BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chấm dứt chuyện 'Bộ Y tế chỉ gác mâm cơm'

Cập nhật ngày: 15/04/2010 - 07:27

Chiều 15.4, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Luật an toàn thực phẩm.

Một trong những điểm dự thảo nhận được tán thành lớn là quy định chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ quy về một mối, thay vì 5 mối như trước đây.

Bộ Y tế sẽ thực hiện chức năng quản lý bộ chuyên ngành và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để quản lý, tránh tình trạng chồng chéo, như Bộ trưởng Y tế từng giải trình nhiều lần, rằng Bộ của ông "chỉ gác mâm cơm", còn chế biến, lưu thông, công nghệ, phụ gia... thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, chưa kể trách nhiệm của UBND các tỉnh.

Ghi hay không ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen?

Tranh luận xung quanh việc ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen, UBTVQH cho rằng cần luật hóa quy định này vì quyền lợi người tiêu dùng.

Quản lý an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối.

Mặc dù có hai trường phái trên thế giới: ghi và không ghi nhãn mác (do chưa có kết luận khoa học rằng thực phẩm biến đổi gen có hại với sức khỏe con người), song UBTVQH nhất trí trường phái bắt buộc ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen lưu hành thị trường trong nước.

Tuy nhiên, UBTVQH bác quy định chi tiết trong luật liên quan đến tỷ lệ nguyên liệu gây biến đổi gen “căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học về mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen và khả năng phân tích của các phòng thí nghiệm”.

Nguyên do thế giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu về chế biến thực phẩm biến đổi gen và chưa có kết luận căn cứ khoa học nào khẳng định thực phẩm biến đổi gen có hại với sức khỏe con người.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng không nên “ghi cứng” như vậy và luật chỉ quy định việc ghi nhãn và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lo ngại việc luật không quy định dự báo đối với vấn đề thực phẩm biến đổi gen trong khi đây là vấn đề đang phát triển rất nhanh chóng.

Dẫn thông tin báo chí nói nông dân Trung Quốc bắt đầu trồng lúa biến đổi gen, bà lo ngại một ngày nào đó nông dân Việt Nam cũng sẽ trồng giống này mà không có dự báo, nghiên cứu trước để biết những lợi ích hay bất cập của giống, nguyên liệu.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Son nói điều quan trọng nhất là quyền của người tiêu dùng phải được biết nguồn gốc thực phẩm để lựa chọn, chứ không chỉ là việc lưu thông hàng hóa mà không biết nguồn gốc.

"Nhiệm vụ bất khả thi"

Bàn về dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều ủy viên UBTVQH băn khoăn về tính khả thi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho rằng nhu cầu luật hóa các quy định về sử dụng tiết kiệm năng lượng, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách là "rất cần thiết".

Lấy ví dụ để đạt mức tăng trưởng GDP 1%, lượng điện năng tiêu thụ phải tốn gấp rất nhiều lần, ông Hào nói đây là sự lãng phí lớn, mà nhiều khi lãng phí xuất phát từ cả việc sử dụng công nghệ cũ.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng tình nhiều điểm quy định của dự thảo luật vì tính bất khả thi, nhất là khi luật không “áp” chế tài đối với hành vi sử dụng năng lượng không tiết kiệm dù điều 22 khẳng định “sẽ kỷ luật đối với hành vi vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Một trong những điểm “bất khả thi” bị ông Thuận chỉ ra, đó là điểm 1 điều 32 quy định: “Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu để quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng”.

Đây là nhiệm vụ, theo ông Thuận, “không biết đến bao giờ Bộ làm xong nổi”? Bởi có hàng triệu sản phẩm trong hàng loạt các lĩnh vực, nhất là hàng nhập khẩu sẽ dựa trên quy chuẩn nào để đặt tiêu chuẩn? Liệu Việt Nam có thể áp riêng tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất nước ngoài có hàng hóa nhập vào thị trường trong nước của mình?

“Tiết kiệm năng lượng là vấn đề đại sự quốc gia, rất cần nhưng soạn luật lại không rõ chế tài, trách nhiệm cụ thể. Nếu ban hành, luật sẽ chỉ dừng ở quy định chung chung”, ông nói.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cũng nhận xét nhiều quy định chung chung, không có nội dung như điều 20 nói “dự án đầu tư mới, cải tạo cơ sở hạ tầng công trình xây dựng có sử dụng ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước phải thực hiện theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Trong phiên thảo luận cũng không có ý kiến nào đồng tình, thậm chí phản bác dứt khoát với việc đưa vào luật hóa thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Các thành viên UBTVQH cho rằng, những chương trình mục tiêu quốc gia chỉ là hoạt động điều hành và không thể luật hóa thành quy định.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể và rõ hơn vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các công sở, cơ quan cũng như trách nhiệm người đứng đầu cơ quan vì đây là một đối tượng còn lãng phí ngân sách nhà nước và tiêu thụ nhiều năng lượng, các dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đi đầu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

(Theo Vietnamnet)