Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khi Nhà nước chủ trương mở rộng làm đường 781, đoạn đi qua thị trấn Châu Thành, người dân chấp hành đồng ý ký tên giao đất và hy vọng được ưu tiên lãnh tiền đền bù. Tuy nhiên, do chờ đợi quá lâu nên họ gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Nhiều hộ dân cư ngụ tại khu phố 4, thị trấn Châu Thành bức xúc gửi đơn đến Toà soạn Báo Tây Ninh cho biết, khi Nhà nước chủ trương mở rộng làm đường 781, đoạn đi qua thị trấn Châu Thành, họ chấp hành đồng ý ký tên giao đất và hy vọng được ưu tiên lãnh tiền đền bù. Tuy nhiên, chờ đợi quá lâu nên họ gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Làm đường trước, hứa đền bù sau?
Khoảng 50 hộ dân cư ngụ trên tuyến đường 781, đoạn từ ngã tư Tam Hạp đến ngã tư thị trấn huyện Châu Thành, thuộc khu phố 4, thị trấn Châu Thành cho biết, vào năm 2004, huyện Châu Thành có chủ trương mở rộng làm đường 781 trên đoạn đường trên, UBND huyện đã mời các hộ dân đến họp. Tại cuộc họp này, UBND huyện thông báo cho biết, chủ trương của huyện là mở rộng đường 781, khu vực gần trung tâm huyện (còn gọi là đường chính), thuộc địa bàn khu phố 4, thị trấn Châu Thành nhằm tạo bộ mặt khang trang cho cửa ngõ ra vào trung tâm huyện Châu Thành. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên huyện vận động người dân đồng ý làm đường trước đền bù sau. Theo UBND huyện, đoạn đường cũ là 5,5m sẽ mở rộng mỗi bên thêm 2,5m thành đường bê tông nhựa với chiều ngang cả con đường là 10,5m. Vì lợi ích chung, người dân đồng tình. Cũng tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thanh Bình, lúc này là Phó Chủ tịch UBND huyện kêu gọi mọi người ủng hộ Nhà nước làm đường, ai đồng ý ký tên, sau này sẽ được ưu tiên đền bù. Một số bà con, trong đó có Trưởng khu phố 4 là ông Trần Hữu Liêm nhất trí với chủ trương của huyện nên đồng ý ký tên, còn một số bà con khác thấy việc làm đường trước đền bù sau “khó có khả năng thực hiện” nên không ký tên. Ông Trần Huy Linh, người trực tiếp tham dự cuộc họp này không đồng ý phương án làm đường trước đền bù sau như nêu trên, bức xúc nói với PV: “Phần lớn đất của người dân đều có giấy đỏ, đáng lý ra khi làm đường, huyện phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật là đền bù nếu đường lấn vào đất dân. Chủ trương của huyện chỉ có một số người đồng tình mà huyện vẫn làm. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại nhiều lần, nhưng huyện vẫn chưa xem xét giải quyết. Thậm chí, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo huyện phải giải quyết theo quy định mà đến nay huyện vẫn chưa chấp hành”.
Theo người dân, vào năm 2008, trong một cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành – ông Nguyễn Quốc Dũng chủ trì, ông Dũng lại tiếp tục vận động người dân khu phố 4, thị trấn Châu Thành hiến đất để huyện làm vỉa hè, mỗi bên là 6m. Tuy nhiên, một số người dân đã phản đối, vì trước đây lời hứa của lãnh đạo huyện chưa thực hiện việc đền bù cho dân khi giải toả làm đường, thì nay họ không đồng ý hiến đất làm vỉa hè.
Trong khi chưa giải quyết khiếu nại cho người dân thì ngày 17.6.2010, UBND Thị trấn cho một đoàn công tác đến cưỡng chế thực hiện việc lót gạch vỉa hè trên đoạn đường trên. Nhiều người dân đã kéo đến cản trở thi công, buộc đoàn công tác phải tạm hoãn thi hành.
Hiện tại, nhiều người dân đã có đơn khiếu nại gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND tỉnh. Các cơ quan trên cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Châu Thành xem xét giải quyết.
Vì sao các hộ dân trên bức xúc gửi đơn khiếu nại nhiều nơi? UBND huyện Châu Thành lý giải như thế nào về những vấn đề nêu trên?
![]() |
Người dân KP 4, thị trấn Châu Thành bức xúc trình bày vụ việc |
Nhiều thắc mắc chưa được chính quyền giải thích
Theo các hộ dân cư ngụ tại khu phố 4, thị trấn Châu Thành, lý do mà họ bức xúc khiếu nại là vào năm 2008, trên tuyến đường 781, đoạn từ ngã ba Tam Hạp về hướng Thị xã, khi Nhà nước giải toả mặt bằng làm đường, các hộ dân nơi đây đều được đền bù về đất. Nhưng không hiểu sao, đoạn đường từ ngã ba Tam Hạp về thị trấn Châu Thành, khi làm đường vào năm 2004, lãnh đạo huyện Châu Thành nói giao đất cho Nhà nước làm đường trước, sẽ đền bù sau mà vẫn không thấy đền bù. Vì vậy, khi huyện Châu Thành triển khai giai đoạn 2, làm vỉa hè mỗi bên 6m, họ quyết liệt ngăn cản. Ngoài các hộ dân khiếu nại về nội dung trên, bà Nguyễn Nguyệt Nữ, ngụ tổ 2, khu phố 4, thị trấn Châu Thành cho rằng gia đình bà sử dụng diện tích 3.325,3m2 đất được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ nhưng khi làm đường chính của huyện và đường liên xã Thái Bình – Thị trấn làm mất của bà 397,32m2 chỉ đền bù trên 34 triệu đồng, trong khi đó, một hộ khác gần nhà bà Nữ diện tích đất ít hơn nhưng lại đền bù cả 100 triệu đồng. Bà con cũng thắc mắc trường hợp của ông Nguyễn Viết Nhân, ngụ trên tuyến đường này, lại được huyện đền bù đất khoảng 14,5 triệu đồng.
Trong quá trình khiếu nại, người dân còn thắc mắc, không hiểu sao trong khi chưa giải đáp thắc mắc về việc giải toả không đền bù thì ngày 24.6.2009, Phòng TN & MT huyện lại ra công văn yêu cầu các hộ dân khu vực giải toả làm đường phải nộp giấy CNQSDĐ để “điều chỉnh hiện trạng sử dụng đất”. Theo bà con, thực chất của công văn này là Phòng TN & MT muốn ngang nhiên cắt phần đất 6m trong giấy CNQSDĐ mà UBND huyện công nhận cho họ.
Đa số người dân đồng tình hiến đất làm đường
Trả lời những thắc mắc nêu trên của bà con khu phố 4, thị trấn Châu Thành, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho chúng tôi biết: Chủ trương làm đường của huyện được đa số người dân thị trấn Châu Thành đồng tình. Trong 456 hộ gia đình trên tuyến đường giải toả làm đường, hầu hết người dân đồng tình hiến đất làm đường, làm vỉa hè, chỉ có 38 hộ dân chưa ký biên bản (có người không đồng ý, có người không dự họp). Trong 38 hộ dân này, có 5 hộ là đất Nhà nước hoá giá bán lại cho dân, đã trừ phần lộ giới 6m. Hiện nay, qua làm việc chỉ còn 16 hộ không đồng ý cho huyện làm vỉa hè. Theo ông Dũng, việc bà con so sánh người dân trên tuyến đường 781, ở xã Thái Bình được đền bù là không đúng. Năm 2004, do khó khăn về kinh phí nên huyện vận động hiến đất làm đường, phần lớn bà con đồng tình, chỉ có một số hộ không đồng ý. Vì vậy, năm 2005, huyện tiến hành làm xong con đường với chiều dài 2.652m, chiều ngang 22,5m. Huyện đã tiến hành xây gờ vỉa hè 6m, nhưng do không có kinh phí nên việc lót gạch vỉa hè đành để lại cho đến nay. Trong thời gian thi công con đường, người dân không cản trở hay khiếu nại gì. Chỉ đến khi vào năm 2008, tỉnh tiến hành giải toả làm đường 781, đoạn từ ngã ba Tam Hạp về hướng Thị xã, người dân khu phố 4, thị trấn Châu Thành mới “so bì” và có đơn khiếu nại. Bà con hiểu nhầm rằng, cùng chung đường 781 mà khi làm đường, nơi đền bù, nơi không là chưa đúng. Bởi vì, đoạn đường 781 từ ngã ba Tam Hạp đến ngã tư huyện Châu Thành, trước đây là đường 781, nhưng sau đó tỉnh đã giao cho huyện, nên thường gọi là đường chính của huyện (vào trung tâm huyện). Việc giải toả làm đoạn đường này vào năm 2004, theo tinh thần người dân hiến đất, nên không có đền bù. Riêng đoạn đường từ ngã ba Tam Hạp về phía Thị xã, do tỉnh thực hiện (thời điểm năm 2008), nên có chính sách đền bù đất. Hai đoạn đường khác nhau do hai chủ đầu tư thực hiện ở hai thời điểm khác nhau, áp dụng chính sách khác nhau, nhưng đều đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đường chính của huyện, cách làm của huyện còn một số thiếu sót như: còn một số ít hộ dân chưa ký tên vào biên bản hiến đất làm đường, năm 2009 huyện mới thông báo điều chỉnh giấy CNQSDĐ là chưa phù hợp (thay vì phải làm vào thời điểm 2004, khi người dân đồng ý hiến đất)... Về trường hợp bà Nguyễn Nguyệt Nữ, ông Dũng cho biết, huyện đã có đề nghị gửi Ban quản lý dự án đầu tư, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh xin điều chỉnh đúng giá đường 781 (704.000đ/m2) theo kế hoạch làm đường liên xã năm 2009. Trường hợp của ông Nguyễn Viết Nhân, ông Dũng khẳng định, số tiền mà ông Nhân nhận (17.400.000đ) không phải là tiền đền bù mà là tiền hỗ trợ gia đình khó khăn. Riêng ý kiến phản ánh của bà con về lời hứa “giải toả trước, đền bù sau” của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Bình trước đây, qua kiểm tra biên bản không thể hiện nội dung này.
Tất cả đều vì lợi ích cộng đồng
Về khiếu nại của các hộ dân, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Dũng cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét cụ thể từng trường hợp để giải thích cặn kẽ theo quy định pháp luật, vận động bà con chấp hành để đơn vị thi công lót gạch vỉa hè, vì lợi ích cộng đồng. Trước mắt, để đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị, chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện, huyện sẽ tiến hành làm vệ sinh vỉa hè, các hộ đã đồng tình ký biên bản hiến đất làm đường, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con để huyện lót gạch vỉa hè. Còn đối với 5 hộ gia đình mua đất hoá giá, khi cấp giấy CNQSDĐ, huyện đã trừ phần lộ giới 6m, nên các hộ này không có lý do gì cản trở đơn vị thi công lót gạch vỉa hè.
Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi rút ra một điều, việc vận động người dân hiến đất làm đường vì lợi ích chung cộng đồng của huyện là không sai. Việc làm này, đã được sự đồng tình của phần lớn người dân. Và thực tế việc thi công làm đường đã được triển khai hoàn thành từ hơn 5 năm nay. Tuy nhiên, trong “cách làm và cách nói” của những người thực thi nhiệm vụ còn thiếu sót. Bên cạnh đó, việc chưa rốt ráo giải quyết khiếu nại, giải thích cặn kẽ cho người dân đã gây ngộ nhận, nên tạo ra khiếu nại đông người, gây mất ANTT. Thiết nghĩ, trong vụ việc này, chính quyền và người dân cần “xích lại gần hơn”, cùng chia sẻ những khó khăn. Nếu vì lợi ích cộng đồng, không có vụ lợi cá nhân trong vụ việc này, làm đúng quy định pháp luật thì việc làm đường, lót gạch vỉa hè để bộ mặt của huyện khang trang, phục vụ đời sống người dân thì có lẽ không người dân nào không đồng tình.
ĐỨC TIẾN