cổ có thể lưu trữ từ vài trăm năm đến cả hơn ngàn năm. Bên cạnh đó, từ xa xưa những nhà nghiên cứu y học đã chú ý đến cây lá buông, một số thành phần của cây có thể chế biến thành dược liệu chữa các bệnh như ho, phát sốt, nhức đầu… Ngày nay, từ cây lá buông người ta sản xuất ra rất nhiều mặt hàng mỹ nghệ có giá trị và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Trước đây, cây lá buông phân bố nhiều ở Thái Lan, Lào và nhất là ở Campuchia. Ở Việt Nam, cây lá buông mọc nhiều trong các khu rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai và Bình Phước. Trên đất Tây Ninh trước đây có cả một địa danh mang tên cây lá buông, đó là Sóc Con Trăng (Srok Đơm Treang - Xứ cây lá buông) thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Sóc Con Trăng (ấp Con Trăn ngày nay) nằm trên sườn đồi thuộc trục lộ 794, phía cuối chân đồi là khu ruộng thấp, trước đây mọc rất nhiều cây lá buông. Về sau, người dân chặt phá cây, lấy đất trống canh tác nên cây lá buông thưa thớt dần. Trong vòng mấy năm gần đây, qua thực tế thì cây lá buông gần như tuyệt chủng ngay trên mảnh đất lịch sử mang tên nó. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hầu như hiếm nơi nào còn cây lá buông. Nguồn nguyên liệu lá buông dường như chỉ nhập từ Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư, sau đó được tập kết phơi ở Lộc Hoà - Lộc Thạnh (Bình Phước), rồi mới chuyển đến các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành khác. Điều đó cho thấy loại cây này ở Việt Nam càng ngày càng khan hiếm!

Thật may mắn, trong những ngày gần đây, khi đi nghiên cứu nguồn gốc địa danh, chúng tôi phát hiện sườn phía Nam của núi Heo và sườn Tây Nam núi Phụng, thuộc cụm núi Bà Đen còn loại cây này. Cụ thể là khu ruộng đối diện trại cừu còn một cá thể, nhưng cây này chỉ còn vài tàu lá trơ trọi. Đi sâu vào chân núi, khu tiếp giáp giữa núi Bà và núi Heo, chúng tôi phát hiện còn ba cá thể cây trưởng thành khá nguyên vẹn mọc xen trong rừng đá. Sát mép chân núi và khu vườn xoài có ba cây con mới mọc độ vài tháng tuổi. Bên cạnh đó là mạn sườn Tây Nam của núi Phụng mọc khá nhiều cây lá buông con. Đây có thể nói là tín hiệu rất đáng mừng, trong khi các vùng khác không còn chỗ cho cây lá buông sinh tồn, thì rừng núi Bà Đen vẫn là nơi lý tưởng nhất cho cây lá buông hồi sinh và phát triển.

Về vấn đề này, rất cần các cơ quan hữu trách hết sức quan tâm và có biện pháp bảo vệ để nguồn thực vật ở rừng núi Tây Ninh thêm phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, có thể phát triển nhân giống cây lá buông trên những diện tích phù hợp, vừa dành cho du lịch vừa phát triển kinh tế từ loài cây này.

ĐÀO THÁI SƠN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục