Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ TP. Tây Ninh, theo đường Cách Mạng Tháng Tám đi Chà Là mới đến gần ngã ba Bàu Năng rẽ sang đường 784, đã thấy một khung trời núi xanh lộng lẫy. Ồ, cuối năm rồi mà sao ruộng sen vẫn còn loáng thoáng những sen hồng. Ruộng lắp xắp nước nên cả bầy cò trắng cứ ung dung lội tìm kiếm cá, cua. Khi thấy người tới gần chúng cũng chẳng thèm bay, chỉ cùng nhau tung cánh lượn sang chân ruộng liền kề.
Đồng ruộng Chà Là.
Sang tới đất Chà Là, mới qua trụ sở UBND xã một độ đường non cây số, lại thấy ngay một cánh đồng rợp những cánh cò lả, bay lên đậu xuống. Ruộng lúa mới gặt còn trơ gốc rạ, mầm lúa mọc xanh lấm tấm. Cò ở Chà Là có vẻ rất dạn người.
Thế là mấy điều hơi “ngại” về Chà Là hầu như đã được xoá sạch. Ngại vì từ khi có khu công nghiệp- dẫu là công nghiệp sạch, công nghệ cao thì vẫn quá đông người đến làm việc, ăn ở trên đất Chà Là. Số liệu năm 2015 cho thấy có đến 18.000 công nhân- gấp hơn hai lần dân số xã. Thế thì bức tranh làng quê xưa của Chà Là liệu có còn không? Cùng với biết bao con người ấy, phải xây dựng biết bao nhiêu cơ sở hạ tầng… Vậy mà nay đi qua, vẫn thấy ngan ngát đồng xanh và la lả cánh cò. Tháng 12, còn thấy xao xác đầy trời chim én. Như là xuân sớm đã về kia.
Các cụ ta đã dạy: đất lành chim đậu- có lẽ đây cũng là kinh nghiệm của những lưu dân đi mở đất hồi mấy trăm năm trước. Cứ trông vào chim trời, cá nước mà chọn nơi khai phá rừng hoang, mưu cầu cuộc sống lâu dài. Để cho “có đầu, có đũa” cũng nên điểm lại vài dòng về lịch sử. Thì đây, cuốn sách “Truyền thống cách mạng xã Chà Là” đã có trong tay tôi. Sách in năm 2010, do Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chà Là biên soạn và xuất bản.
Về cái tên Chà Là, sách viết: “Đặc biệt ở đây có cây chà là mọc tự nhiên rất nhiều nên dân địa phương đặt tên là xóm Chà Là…”. Thượng tá Hà Duy Cường- cán bộ nghiên cứu lịch sử Tỉnh đội đã về hưu, từng sống ở Chà Là hơn 40 năm qua còn kể thêm: “Ngoài cây chà là tự nhiên, đến thời ông chủ người Pháp tên là Arnaud sang lập đồn điền cao su, cũng có đem theo cây chà là của xứ Bắc Phi sang trồng thử. Nhưng có lẽ vì không hợp thông thổ mà nay chẳng còn lại cây nào, cả chà là bản địa lẫn chà là du nhập”.
Sách còn kể về lai lịch địa lý và hành chính. Đấy là: “Khi xóm Chà Là hình thành, chánh quyền phong kiến đặt tên là ấp Phước Tiền ở Đông lộ thuộc làng Phước Hội, ở phía Tây lộ thuộc làng Hiệp Ninh, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (1900-1954). Từ 1945 đến 1960 xóm Đồn Mới, Bàu Đưng, Bình Linh, Láng, Phước Hiệp thuộc làng Phước Hội, phía Tây lộ thuộc xã Trường Hoà, quận Phú Khương…”.
Như vậy thì gốc gác của Chà Là xưa là 2 làng Phước Hội và Hiệp Ninh. Nhưng sao lại chỉ tính từ 1900? Trong khi hai làng trên đã có rất lâu đời, ngay từ thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh (1836). Xem “Từ điển Hành chính Nam bộ” của Nguyễn Đình Tư thì thấy Hiệp Ninh có từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838) và Phước Hội từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Mà phần đất Chà Là xưa là thuộc về thôn Phước Hội. Đấy là chưa kể tới việc Chà Là nằm dọc theo lộ 19-26 xưa, nay là 782- 784 nguyên là con đường sứ có từ rất xa xưa. Đến năm 1815, vua Gia Long đã cho sang sửa con đường này thành đường thiên lý Đông Tây, đặt các trạm ngựa dọc đường để tiện cho việc cai trị và bảo vệ vùng lãnh thổ. Do có con đường thiên lý mà Vương Công Đức trong “Trảng Bàng phương chí” cho rằng: “Một số quan lại, lính trạm và thân gia quyến thuộc được phái lên giữ các chốt canh, nhà trạm dọc theo con đường này… đã hình thành nên lớp cư dân thứ ba sau hai lớp di dân men theo đường sông (Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông). Đây là lớp người đã đặt nền móng hình thành thôn Phước Hội, kéo dài từ vùng Suối Đá xuống tận khu vực bàu Hai Năm của xã Gia Lộc ngày nay…”.
