Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Âu kêu gọi bãi bỏ thuế chống phá giá đối với giày Việt Nam

Cập nhật ngày: 13/10/2009 - 05:33

Ngày 12.10, Tổ chức Thương mại châu Âu kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ hoàn toàn thuế chống phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Tổng Thư ký Tổ chức Thương mại châu Âu Xavier Durieu khẳng định, việc gia hạn các biện pháp trừng phạt này có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu. Tổ chức Thương mại châu Âu yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra bảo đảm rằng việc áp thuế chống bán phá giá sẽ chấm dứt từ tháng 1.2010.

Lời kêu gọi của Tổ chức Thương mại châu Âu được đưa ra sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất này của Uỷ ban châu Âu còn phải được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua mới có hiệu lực từ tháng 1.2010.

Từ tháng 10.2006, Uỷ ban châu Âu bắt đầu áp mức thuế 16,5% đối với giày da của Trung Quốc nhập khẩu vào Liên minh châu Âu và 10% đối với giày cùng loại của Việt Nam như một biện pháp chống bán phá giá. Các biện pháp này dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay. Các nguồn tin châu Âu cho biết, việc Uỷ ban châu Âu áp dụng các biện pháp này là nguyên nhân gây bất đồng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu ở miền Bắc vốn tự do về kinh tế và các nước miền Nam chủ trương bảo hộ các nhà sản xuất nội khối.

Từ đầu tháng 9 vừa qua, Hiệp hội ngoại thương châu Âu (FTA), tổ chức đại diện cho các nhà nhập khẩu và bán lẻ châu Âu, đã hối thúc Liên minh châu Âu huỷ bỏ các hình thức áp thuế chống bán phá giá nhằm vào giày da của Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà phân phối các sản phẩm này cũng tố cáo biện pháp đó gây thiệt hại lớn đối với các nhà nhập khẩu, cũng như các nhà phân phối và người tiêu dùng của Liên minh châu Âu, đồng thời cho rằng đây không phải là biện pháp giải quyết tình trạng các nhà sản xuất châu Âu gặp khó khăn khi cạnh tranh với các nhà sản xuất của Việt Nam và Trung Quốc.

(Theo TTXVN)