Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn phải đề phòng, không được chủ quan, chuyện dạy và học cũng chưa thể trở lại bình thường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngành Giáo dục đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả những giải pháp tình thế như chia, tách lớp...
Cán bộ y tế Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đo thân nhiệt cho học sinh trước cửa lớp. (Ảnh Ngọc Bích)
Sau thời gian dài phải tạm dừng các hoạt động giáo dục để phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, ngày 4.5, gần 200.000 học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, sinh viên cao đẳng… trở lại trường. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn phải đề phòng, không được chủ quan, chuyện dạy và học cũng chưa thể trở lại bình thường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngành Giáo dục đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả những giải pháp tình thế như chia, tách lớp...
Mỗi lớp không quá 30 học sinh, ngồi cách nhau 1 mét
Thông tin về ngày đầu tiên nối lại các hoạt động giáo dục, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Dầu cho biết, trong buổi học đầu tiên, các trường trên địa bàn (gồm tiểu học và trung học cơ sở) chưa thể dạy ngay bài mới. “Chúng tôi chỉ đạo các trường ưu tiên ổn định lại trường lớp, sau đó củng cố, ôn lại kiến thức căn bản nhất cho học trò”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT nói.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong những ngày đầu đi học trở lại là việc chia tách lớp học. Tối 3.5, ngành Giáo dục nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, bố trí mỗi lớp không quá 30 học sinh.
Việc chia lớp được thực hiện như thế nào? Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Gò Dầu cho biết, bắt đầu ngày 5.5, toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện sẽ thực hiện chia tách lớp. Khi chia tách, số lượng lớp học sẽ tăng gấp đôi, điều này dẫn đến thay đổi lớn về việc bố trí phòng học và đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
Theo thống kê, trong ngày đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ kéo dài, toàn tỉnh có 183.646 trên tổng số 193.273 học sinh, sinh viên đi học, đạt tỷ lệ hơn 95%. Như vậy, tại thời điểm thống kê, còn khoảng gần 10 ngàn học sinh, sinh viên chưa đến trường; trong đó: 45 học sinh bệnh thông thường (đau mắt, viêm họng, rối loạn tiêu hoá, đi khám nghĩa vụ quân sự…), 1 học sinh có người thân từ Campuchia về; còn lại là do bận việc nhà và các lý do khác.. Số liệu vừa nêu chưa bao gồm học sinh trường nghề cũng như học sinh mầm non. |
Trước tình thế khó khăn, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quyết định, ở cấp tiểu học, một nửa lớp (sau khi chia) học vào ngày chẵn, nửa còn lại học ngày lẻ trong tuần (2, 4, 6 và 3, 5, 7). Khi đó, về phía giáo viên, trước đây dạy một tuần 5 buổi, nay chỉ dạy 3 buổi một tuần/lớp, có nghĩa chưa thể thực hiện được trọn vẹn chương trình học.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn phải ưu tiên cho chất lượng dạy học nên các trường phải tính toán để bố trí giáo viên dạy theo đúng kế hoạch. Ở cấp trung học cơ sở, cách làm cũng tương tự nhưng phải ưu tiên cho những môn học cơ bản như Toán, Ngữ văn, tiếng Anh…
“Một số môn học khác, Bộ GD&ĐT đã tinh giản, cắt bớt rất nhiều tiết học. Do đó, không đến mức quá căng thẳng. Trong tình hình hiện tại, phải chấp nhận như vậy”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT nhìn nhận.
Vấn đề khối lượng công việc, cụ thể là tổng số tiết dạy tăng do chia tách lớp, chính sách cho những giáo viên dạy vượt định mức sẽ như thế nào, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Gò Dầu cho biết, trước mắt, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, phải thực hiện, còn chế độ chính sách cụ thể như thế nào chưa rõ. Theo tính toán, ngay cả khi chia tách lớp, số giáo viên thừa giờ rất nhiều.
Tại huyện Bến Cầu, trước mắt, toàn bộ các trường dừng dạy mô hình hai buổi một ngày để có phòng học, vì tổng số lớp tăng lên. “Ở những trường đạt chuẩn quốc gia, số phòng học đủ để bố trí, chỉ có điều ở đây cấp tiểu học học mỗi ngày hai buổi thì nay chỉ học một buổi”- một nguồn tin cho biết. Ở địa phương này, không phải lớp nào cũng tăng gấp đôi, vì việc chia lớp được căn cứ vào tổng số học sinh. Ví dụ, khối 9 có 300 học sinh thì lấy 300 chia cho 30 sẽ thành 10 lớp.
Sáng 4.5, tại Trường THCS Biên Giới (huyện Châu Thành) đã ghi nhận một học sinh nữ lớp 9 sang Campuchia thăm ba mẹ trở về đã vào lớp học. Nhà trường phát hiện nên chủ động đưa học sinh này đến trạm y tế xã. Tại đây, nhân viên y tế xác định em đang sốt, BCĐ xã đã tổ chức cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và báo cáo BCĐ huyện. BCĐ huyện xác định và cách ly 28 người tiếp xúc gần (trong đó có 23 em học sinh cùng lớp). Chiều 4.5, phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trả kết quả xét nghiệm em học sinh trên âm tính. Tuy nhiên, do âm tính lần đầu nên việc cách ly, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm vẫn được tiếp tục thực hiện. Riêng toàn trường, hiện chưa có diễn biến phức tạp, nên trường vẫn tổ chức học bình thường.
Như vậy, sẽ có những trường tổng số lớp sau khi chia chỉ tăng 50% - 60% chứ không tăng gấp đôi, tức 100%. Về chế độ đối với giáo viên sau khi tách lớp, nguồn tin này cho biết, không phải giáo viên nào cũng thừa giờ, kể cả sau khi chia tách lớp, vì trước đó nhiều giáo viên dạy chưa đủ định mức theo quy định.
Một số môn học do số tiết ít, mỗi tuần chỉ 1 hoặc 2 tiết, sau khi tách lớp vẫn không thể thừa giờ. Tuy vậy, vẫn có giáo viên số giờ dạy tăng lên cao, nếu như người đó hằng ngày dạy đủ tiết chuẩn theo định mức.
“Việc chia tách lớp ở những trường có quy mô lớn, số lớp nhiều sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại, vì liên quan đến đội ngũ, số lượng giáo viên”- một ý kiến từ huyện Tân Biên nhìn nhận. Tại địa phương này, không phải lớp nào cũng chia đôi, theo chỉ đạo mỗi lớp không quá 30 học sinh nhưng có những lớp chỉ có 31 em thì không cần thiết phải chia.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, vấn đề kinh phí để tính chế độ, chính sách cho giáo viên phải được tính sớm, vì kinh phí, tài chính đã được phân khai từ đầu năm học. “Không chỉ vấn đề thừa giờ, khi chia lớp, cường độ lao động của giáo viên tăng đột biến, ảnh hưởng sức khoẻ, chuyên môn. Tôi cho rằng việc chia tách lớp chỉ là giải pháp ngắn hạn, tình thế để phòng, chống dịch chứ khó có thể duy trì lâu dài”- một giáo viên nêu ý kiến.
Bà Võ Kim Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường 2, TP. Tây Ninh) thông tin, sáng 4.5, trường sắp xếp cho học sinh khối 6, 7, 9 học buổi sáng, khối 8 học buổi chiều. Trường quyết định cho mỗi lớp chỉ học 1 buổi trong ngày, giảm các tiết phụ đạo, ngoại khoá, thực hiện chào cờ tại lớp học, ngưng hoạt động căn-tin trong trường học.
Còn về việc thực hiện giãn cách 1m trong lớp học rất khó khăn vì học sinh khá đông. Vì vậy, trường áp dụng phương án vẫn cho học sinh ngồi học như bình thường nhưng lớp nào sinh hoạt lớp đó, hạn chế tiếp xúc với các lớp khác, có biện pháp kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp học, và tăng cường giám sát y tế tại trường.
Đến chiều 4.5, nhận được chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trường thay đổi lịch học cho các em bắt đầu từ ngày 5.5.2020, buổi sáng khối 6, 9 và buổi chiều khối 7, 8 để bảo đảm giãn cách học sinh theo quy định.
Các biện pháp để phòng, chống dịch Covid- 19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, chuẩn bị nước rửa tay, học sinh đem theo nước uống, căn-tin nhà trường chưa hoạt động… tiếp tục được quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Có đơn vị còn lắp đặt hệ thống nước rửa tay, xà phòng trong khuôn viên sân trường để phục vụ học sinh.
Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (phường 3, TP. Tây Ninh), nhà trường đã chuẩn bị nước rửa tay, đo thân nhiệt cho học sinh tại cửa lớp. Các lớp học vẫn giữ nguyên sĩ số, mỗi học sinh ngồi 1 bàn, thực hiện đúng giãn cách 1m theo quy định.
Thầy Lê Bá Thơm- Phó Hiệu trưởng cho biết, toàn trường có 947 học sinh, mỗi lớp trung bình có 35 em và số lớp học bảo đảm. Vì vậy, việc bố trí mỗi em ngồi 1 bàn để bảo đảm giãn cách 1m theo quy định trường có thể thực hiện được. Đồng thời, trường cũng sắp xếp hầu hết các lớp đều chỉ học 1 buổi sáng, chỉ có một số lớp có số tiết học còn thiếu thì sắp xếp cho các em học thêm buổi chiều để bảo đảm tiến độ học tập.
Tương tự, vào ngày 3.5, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh yêu cầu phụ huynh đưa học sinh quay lại trường học để nhận phòng ký túc xá, dọn dẹp phòng ở, lớp học trước khi đi học trở lại. Đồng thời, nhà trường kiểm tra sức khoẻ, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường.
Theo đại diện Ban giám hiệu trường, trường có số lượng học sinh không nhiều, chỉ hơn 500 học sinh. Mỗi lớp học trung bình 25 em, việc thực hiện giãn cách được trường thực hiện khá dễ dàng, mỗi em ngồi một bàn, bảo đảm khoảng cách 1m theo quy định.
Đồng thời, với đặc thù các em học sinh là người dân tộc thiểu số phải học xa nhà, ở ký túc xá trong khuôn viên trường, sắp xếp thời gian ăn uống giãn cách nhau 10 phút một khối lớp để bảo đảm không tập trung quá nhiều học sinh trong một thời điểm.
Tuy nhiên, trường gặp một số khó khăn như khu ký túc xá của trường không đủ phòng để giãn cách học sinh nên nhà trường vẫn cho học sinh giữ nguyên số lượng học ở trong một phòng nhưng tăng cường các biện pháp kiểm tra sức khoẻ, giám sát sức khoẻ của học sinh và đặc biệt nhắc nhở các em học sinh tránh tiếp xúc đông người hay đi vào vùng dịch khi về nhà vào cuối tuần.
Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh) đo thân nhiệt cho học sinh trước cổng trường. Ảnh: Ngọc Bích
Dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến
Ở cấp THPT, đại diện một trường trên địa bàn thị xã Hoà Thành cho biết, việc chia tách lớp ở đơn vị này được thực hiện bằng cách một lớp học được chia làm hai phòng. Giáo viên dạy trực tiếp một phòng, phòng còn lại (50%) học trực tuyến bằng cách bố trí một màn hình có nối mạng internet.
Cách chia lớp “sáng tạo” này có cái lợi là, vẫn một giáo viên dạy, số tiết dạy không thay đổi so với khi chưa chia lớp. Tuy nhiên, quyền lợi của học sinh khó được bảo đảm, vì một nhóm học trực tiếp với thầy cô trong khi nhóm ở phòng bên cạnh chỉ học qua màn hình.
“Để bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho học sinh, chúng tôi quyết định bố trí theo kiểu luân phiên, hôm nay nhóm này học trực tiếp thì hôm sau học trực tuyến qua màn hình, cứ như thế cho đến khi có chỉ đạo mới”- lãnh đạo trường THPT này cho biết.
Tuy nhiên, ý kiến này cũng chỉ ra, cách làm như trên chỉ có thể thực hiện được ở những trường có điều kiện, cụ thể là đủ số phòng học và hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ. Với những trường thiếu phòng học, không còn cách nào khác, khi chia tách lớp thì tổng số tiết dạy tăng mạnh. Ví dụ trước đây mỗi giáo viên chỉ dạy 17 tiết (theo quy định) nay tăng gấp đôi. Lúc đó, số thừa giờ của giáo viên sẽ rất nhiều, vị này phân tích.
Tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19, ngày 4.5, Sở GD&ĐT có công văn gửi các đơn vị trường học thực hiện hai nội dung quan trọng. Một, lãnh đạo các đơn vị, trường học (nhất là 5 huyện, thị xã có đường biên giới) tổ chức thống kê, lập danh sách những học sinh từ Campuchia về nhập học, trong dó khai thác, làm rõ các yếu tố dịch tễ. Hai, báo cáo với chính quyền và ngành y tế địa phương danh sách học sinh nêu trên để tổ chức cách ly 14 ngày đối với các trường hợp chưa được cách ly theo quy định.
Tại Châu Thành, đại diện Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, sau khi chia lớp, nhà trường đã bố trí được giáo viên, sắp xếp được thời khoá biểu. Mặc dù vậy, có nhiều giáo viên tổng số tiết dạy tăng cao, có trường hợp phải dạy 8 - 9 tiết trong một ngày. Tại đơn vị này, ngày đầu tiên đến trường, số học sinh vắng rất ít, trong số gần 2.000 học sinh, chỉ có 12 em vắng mặt. “Nghỉ học dài ngày rồi, bây giờ học sinh cũng không muốn ở nhà nữa”- nguồn tin cho biết.
Cũng ở cấp học này, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, do số lượng học sinh không quá đông nên việc chia tách lớp thực hiện được, bố trí đủ phòng học. Chuyện thừa giờ của giáo viên, đại diện nhà trường bày tỏ, trước mắt vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, khi nào có hướng dẫn thì nhà trường sẽ thực hiện. Do số lớp học không nhiều nên không phải giáo viên nào cũng thừa giờ.
Tại thành phố Tây Ninh, lãnh đạo một trường THPT bày tỏ, do quy mô trường lớp khá lớn nên việc chia lớp thật sự nảy sinh không ít vấn đề, trong đó có việc bố trí phòng học, phân công chuyên môn cho giáo viên thực hiện. “Đơn vị chúng tôi chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên số giờ dạy tăng rất cao, chưa biết tới đây chính sách cho những người dạy vượt tiết sẽ như thế nào, vì quy định mỗi năm tổng số giờ thừa không được quá 200 tiết”- đại diện đơn vị này băn khoăn.
Ưu tiên học sinh đầu cấp, cuối cấp
Sau những biến động, xáo trộn do dịch bệnh Covid- 19, việc tinh giản chương trình, rút ngắn thời gian học cho đến việc chia lớp (dù chỉ tạm thời) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học. Điều này không ai mong muốn, song tính mạng, sức khoẻ con người là trên hết nên dù có bất tiện cũng đành phải chấp nhận. Một vấn đề cần quan tâm lúc này, theo phân tích của giới chuyên môn, là cần quan tâm đến học sinh đầu cấp và cuối cấp.
Trước hết, đối với học sinh đầu cấp tiểu học, sau khi hoàn thành chương trình học kỳ một và được hai tuần của học kỳ hai rồi nghỉ cho đến nay, nhiều em học sinh lớp 1 có dấu hiệu quên… chữ.
Sáng 4.5, ngày đầu tiên đi học trở lại, được lãnh đạo một trường tiểu học tạo điều kiện, nhóm phóng viên trực tiếp quan sát, lắng nghe xem học sinh lớp 1 học như thế nào, tốc độ đọc ra sao sau thời gian dài nghỉ học.
Kết quả ghi nhận (có cả giáo viên cùng tham gia kiểm tra việc đọc của học sinh) cho thấy, một số em gần như không còn nhớ những gì đã học hoặc chỉ nhớ mang máng. Bằng cách “kiểm tra nhanh” một số học sinh ở hai lớp 1, kết quả cho thấy, có em không đọc được hoặc đọc được nhưng đánh vần rất khó khăn.
Có trường hợp đánh vần nhưng phát âm sai cả dấu (thanh điệu) từ “lá” đọc hai ba lần vẫn ra từ “là”. Phải khó khăn lắm em học sinh này mới phát âm đúng. “Do nghỉ học nhiều ngày, một số gia đình không chú trọng việc học của các cháu nên bỏ bê việc ôn tập, vì vậy học sinh quên. Chúng tôi đang cố gắng ôn lại kiến thức cho học sinh”- giáo viên chủ nhiệm lớp giải thích về việc học sinh đọc chưa thông.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú giãn cách học sinh 1m tại lớp học. Ảnh: Ngọc Bích
Buổi chiều cùng ngày, một trưởng phòng giáo dục yêu cầu giáo viên lớp 1 của các trường trên địa bàn kiểm tra xem học sinh đọc như thế nào. Sau khi kiểm tra, giáo viên báo cáo với vị trưởng phòng, nhiều em đã quên mất mặt chữ và đọc thật khó khăn.
Những học sinh quên mặt chữ, khó khăn trong việc đọc phần lớn là học sinh vùng nông thôn. Củng cố lại kiến thức cho học sinh lớp 1 cần được xem là sự quan tâm, là ưu tiên hàng đầu hiện nay, dù trước đó ở bậc học mầm non, đa số học sinh đã học chữ.
Ngoài lớp 1 (lớp đầu cấp), lớp 9 và lớp 12 là hai lớp cuối cấp THCS và THPT cũng cần được ưu tiên. Trong đó, đối với học sinh lớp 9, sau khi kết thúc năm học này, nếu tiếp tục học lên THPT, các em có hai lựa chọn, dự thi hoặc tham gia xét tuyển vào lớp 10.
Liên quan đến chế độ chính sách khi phải làm gấp đôi khối lượng công việc, có ý kiến bình luận, giáo viên, cán bộ thuộc hệ thống trường công lập có thể chia sẻ với những khó khăn của nhà nước, chưa nên đặt nặng chuyện thừa giờ. Bởi vì, trong suốt một thời gian dài, trong khi đại bộ phận giáo viên ngoài công lập không có thu nhập thì giáo viên trường công lập vẫn nhận đầy đủ chế độ.
Những học sinh nào dự tuyển vào những trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, tình hình không đến mức căng thẳng. Nhưng thí sinh nào muốn dự thi vào 6 trường THPT tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển thì cần đầu tư nhiều thời gian, công sức.
So với học sinh lớp 9, học sinh lớp 12 (cuối cấp THPT) mới là điều đáng được quan tâm nhất vì liên quan đến thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển hoặc xét tuyển vào đại học. Tối 4.5, Sở GD&ĐT cũng có chỉ đạo các đơn vị trường học phải đặc biệt ưu tiên, quan tâm thoả đáng đến việc dạy học đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.
Điều này hoàn toàn lợp lý, chính đáng vì đây là năm học cuối cùng của bậc học phổ thông, học sinh lớp 12 đang trước ngưỡng cửa của việc lựa chọn tương lai, con đường học vấn để lập thân lập nghiệp.
Việt Đông - Hà Quang - Ngọc Bích