Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:
Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhiều vấn đề bức xúc về Giáo dục - Đào tạo
Thứ năm: 10:08 ngày 12/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Ngày 11.6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém trong giáo dục đại học, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, hiệu quả của việc phân luồng học sinh, tình trạng học sinh mầm non bị bạo hành… Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn về việc xây dựng xã hội học tập, sự khập khiễng giữa hai hệ giáo dục cơ bản và giáo dục thường xuyên, quan điểm của Bộ về vấn đề rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông…

Trả lời chất vấn của các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, như thế trong 5 năm có 2.000.000 người tốt nghiệp, nếu con số thống kê 72.000 người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm là đúng, thì tỷ lệ này chỉ là 3,6%.

Vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ có thể khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp khi mà sinh viên học ngành gì, nghề gì do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp làm ở đâu cũng do Nhà nước chỉ định, phân công. Hiện nay khi thị trường lao động đã xuất hiện, đã hình thành, ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thành phần chủ yếu có trách nhiệm phối hợp xử lý từ góc độ cung có chất lượng hơn, và cảnh báo với xã hội về những ngành nghề thiếu, ngành nghề thừa, ở chỗ nào thiếu, chỗ nào thừa. Còn một bộ phận khác là những nhà sử dụng lao động cũng như các thiết chế khác tham gia vào thị trường lao động như trung tâm xúc tiến việc làm, sàn giao dịch việc làm, thị trường lao động cần phải được hoàn chỉnh.

Vấn đề phân luồng học sinh, theo con số thống kê của Bộ GD-ĐT thì phân luồng đã có hiệu quả tốt, biểu hiện cụ thể nhất là số lượng thí sinh đăng ký thi vào các trường đại học, cao đẳng năm nay cũng như năm ngoái so với năm trước giảm, trong khi số lượng vào học nghề tăng lên.

Về vấn đề mầm non, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án mầm non 5 tuổi, Bộ đang tích cực triển khai. Đối với những khó khăn về biên chế, đội ngũ giáo viên, Thủ tướng cũng đã quyết định ở vùng đặc biệt khó khăn, các cô giáo làm ở các trường bên ngoài (dân lập-NV) được xem xét chuyển vào công lập.

Về cơ sở vật chất, thiết bị của mầm non cùng với trường dân tộc nội trú chủ trương của Chính phủ rất đồng tình, ủng hộ, nhưng vì tình hình suy thoái kinh tế, khó khăn chung nên chưa có điều kiện để làm được, chúng ta sẽ tính toán việc này tiếp.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương

Đối với ý kiến của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, phản ánh dư luận xã hội cho rằng hai hệ thống giáo dục cơ bản và thường xuyên đang bị khập khiễng, chương trình giáo dục thường xuyên rút gọn, tổ chức, quản lý giảng dạy chưa tốt nên chất lượng không bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình giáo dục thường xuyên hiện nay có 7 môn học gồm văn, toán, lý, hoá, sinh, sử và địa, đúng như chương trình của phổ thông, không rút gọn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng công nhận chất lượng của giáo dục thường xuyên hiện nay cũng có mức chênh lệch so với giáo dục phổ thông, một phần do chương trình nhưng phần lớn do cách tổ chức, quản lý cũng như chất lượng của đội ngũ giáo viên làm hoạt động giáo dục thường xuyên.

Phương hướng để khắc phục trong thời gian tới khi triển khai chương trình mới thì chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả phổ thông và giáo dục thường xuyên, về cách tổ chức, cách quản lý thì có những giải pháp cụ thể cho phù hợp để tiến tới chỉ có một văn bằng cho cả hai đối tượng này. Như thế có nghĩa cả tổ chức thi sau này là một kỳ thi quốc gia tổ chức, đánh giá chung.

Về ý kiến, nên chăng rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông hệ 12 năm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi Trung ương thảo luận, cân nhắc tất cả các khía cạnh của vấn đề đã cho ý kiến trước mắt giữ ổn định hệ thống 12 năm như hiện nay, và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu việc này.

DUY QUANG

(Lược ghi)

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục