Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chân dung người được cho sẽ là thủ tướng của Campuchia
Thứ tư: 11:57 ngày 26/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mọi chú ý đang đổ dồn về ông Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, khi ông nói người con này sẽ kế nhiệm mình trong 3-4 tuần tới.

Trả lời phỏng vấn kênh Phoenix TV tuần rồi, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiết lộ con trai cả Hun Manet có thể trở thành thủ tướng “trong 3-4 tuần” sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII của Campuchia ngày 23-7. Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Hun Sen nói về khả năng ông Hun Manet kế nhiệm mình, điều đó cho thấy sự tin tưởng của nhà lãnh đạo Campuchia đối với con trai cả.

Với nhiều người, ông Hun Manet đại diện cho một gương mặt trẻ, tươi mới và sẽ giúp Campuchia phát triển hơn nữa, theo hãng tin Reuters.

“Giỏi văn lẫn võ”

Ông Hun Manet sinh năm 1977 tại thủ đô Phnom Penh, là con trai cả trong gia đình sáu người con của Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany. Ông nổi tiếng với danh hiệu là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point (Mỹ) vào năm 1999. Sau đó, ông lấy bằng thạc sĩ kinh tế từ ĐH New York (Mỹ) năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế từ ĐH Bristol (Anh) năm 2008. GS khoa học chính trị Kheang Un thuộc ĐH Northern Illinois (Mỹ) ca ngợi ông Hun Manet là “người học thức cao, có năng lực, thực tế và thân thiện”, theo báo The Guardian.

Theo các nhà quan sát, ông Hun Manet nói tiếng Anh trôi chảy và có phong thái ngoại giao chuyên nghiệp. Trong hai năm qua, ông Hun Manet tích cực gặp gỡ các nhà lãnh đạo, các nhà lập pháp và quan chức quốc phòng nước ngoài, theo Viện Lowy (Úc).

Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen cũng có binh nghiệp đáng ngưỡng mộ. Năm 1995, ông gia nhập quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF). Sau khi hoàn thành quá trình du học, ông trở về nước và được bổ nhiệm làm tư lệnh lực lượng đặc biệt chống khủng bố Campuchia vào năm 2008. Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen gây chú ý khi đảm nhận vai trò lãnh đạo giám sát đàm phán về tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan ở đền Preah Vihear (2008-2011). Hiện ông là phó tổng tư lệnh lực lượng Vũ trang hoàng gia Campuchia và tư lệnh Lục quân Hoàng gia. Tháng 3-2023, ông được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăng hàm đại tướng.

Về sự nghiệp chính trị, mặc dù ông Hun Manet chưa kinh qua bất kỳ vị trí nào trong chính phủ nhưng ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền. Ông Hun Manet là trưởng Ban Thanh niên trung ương của CPP và là ủy viên Ban Thường vụ CPP. Năm 2021, ông Hun Manet được Ủy ban Trung ương CPP nhất trí bầu làm thủ tướng tương lai của Campuchia. Tháng 3 vừa qua, ông được đề cử làm ứng cử viên nghị sĩ Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa diễn ra hôm 23-7, chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, theo Khmer Times.

Bên cạnh đó, ông Hun Manet còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông là người đứng đầu Ủy ban Học bổng Samdech Techo Hun Sen và Hiệp hội Học bổng Samdech Techo nhằm hỗ trợ hàng ngàn thanh niên Campuchia theo học tại các trường ĐH trên khắp nước. Ngoài ra, ông cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của Hiệp hội Bác sĩ tình nguyện thanh niên Samdech Techo cung cấp chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân nông thôn Campuchia.

Ông Hun Manet tại buổi vận động tranh cử ở Phnom Penh hôm 21-7. Ảnh: KHMER TIMES

Quan điểm đối nội, đối ngoại

Quan điểm đối nội và đối ngoại xuyên suốt của ông Hun Manet là “vì lợi ích của quốc gia và người dân Campuchia”. Lập trường đối nội của ông thể hiện qua bài phát biểu đầu tháng 7, trong đó ông vạch ra “ba mục tiêu ưu tiên” trong chính sách của chính phủ do CPP lãnh đạo đất nước Campuchia 44 năm qua, ở hiện tại và tương lai. Đó là đời sống, khát vọng và thể diện.

Theo ông Hun Manet, “đời sống” đề cập sự quan tâm của chính phủ đối với phúc lợi của người dân. “Khát vọng” chỉ mức sống của người dân cần được cải thiện, thông qua sự hỗ trợ của chính phủ trong các vấn đề xã hội, giáo dục, điều kiện sống và sức khỏe cộng đồng. “Thể diện” đề cập việc trao các quyền và tự do cho người dân, phát triển nền kinh tế quốc gia và nâng cao hình ảnh Campuchia trên trường quốc tế. Giữa tháng 7, ông Hun Manet tuyên bố sự phát triển phải tập trung vào việc cung cấp cơ hội và lợi ích cho người dân Campuchia.

Ông Anthony Galliano, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Campuchia, đánh giá rằng ông Hun Manet quan tâm đến việc làm thế nào để thu hút thêm đầu tư nước ngoài cũng như cần phải làm gì để Campuchia cải thiện thương hiệu, hình ảnh của đất nước trước các nhà đầu tư quốc tế, theo Reuters.

Trong bài đăng trên tờ Khmer Times, chuyên gia về quan hệ quốc tế Ki Manghout nhận xét ông Hun Manet là “biểu tượng của sự thay đổi”. Ví dụ, trong nhiệm kỳ tư lệnh quân đội Campuchia, ông Hun Manet chỉ đạo hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội trong ngắn hạn cũng như ban hành quy trình thăng tiến minh bạch hơn nhiều đối với các sĩ quan quân đội. Theo chuyên gia Manghout, những động thái tích cực này báo hiệu khả năng cải cách thể chế nếu ông Hun Manet được bầu làm thủ tướng.

Về lập trường đối ngoại, hồi tháng 4, ông Hun Manet nói rằng một khi trở thành thủ tướng, ông sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao đã được chính phủ Campuchia hiện tại thử nghiệm và kiểm chứng, đó là “làm bạn với tất cả các nước” và “phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân Campuchia”. Lưu ý về việc Campuchia từng trải qua quá khứ cay đắng khi bị cuốn vào Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường vào những năm 1970, ông Hun Manet nhấn mạnh nếu Campuchia phụ thuộc vào một quốc gia và phớt lờ những nước khác thì đất nước sẽ phải đối mặt với hậu quả tương tự trong quá khứ.

Ông Hun Manet tái khẳng định lập trường kiên định của Campuchia là trung lập: “Campuchia gắn kết với Trung Quốc, Mỹ, Nhật và các nước khác. Đây là chính sách đối ngoại của chính phủ Campuchia. Chúng tôi mong muốn như vậy. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng chính sách này trong tương lai”.

Đảng Nhân dân Campuchia nói giành được 96% trong số 125 ghế nghị sĩ

Tờ Khmer Times ngày 25-7 dẫn lời người phát ngôn đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Sok Eysan rằng CPP giành được 80% phiếu từ 8.213.260 phiếu hợp lệ, tương đương việc chiếm 96% trong số 125 ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII của Campuchia. Ông Sok Eysan nhận định kết quả trên phản ánh niềm tin của người dân vào những nỗ lực và khả năng lãnh đạo vững chắc và trưởng thành của CPP.

Trong khi đó, đảng Bảo hoàng Funcinpec kỳ vọng đảng này sẽ giành được hơn năm ghế nghị sĩ, mặc dù chưa có kết quả chính thức. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia, kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ ngày 9-8 đến 4-9.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục