Trong 222 câu hỏi mà ĐBQH gửi tới Thủ tướng và 19 thành viên Chính phủ, nội dung được quan tâm nhiều nhất là chủ trương khai thác bô-xít, quản lý lao động phổ thông nước ngoài, gói kích cầu và đất sân golf. 23 câu hỏi được gửi cho Thủ tướng. Các bộ trưởng Công thương, Lao động - Thương binh - Xã hội và Giáo dục - Đào tạo nhận được nhiều chất vấn nhất.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho hay, đoàn thư ký vẫn đang gửi phiếu xin ý kiến đại biểu để "chốt" danh sách cũng như các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn.
Dự kiến, ngoài Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ có 6 bộ trưởng đăng đàn lần này: Bộ trưởng Lao động, Thương binh - Xã hội, Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Giáo dục - Đào tạo, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Kế hoạch - Đầu tư. Thủ tướng sẽ tham dự và sẵn sàng đối thoại về các vấn đề liên quan.
Có 8 câu hỏi gửi Thủ tướng và các bộ về chủ trương khai thác bô-xít |
"Sao không báo cáo QH sớm?"
Đã có 8 câu hỏi gửi Thủ tướng và các bộ Công thương, Tài nguyên - Môi trường về chủ trương khai thác bô-xít.
Đại biểu Hà Thanh Toàn (TP. Cần Thơ) hỏi Thủ tướng: "Kế hoạch khai thác bô-xít ở Tây Nguyên được Trung ương Đảng có Nghị quyết từ rất sớm. Tại sao khi Chính phủ triển khai không báo cáo và xin sự đồng thuận sớm từ Quốc hội? Dư luận xã hội và các nhà khoa học không đồng tình vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là môi trường và hiệu quả. Hiện nay, thông tin về dự án này rất khác nhau, đề nghị Chính phủ có thông báo chính thức trên báo để cử tri yên tâm. Đồng thời, đề xuất Quốc hội xây dựng một chương trình giám sát".
Chưa hài lòng với báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội từ đầu kỳ họp, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) băn khoăn: "Dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên và Đăk Nông 1 đã có đầy đủ các tiêu chí theo Nghị quyết Quốc hội về công trình trọng điểm quốc gia (tính cả công trình xây dựng đường sắt và cảng biển Kê Gà), về vấn đề môi trường, an ninh quốc phòng, đề nghị Thủ tướng giải trình vì sao dự án này không trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư?".
Tương tự, đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Công thương: "Báo cáo Chính phủ về bô-xít gửi Quốc hội đã không dựa vào các tiêu chí dự án công trình quan trọng quốc gia. Trong khi đó, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2001 của Bộ Chính trị đã nêu rõ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng... Còn theo Quyết định 167/2007/QĐ-TTg năm 2007 thì dự án Đăk Nông có nhu cầu vốn đầu tư lên tới trên 31.000 tỷ đồng, chưa kể báo cáo không nói gì về diện tích rừng".
Ông Danh thẳng thắn, việc quy hoạch bô-xít là thẩm quyền Chính phủ, còn dự án bô-xít có một trong các tiêu chí thuộc thẩm quyền QH quyết định chủ trương đầu tư. Báo cáo Chính phủ cũng nói, quy hoạch không phải trình QH nhưng lại không nói rõ dự án bô-xít đã triển khai có hay không các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Chưa kể, còn chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược. "Bộ trưởng giải quyết vấn đề thế nào?".
Một đại biểu khác của Gia Lai, ông Hà Công Long, đề nghị Bộ trưởng phải làm rõ hơn trách nhiệm tham mưu xung quanh các vấn đề trên. Vì theo ông Long, để sản xuất alumin, sẽ phải trưng dụng hàng ngàn ha đất và xây dựng 3 hồ chứa nước lớn, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Các đại biểu còn bày tỏ với Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường lo ngại phá hủy môi trường sinh thái chiến lược, nguồn nước sẽ cạn kiệt.
"Kế hoạch khai thác có tính đến nguồn nước phải sử dụng cũng như cân đối lượng nước ngầm sử dụng cho phát triển kinh tế và đời sống cộng đồng không?", ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) chất vấn.
"Có trục xuất lao động ngoại phổ thông?"
Liên quan đến lao động, việc làm, ĐB mong làm rõ tỷ lệ thất nghiệp và giải pháp cho tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam.
"Có bao nhiêu lao động nước ngoài đang làm việc tại VN? Bao nhiêu lao động được cấp phép, bao nhiêu là lao động bất hợp pháp? Giải quyết số lao động nước ngoài nhập vào Việt Nam bằng đường du lịch rồi ở lại làm việc luôn trong các DN nước ngoài như thế nào?", Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) chất vấn Thủ tướng.
ĐB Trần Du Lịch cũng yêu cầu Bộ trưởng Lao động, Thương binh - Xã hội làm rõ tình trạng lao động phổ thông làm việc trong ngành xây dựng, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra tình trạng lao động nước ngoài vào làm việc trái phép, như đi bằng đường du lịch.
Nhiều đại biểu khác đề nghị thông báo kết quả xử lý vi phạm về sử dụng lao động phổ thông tại DN, chủ trương sắp tới. Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) băn khoăn: "Chúng ta có áp dụng hình thức trục xuất như các nước đã làm với lao động nước ngoài ở Việt Nam hay không?".
Giải pháp cho đất sân golf xây biệt thự?
Một vấn đề nóng khác cũng được đại biểu quan tâm là chuyện lãng phí đất đai, như dự án sân golf lại kinh doanh bất động sản, lãng phí đất "vàng" tại đô thị.
Gửi thẳng vấn đề này tới Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) hỏi:"Có tới 80% diện tích đất sân golf được lấy từ đất nông nghiệp, nhưng chỉ 30% được sử dụng làm sân golf, còn lại để xây nhà vườn, biệt thự, khách sạn. Đầu tư sân golf chỉ phục vụ số ít người giàu, còn số đông nông dân mất đất không có việc làm. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục".
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang), người thường xuyên chất vấn tại các kỳ họp trước về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, cũng đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường làm rõ trách nhiệm: "Cử tri phản ánh cả nước có khoảng 145 sân golf, chiếm gần 50.000 ha đất, trong đó có 2.000 ha có được từ chiếm dụng đất nông nghiệp. Xin hỏi Bộ trưởng, các sân golf được cấp phép có đúng quy hoạch không? Theo dư luận, đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc cấp phép xây dựng sân golf, đó là lợi dụng đất sân golf để kinh doanh bất động sản. Xin Bộ trưởng cho biết chủ trương và giải pháp sắp tới".
Phiên chất vấn sẽ kéo dài 2 ngày rưỡi và sẽ được truyền hình trực tiếp.
(Theo Vietnamnet)