Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam
Thứ bảy: 21:30 ngày 05/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 4.8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước về thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Chương trình).

Tại điểm cầu Tây Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư cho tương lai 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày nội dung chính của Chương trình.

Theo đó, Chương trình nhằm huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hoá trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Phấn đấu tăng đầu tư cho phát triển văn hoá ở cả Trung ương và địa phương (tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm).

Chương trình hướng đến bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hoá và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh gắn với xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người; xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, văn hoá, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục văn hoá trong xã hội, khắc phục sự phân hoá trong thụ hưởng văn hoá giữa các vùng, miền; các tầng lớp dân cư, xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hoá từ trung ương đến cơ sở.

Chương trình đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hoá. Ưu tiên xây dựng lực lượng chủ đạo, nòng cốt trong lĩnh vực văn hoá để phát triển dòng chủ lưu, có vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đẩy mạnh việc tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hoá, văn nghệ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý trên lĩnh vực chấn hưng, phát triển văn hoá và xây dựng con người. Chú trọng xây dựng và phát triển các lĩnh vực và các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hoá, gồm Trung tâm Văn hoá hoặc Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao. Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO.

Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương…

Đến năm 2035: 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện. Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế. 100% thư viện cấp tỉnh, huyện có khả năng kết nối, tích hợp, liên thông dữ liệu với Thư viện quốc gia, sẵn sàng chia sẻ với thư viện có vai trò quan trọng, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành. 80% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, khoa học được số hoá, bảo quản và phát huy giá trị…

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài với Việt Nam.

Tiết mục văn nghệ quần chúng (ảnh minh hoạ: Hoàng Yến)

Thiếu vắng tài năng

Đóng góp ý kiến cho việc thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội lưu ý, Chương trình nhằm đầu tư phát triển, không phải và không thể quyết mọi vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hoá. Ông Nguyễn Thế Kỷ- Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề nghị bổ sung Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới vào trong nội dung Chương trình.

Có ý kiến đề nghị xem xét thành lập Bảo tàng quốc gia biển, vì Việt Nam có bờ biển dài, mặt biển rộng, quốc gia biển nhưng chưa có Bảo tàng biển. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đề nghị sửa một số nội dung trong Chương trình, trong đó nhấn mạnh “văn hoá còn thì dân tộc còn, đất nước trường tồn, người dân hạnh phúc”.

Ông Đào Duy Quát- nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương đề nghị thay từ “sự cần thiết đầu tư” thành “sự cấp thiết” để thấy tầm quan trọng của chấn hưng văn hoá. Ông Quát bày tỏ lo ngại về việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật chưa thật sự hiệu quả. Theo ông Quát, đội ngũ phê bình lý luận văn học nghệ thuật cũng thiếu vắng những tài năng và chưa được chú ý đúng mức, trong khi đội ngũ này có vai trò quan trọng trong truyền bá tác phẩm. “Ở nước Nga, trước khi công chiếu một bộ phim, vở kịch, nhà sản xuất mời hàng ngàn nhà phê bình xem trước khi công chiếu, trình diễn, biểu diễn”.

“Chúng ta đã có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, quá trình triển khai không ít bất cập, chồng chéo, vì thế Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn”- lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị “rút tít” tên gọi Chương trình ngắn gọn cho dễ nhớ, đây là một đại dự án, do đó, cần đề ra tầm nhìn dài hạn. “Chương trình này còn phức tạp, khó thực hiện, thách thức lớn hơn các chương trình mục tiêu quốc gia khác, vì có những vấn đề trừu tượng, phi vật thể, bàn chán rồi có khi còn chưa thực hiện được”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế, hệ thống trường đào tạo nghệ thuật hiện nay “nghèo nhất trong hệ thống trường cao đẳng, đại học” vì số người theo học không nhiều, trường nghệ thuật nhưng không có nổi cái sân khấu.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất cao với nội dung đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Thủ tướng đề nghị cần xem đây là “đại công trình” và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên nhất, để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước ta trong thời kỳ mới.

Thời gian tới đây, cần ưu tiên nguồn lực của chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hoá; văn hoá cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện, giáo dục văn hoá dân tộc, văn hoá đối ngoại, công nghiệp văn hoá... Từ đó, tạo động lực văn hoá để phát triển kinh tế xã hội, mang lại những giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 180.000 tỷ đồng. 

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục