Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về giá thịt heo hơi
Thứ tư: 00:14 ngày 17/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại biểu Phương cho biết, cử tri cũng phản ánh giá heo hơi tăng cao ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng (khi giá thịt heo hơi thấp thì kêu gọi người tiêu dùng giải cứu, nay ai giải cứu người tiêu dùng); một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để trục lợi nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời nhằm ổn định thị trường thịt heo.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.

Qua phản ánh của cử tri về tình hình giá thịt heo hơi tăng cao, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Theo đại biểu Phương, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bằng nhiều biện pháp phải kéo giảm giá thịt heo hơi xuống 70.000 - 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chẳng những không giảm mà giá thịt heo còn tăng cao ở mức kỷ lục, có nơi đã vượt mức 100.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, cân đối nền kinh tế, nhất là khi kinh tế - xã hội nước ta đang bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đồng thời, đại biểu Phương cho biết, cử tri cũng phản ánh giá heo hơi tăng cao ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng (khi giá thịt heo hơi thấp thì kêu gọi người tiêu dùng giải cứu, nay ai giải cứu người tiêu dùng); một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để trục lợi nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời nhằm ổn định thị trường thịt heo.

Đại biểu Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết đâu là nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng trên và kéo dài khá lâu. Trong phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có những giải pháp gì để xử lý vấn đề nêu trên một cách căn cơ?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Phương như sau:

- Về giá heo hơi trong nước hiện nay vẫn đang ở mức cao, chưa giảm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như chưa như mong muốn của người tiêu dùng, do mất cân đối cung cầu vì các nguyên nhân chính sau:

Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP): Bệnh DTHCP là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi heo, bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh; giải pháp phòng bệnh duy nhất là chăn nuôi an toàn sinh học.

Ở nước ta, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP; kết quả giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất có thể, với tổng cộng 5,99 triệu con heo buộc phải tiêu huỷ, sản lượng 9,6%; đến nay đã có trên 99% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi heo tái đàn, tăng đàn.

Sau khi dịch qua thời cao điểm, Bộ đã chỉ đạo tổ chức tái đàn, khôi phục đàn heo; hướng dẫn các địa phương vừa chống dịch vừa mở rộng quy mô đàn heo tại những cơ sở, vùng an toàn dịch nhằm duy trì cơ số đàn giống và đáp ứng nguồn cung heo thịt tối đa cho nhu cầu thị trường, nhất là trong dịp Tết Canh Tý; tổng kết, phổ biến và nhân rộng các mô hình (nông hộ và trang trại) chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc giết mổ, lưu thông, tiêu thụ heo sạch và con giống trong sản xuất và tái đàn khôi phục sản xuất…

Tuy nhiên, từ tháng 5-9.2019, do phải tiêu huỷ số lượng tương đối lớn, thời gian thay đàn, tăng đàn dài, đến tháng 6.2020 mới có sản phẩm thịt heo của việc tăng đàn, tái đàn; dự kiến cuối quý III và đầu quý IV/2020 sẽ có đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành liên quan đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 67 ngàn tấn thịt heo (năm 2019) và trong 5 tháng đầu năm 2020 cũng đã nhập khẩu trên 70 ngàn tấn, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Về bất cập khâu trung gian: do đặc thù của hoạt động giết mổ và tiêu thụ thịt heo của nước ta còn rất nhiều bất cập, với trên 27 ngàn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, và người tiêu dùng quen sử dụng thịt nóng mua từ các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm… người giết mổ nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn thường mua heo thịt của người chăn nuôi trong vùng, phần lớn là hộ chăn nuôi.

Hiện nay, khó tiếp cận được nguồn thịt heo của các trang trại, công ty lớn, buộc phải mua qua thương lái càng lớn càng làm phát sinh thêm nhiều tầng nấc trung gian, làm tăng thêm giá dịch vụ, trong đó còn có cả hiện tượng đầu cơ thổi giá lên cao.

- Với những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp đề ra các giải pháp trong thời gian tới:

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh DTHCP, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là vì mầm bệnh lưu hành nhiều, trong khi chưa có thuốc, vắc-xin phòng bệnh nên nguy cơ tái dịch vẫn còn rất lớn.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ, chi trả kinh phí cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTHCP; có chính sách hỗ trợ đất đai, mặt bằng, nhất là chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ; hỗ trợ tín dụng; tiếp tục nhập khẩu heo giống để tổ chức tăng đàn, tái đàn.

Tiếp tục nhập khẩu thịt heo. Phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tăng cường tìm nguồn hàng bảo đảm nhập đủ 100.000 tấn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo cơ quan Thú y chủ động, tích cực đàm phán với các nước trong khu vực để nhập khẩu heo thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh về Việt Nam để giết mổ, tăng nguồn cung ra thị trường.

Đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện “kiện toàn, củng cố hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật” theo tinh thần kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Làm tốt công tác thông tin, truyền thông về nguồn cung thịt lợn, lợn giống để người sản xuất, người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng thịt heo nóng và chuyển sử dụng các loại sản phẩm vật nuôi khác vừa bảo đảm khoa học dinh dưỡng vừa giảm áp lực cho ngành chăn nuôn heo.

Kim Chi

(lược ghi

Tin cùng chuyên mục