Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chật vật mưu sinh trong mùa dịch
Thứ bảy: 21:41 ngày 07/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của người lao động gặp không ít khó khăn.

Không lương nên lao đao

Trước tình hình học sinh các cấp được cho nghỉ dài hạn vì dịch bệnh, các trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ lao đao vì ngưng hoạt động, giáo viên hợp đồng ở những nơi này cũng chật vật vì thu nhập ảnh hưởng.

Chị Thân Thị Thu Thảo- chủ một Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn Thành phố Tây Ninh cho biết, sau nghỉ Tết, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, chị đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT cho học viên nghỉ học. Đến nay, học sinh đã nghỉ học gần 2 tháng, trung tâm cũng phải đóng cửa chừng đó thời gian.

Thu nhập không có, lại phải đóng tiền mặt bằng và các khoản chi khác hàng tháng khiến cuộc sống chị bị ảnh hưởng không ít. Trong thời gian này, để kiếm thêm thu nhập, chị nhận thêm công việc bán thời gian để xoay sở.

Góc sân trường vắng vẻ của một trường mầm non do học sinh nghỉ học tránh dịch.

“Tôi chỉ mong sao dịch bệnh này sớm qua nhanh để các em học sinh được đi học và trung tâm có thể hoạt động bình thường trở lại”- chị Thảo nói.

Nguồn thu không có, nhưng những chi phí cố định hàng tháng như thuê mặt bằng, trả lãi vay vốn ngân hàng, bảo hiểm xã hội của nhân viên, lương bảo vệ hay tiền điện, internet,… vẫn phải trả đủ là gánh nặng không hề nhỏ đối với Trường Mầm non tư thục T.D (huyện Gò Dầu).

Đại diện nhà trường cho biết, cả giáo viên, nhân viên hiện nay là gần 30 người, trường cũng tính cân đối chi phí hỗ trợ để giữ chân họ trong khoảng thời gian tạm ngưng nghỉ học tránh dịch. “Đây cũng là khó khăn chung rồi, khi nào ngành Giáo dục có thông báo trường sẽ hoạt động trở lại. Hiện tại, chúng tôi vẫn làm đúng theo quy định cử giáo viên trực trường và một số công tác phòng chống dịch trong thời gian học sinh nghỉ học”.

Sau khi về quê ăn Tết, đến nay anh Nguyễn Tấn Minh (huyện Gò Dầu) vẫn chưa quay lại TP.Hồ Chí Minh để làm việc vì trường học nơi anh công tác đã cho học sinh nghỉ học. “Mặc dù không có ở phòng trọ, thế nhưng khoản tiền thuê hàng tháng 2 triệu đồng tôi vẫn phải trả đủ”- anh Minh nói.

Ban giám hiệu, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (thị xã Hòa Thành) trong ca trực trường trong lúc học sinh nghỉ tránh dịch.

Còn anh T.D (TP.Tây Ninh) cho biết, suốt những tháng qua anh phải sử dụng khoản tiền tiết kiệm của bản thân để chi tiêu vì công việc dạy ngoại ngữ ở trung tâm của anh tính theo giờ, nên khi học sinh ngưng học, anh không có khoản lương cố định.

Cùng chung cảnh ngộ, chị N.C, một giáo viên mầm non ở huyện Tân Biên chia sẻ khó khăn khi nghỉ gần 2 tháng không lương. Không thể trụ được thêm nữa, chị đành tìm việc khác để có thu nhập chăm lo cho gia đình.

Buôn bán cũng gặp khó

Dịch Covid-19 bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến ngành giáo dục mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Trong đó, ngành du lịch đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều tiểu thương, cơ sở dịch vụ ăn uống tại các khu du lịch kinh doanh, buôn bán khá ế ẩm.

Anh H., kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đúng ngay mùa du lịch, du xuân, hành hương của người dân nên gây không ít khó khăn cho nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại đây.

Giáo viên trường mầm non vệ sinh khuôn viên trường học khi học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh.

Mặc dù Khu du lịch có nhiều điểm mới thu hút nhưng do đang mùa dịch nên du khách không nán lại ăn uống, picnic hay tụ tập vui chơi giải trí như mọi năm mà chỉ hành hương xong nhanh chóng ra xe về. Điều này khiến cho nhiều hàng quán ế ẩm hơn mọi năm, riêng quán của anh thu nhập ít hơn gần 60% so với năm trước. Hiện tại, anh H. và những người kinh doanh tại Khu du lịch chỉ mong dịch bệnh sớm qua để bà con yên tâm quay lại cuộc sống thường ngày, giúp việc kinh doanh buôn bán trở lại bình thường.

Dịch Covid-19 bùng phát, học sinh các cấp nghỉ dài ngày còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con kinh doanh, buôn bán các dịch vụ xung quanh trường học. Cô Nguyễn Thanh Tâm, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh có quán ăn gần một trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho biết, từ ngày dịch bùng phát, học sinh nghỉ học, cô Tâm quyết định chuyển giờ bán từ buổi sáng thành buổi chiều để bán cho những đối tượng lao động khác, cải thiện thu nhập.

Chung cảnh ngộ, chị Thùy Vân – chủ một tiệm hủ tiếu trên địa bàn thị xã Hòa Thành cho hay, đối tượng khách của chị chủ yếu là học sinh, phụ huynh ghé ăn sáng, khách công sở, dân lao động cũng chỉ lai rai nên khoảng thời gian này doanh thu của quán sụt giảm rõ rệt.

Hàng quán vắng khách tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen.

“Nhiều lúc bán ế quá tôi tính đi làm thêm công việc khác nhưng không tìm được việc phù hợp, nên bây giờ chỉ cố gắng buôn bán cầm chừng, chờ học sinh học trở lại mới may ra”- chị Vân nói.

Anh Trần Minh Nhựt – kinh doanh quán ăn trên đường Nguyễn Văn Rốp (TP. Tây Ninh) chia sẻ, những ngày qua doanh thu của quán không đủ bù lỗ và chi trả lương cho hơn chục nhân viên.

“Không chỉ riêng quán của tôi nhiều chỗ khác cũng đều trong tình cảnh tương tự”- anh Nhựt nói.

Để đối phó với khó khăn chung trong ngành dịch vụ ăn uống thời điểm dịch bệnh, nhiều nơi bắt buộc phải cắt giảm nhân viên, giảm giá hoặc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng mới có thể trụ lại qua thời kỳ kinh doanh khó khăn này.

Ngọc Bích – Hòa Khang

Tin cùng chuyên mục