BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Cập nhật ngày: 17/03/2022 - 10:06

BTNO - Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, buổi chiều 16.3, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành như quy hoạch, quản lý, đấu giá, các hợp đồng chuyển nhượng, sử dụng đất, việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải công nghiệp, xử lý chất thải rắn sinh hoạt...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT có 24 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận trực tiếp về các nội dung trên.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề xử lý chất thải y tế của người nhiễm Covid-19 và chất thải y tế nói chung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế.

Ngành Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành TN&MT hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom. Bộ TN&MT đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành Y tế thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ TNMT phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý. Cho đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn.

Về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên để tái sử dụng, tái chế có hiệu quả. Về công nghệ xử lý, trong năm nay, Bộ TN&MT sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, để nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn, có cách thức xử lý phù hợp biến rác thành phân bón hoặc chuyển hoá thành biogas, điện.

Trong buổi chất vấn bộ trưởng Bộ TNMT chiều 16.3, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là tình trạng “thổi” giá đất, gây “sốt đất” ảo; trách nhiệm và giải pháp của Bộ để ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi cá nhân. Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng “bắt tay ngầm” trong đấu giá đất, “thổi” giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng “thổi” giá, mà còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.

Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu, cụ thể như: trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, “móc ngoặc” hoặc đe doạ người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Đối với việc “thổi giá” đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Đây là hiện tượng có thật. Trong điều kiện dịch Covid-19, nhiều người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản vào đất, khi đất lên giá phi mã, ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng thực tế xu hướng này không mang lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, phải kiểm soát được dự án đầu tư khả thi, lộ trình dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phải lấy nhu cầu thực của bất động sản làm nhà ở để quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải bảo đảm tính toán cân bằng cung - cầu thị trường bất động sản”.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 16.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: “Việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn của UBTVQH là rất đúng, trúng, các vấn đề có tính thời sự cấp bách, quan trọng, cơ bản và lâu dài. Mặc dù được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH trên cả nước, nhưng phiên chất vấn và trả lời chất vấn vẫn tạo được sự tương tác giữa người hỏi và người trả lời, thể hiện tinh thần trách nhiệm, dân chủ, đáp ứng yêu cầu đặt ra”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước UBTVQH và cử tri cả nước; các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện; các vị ĐBQH giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân và tích cực giám sát việc thực hiện các chính sách trên thực tế.

Phương Thuý