Vậy là thôn Phước Hội đã được khai mở ngay từ đầu thế kỷ XIX và đến năm 1836 đã chính thức được ghi danh trong hệ thống các thôn làng của phủ Tây Ninh. Cứ theo cái tên ấp Phước Tiền, thì có lẽ Chà Là còn là vùng đất đầu tiên của làng ấy nữa, cái miền đất mà đến nay, sau khoảng 200 năm lịch sử vẫn còn là miền đất lành rợp cánh cò bay.
Vậy mà Chà Là đã từng là đất dữ. Dữ với các thế lực ngoại xâm. Người Chà Là đã tổng kết sau hai cuộc kháng chiến với thành tích: “đánh địch 650 trận, gài nổ 925 quả mìn các loại, giết và làm bị thương 1.583 tên giặc, trong đó có 57 tên Pháp, 824 tên Mỹ, bắt sống 70 tên, phá huỷ, đánh hư 56 xe tăng, bọc thép, 7 xe GMC, 2 xe Jeep và 2 xe Đốt-cát, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, thu 513 súng các loại…”. Tổn thất của quân dân Chà Là cũng không nhỏ: “Trong 30 năm (1945-1975) địch đã bắn chết 416 cán bộ chiến sĩ và nhân dân Chà Là, gây thương tật cho 352 người khác, đốt cháy, ủi phá 1.500 lượt mẫu hoa màu và 180 ngôi nhà, bắn chết 240 trâu bò và bắt tra tấn, tù đày hàng trăm người khác (sách đã dẫn).
Đường về ấp Láng.
Đất dữ! Vì đây chính là cửa ngõ để vào chiến khu Dương Minh Châu dũng cảm kiên cường suốt hai thời kháng chiến. Đi dọc hơn 5km con đường 784 xuyên giữa Chà Là hôm nay, hầu như không thấy dấu vết của sự khốc liệt những năm xưa. Mà chỉ thấy tươi rói màu sơn trên các công trình mới. Từ Bàu Năng đến điểm đông đúc đầu tiên là khu dân cư số 1 với trụ sở UBND xã, Trung tâm Y tế, Bưu điện, Trường tiểu học Ninh Hưng, chợ… Rồi thánh thất, điện thờ Phật mẫu của đạo Cao Đài sừng sững ở hai phía mặt đường.
Khoảng 2 cây số nữa lại xuất hiện một điểm dân cư số 4 sầm uất ở ấp Bình Linh, sát khu công nghiệp. Qua cổng ấp văn hoá Bình Linh không xa, đã thấy Trung tâm Văn hoá- Thể thao và Học tập cộng đồng với sân bóng đá một bên khá đẹp. Ngày thứ bảy, Trung tâm này khá đông người. Hôm ấy có giải Taekwondo các câu lạc bộ ở Chà Là lần thứ I. Đi thêm vài trăm mét nữa là điểm dân cư số 2 (cũng ấp Bình Linh) với các công trình Nhà văn hoá, Thư viện, Đài Truyền thanh và đặc biệt là cụm 3 trường học: trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo- toàn các khối nhà 2 tầng xinh xắn đặt gọn ghẽ trong sân rộng với đầy đủ thảm cỏ, bồn hoa cùng các loại cây xanh. Trường mẫu giáo thu hút mọi mắt nhìn ngay ở các mặt tường ngoài với các bức tranh tường thiếu nhi ngộ nghĩnh, tươi rói.
Rời con đường trục, đi vào các con đường “xương cá” hai bên, thấy khung cảnh đường sá phong quang, trải nhựa “thấm nhập” hoặc bê tông xi măng. Nếu đi vào ấp Láng nằm khá xa trung tâm xã thì đã có hẳn một con đường bê tông nhựa từ Cầu Khởi đi vào giữa bát ngát cao su.
Tìm mãi, rồi cũng thấy! Là mả ông Tây Vẹo, giờ nằm ngay bên cạnh cổng chính vào Khu công nghiệp Chà Là. Tường của ngôi mả dày tới nửa mét, vẫn còn chi chít vết đạn, như kể về các cuộc chiến đấu quyết liệt năm xưa. Trong đó có trận: “Tháng 7.1967, du kích xã dẫn đường cho một tiểu đoàn thuộc công trường 5 phòng ngự tại mả Tây Vẹo đánh đoàn công-voa. Diệt 4 xe tăng và 2 xe GMC”. Mà đấy chỉ là một trong hàng trăm chiến công của xã anh hùng đầu tiên trên đất Dương Minh Châu- hôm nay là xã nông thôn mới Chà Là.
TRẦN VŨ