Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số
Chủ nhật: 22:51 ngày 25/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Đồng bào dân tộc Khmer vui Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Lê Văn Hải

Tân Biên là huyện biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, có đường biên giới dài 92,5km giáp Vương quốc Campuchia. Huyện có 9 xã, 1 thị trấn, có 58 ấp, khu phố. Dân số toàn huyện 28.575 hộ/103.304 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 865 hộ/2.980 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,89% so với dân số toàn huyện, gồm 14 dân tộc: Khmer, Xtiêng, Tà Mun, Mường, Thái, Tày, Hoa, Nùng, Chăm, Dao, Ê đê, Mông, Thổ...

Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 4 xã Tân Lập, Hoà Hiệp, Tân Phong và Thạnh Bình, số còn lại sống rải rác đan xen với đồng bào Kinh. Đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo tập quán. Tại xã Hoà Hiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 269 hộ/1.138 khẩu.

Ông Huynh Bích- người có uy tín ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp cho biết, đời sống của bà con trước kia còn khó khăn, việc làm chưa ổn định; từ năm 2015 đến nay, đường sá khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện cho sản xuất, trao đổi hàng hoá, người dân rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Trước đây, trường học khá xa nên bà con còn khó khăn trong việc đưa con em đến trường, nay trường học ở gần, học sinh có thể đến trường thuận tiện hơn.

Theo bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, trong những năm qua, huyện triển khai thực hiện nhiều chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Các chương trình, đề án, dự án, chính sách trên các lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, thể thao, nông nghiệp và phát triển, lao động việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới... đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Tân Biên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I từ năm 2022-2025 cùng các chương trình mục tiêu về y tế, văn hoá, xã hội; các chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt; xây dựng nhà hoả táng; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón, giống, cây trồng, vật nuôi.

Huyện cũng đang thực hiện dự án nâng cấp trạm cấp nước tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hoà Hiệp, xây dựng nhà văn hoá dân tộc, chống xuống cấp các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

“Đặc biệt, huyện đang tiến hành xây dựng nhà hoả táng cho người dân Khmer trên địa bàn xã Hoà Hiệp. Theo tập tục, người Khmer chỉ hoả táng người chết chứ không chôn cất. Phần tro cốt sẽ được gửi trong chùa để linh hồn nương cõi Phật siêu thoát.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, hoả táng tại chùa không còn là văn hoá riêng của dân tộc Khmer mà trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội vì đây là việc làm gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để bảo đảm vệ sinh, môi trường và tôn trọng văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Khmer, việc xây dựng lò hoả táng trên địa bàn xã là cần thiết”, bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết.

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hoá riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hoá chung. Những năm qua, hệ thống văn hoá từ huyện đến xã luôn coi trọng việc phát hiện, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng, phát hiện giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn, phát triển.

Thu mua mủ cao su ở ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp (Tân Biên)

Tuy nhiên, dưới tác động của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin, sự giao thoa, du nhập văn hoá của các vùng, miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hoá bản địa.

Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Biên vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế.

Bà Đoàn Thị Minh Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I từ năm 2022-2025 được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là đòn bẩy thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển vươn lên, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc; cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Theo ông Nguyễn Minh Nhật- Phó trưởng Ban Tôn giáo dân tộc, Sở Nội vụ, từ năm 2022-2030, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I với 7/10 dự án thành phần, tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào kế hoạch vốn của Trung ương, tỉnh đã bố trí đầy đủ các nguồn vốn được giao và vốn đối ứng của địa phương theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị và địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách bảo đảm tiến độ như: nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh; nâng cấp trạm cấp nước tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); xây dựng nhà văn hoá dân tộc, chống xuống cấp các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số...

Người dân ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp (Tân Biên) thu hoạch mủ cao su.

Các địa phương, đơn vị thực hiện dự án cơ bản nắm được nội dung, phạm vi, đối tượng của từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình nên có sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các nội dung được giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chương trình được triển khai, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn chậm, chưa đầy đủ nên việc thực hiện vẫn còn lúng túng trong thời gian đầu.

Trong năm 2023, tỉnh tập trung công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2022 chuyển sang năm 2023 và vốn năm 2023; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho xã khu vực 1, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc và cộng đồng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kéo giảm tỷ lệ tảo hôn.

Củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất để giảm nghèo nhanh, bền vững. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, lãng phí.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh