Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành- Từ vành đai lửa tới vòng cung xanh (tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 08/06/2022 - 00:14

BTN - Mỗi ngày có hàng chục loại máy bay, bay trên vòm trời Châu Thành, lại còn hàng trăm khẩu pháo, cối, nhiều loại pháo 105, 155, 175mm, pháo phá công sự, pháo lân tinh, cả bom Napal, bom lửa, bom nổ chậm, bom bi…

Những dòng kênh.

Trong bản văn bia đã kể, chỉ còn một chi tiết cần xem xét lại. Đấy là câu: “Ngày 4.3.1966 Huyện uỷ Châu Thành tổ chức hội nghị mở rộng tại Bến Trường, triển khai nghị quyết…”.

Nghị quyết ở đây là của Tỉnh uỷ Tây Ninh về việc thành lập “Vành đai diệt Mỹ” Trảng Lớn. Hội nghị tại Bến Trường, nhưng thời gian vào tháng 3.1966 là không hợp lý. Sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân huyện Châu Thành” do Ban Tổng kết chiến tranh thuộc Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1986 ghi nhận ngày thành lập “Vành đai diệt Mỹ” là 20.9.1965. Còn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005)” (Nxb Chính trị quốc gia, 2010), tuy không nói rõ mốc thời gian của hội nghị này, nhưng nêu rõ quá trình thành lập và tổ chức “vành đai” với các cụm chiến đấu liên hoàn bao vây Trảng Lớn.

Lại có một chi tiết, rằng: “Tháng 11.1965, trận đánh đầu tiên ở cụm 1 trên “Vành đai diệt Mỹ” nổ ra ở Bàu Ràu, Bàu Đưng (xã Thanh Điền)…”. Không lẽ, hội nghị thành lập, tổ chức, phân công nhiệm vụ… lại diễn ra sau khi vành đai đã được thành lập và chiến đấu. Chi tiết kể trên cần phải được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xác định lại.

Còn từ đây, chúng ta cùng trở lại với những trang sử đau thương và quật khởi của quân dân miền đất Châu Thành, để thấy rõ việc hình thành vành đai lửa- Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn là một đòi hỏi thực tế của tình hình cách mạng.

Xin trở lại tháng 10.1965, khi Lữ đoàn 196 thuộc Sư đoàn 25- Tia chớp nhiệt đới lên chiếm đóng vùng Trảng Lớn, nay thuộc xã Thái Bình. Sách đã dẫn (1986) có đoạn: “Tháng 10 năm 1965, “Lữ 196 Mỹ” đã ùn ùn kéo vào Trảng Lớn, kể từ đây Tây Ninh là chiến trường trọng điểm đánh Mỹ, Châu Thành trực tiếp đối đầu với chúng. Giặc Mỹ đến còn kéo theo cả 2.000 tên Phi Luật Tân (vừa là công binh, vừa là cán bộ bình định nông thôn); cả một tiểu đoàn Mai Phọt (bọn biệt kích mang sọ người, từ Trà Vinh đưa lên)…

Chúng vừa xây dựng căn cứ này, vừa thực hiện vành đai phòng thủ từ xa. Chúng cho mở ngay 2 con đường mới hoàn toàn, một con đường từ Tua Hai thẳng đến ngã ba Tầm Long, Xóm Ruộng trải đá đỏ; con đường thứ hai từ ngã ba Mít Một qua rạch Tây Ninh, chạy giữa ruột xã Thanh Điền vào Trảng Lớn… Tại khu vực Trảng Lớn, chúng thiết lập 5 vòng rào, có cả điện tử…

Mỗi ngày có hàng chục loại máy bay, bay trên vòm trời Châu Thành, lại còn hàng trăm khẩu pháo, cối, nhiều loại pháo 105, 155, 175mm, pháo phá công sự, pháo lân tinh, cả bom Napal, bom lửa, bom nổ chậm, bom bi…

Và còn hơn thế nữa, là cả bầy xe tăng, xe bọc thép M113, M41 chà qua xát lại ủi đất, phá rừng…”. Đấy là quang cảnh trên bộ, những vùng ruộng rẫy bao quanh Trảng Lớn đã biến thành “vùng trắng”, vùng “oanh kích tự do”. Nhiều khu rừng trùng điệp, như hàng ngàn mẫu xung quanh Trảng Lớn, hay rừng Thanh Điền, Ninh Điền liên thông với rừng già Quang Hoá nổi tiếng thời các vua chúa Nguyễn cũng bị triệt hạ không thương tiếc.

Ngay cả sông Vàm Cỏ Đông nổi tiếng hiền hoà thơ mộng với bến Tầm Long và các bến đình Hảo Đước, Hoà Hội cũng trở thành dòng sông lửa: “Hàng trăm tàu thuyền, bo bo chiến đấu như một thành phố nổi, đêm đến đèn điện sáng choang như ban ngày, chúng cho rải xăng bột phun lửa đốt sạch hai bên bờ sông…” (Sđd).

Địch có các vành đai phòng thủ từ xa, có đủ đạn bom để biến đất đai rừng rậm thành vùng trắng. Chúng có thể biến dòng sông thành dòng sông lửa, thì quân dân Châu Thành cũng có vành đai diệt địch bao quanh các căn cứ địch.

Vành đai này linh hoạt, bất ngờ, có thể len lách giữa các vành đai phòng thủ của quân thù. Và, để chế ngự, ngăn chặn bạo lực từ sắt thép đạn bom, quân dân miền đất này có một vành đai trút lửa vào đồn giặc.

Những trận nổi bật (trong hàng trăm trận) của “Vành đai diệt Mỹ” Trảng Lớn là: Trận tại đồng Trảng Trai ngày 23.3.1966; trận Bàu Ràu, Bàu Đưng (lần thứ hai) trên xã Thanh Điền vào tháng 5.1966; trận đánh tại vườn mít xã Hảo Đước của cụm chiến đấu số 2; trận tại Bắc Rù và Gò Nổi xã Ninh Điền của cụm chiến đấu số 3 vào tháng 3.1966; trận đánh tại Sa Nghe và Suối Ông Đình thuộc xã Thái Bình của cụm chiến đấu số 4.

Chính trong trận này, đã nổi bật hành động anh hùng của tiểu đội du kích do anh Năm Quẹo chỉ huy. “Ròng rã một ngày, lấy 1 chọi 10, ta đã chống trả 15 đợt xung phong của Mỹ, diệt 37 tên, bắn rơi 1 trực thăng và làm nhiều tên địch bị thương…

Sau trận này, lực lượng vành đai còn đánh quyết liệt với Mỹ ở Bàu Sen, Vịnh, đột kích vào Cầy Xiêng, pháo kích Tua Hai. Riêng trận Bàu Sen, C40 và đội du kích của anh Quẹo đánh với địch suốt ngày, diệt 300 tên Mỹ. Anh Quẹo bị thương đứt 7 khúc ruột, cầm ruột nhét vô rồi cầm súng đánh địch không rời trận địa…” (Lý lịch di tích - Địa điểm lưu niệm Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn).

Đến năm 1972, Mỹ rút quân khỏi căn cứ Trảng Lớn, giao lại cho quân nguỵ Sài Gòn.

Cho đến ngày nay, Châu Thành mới thật sự là vùng đất theo khát vọng của người xưa khi đặt tên làng, tên đất. Những dấu vết hoang tàn, xơ xác gần 60 năm trước nay được sức người và sức sống bất diệt của thiên nhiên xoá sạch. Đi tìm lại những miền đất từng tơi bời trong bom đạn năm xưa giờ chỉ thấy những cánh đồng xanh. Thay cho vành đai lửa là những dòng kênh xanh mát.

Ngay kề bên cổng phụ của doanh trại Sư đoàn 5- nơi có căn cứ Mỹ tại Trảng Lớn năm nào có dòng kênh TN17 chạy qua, đôi bờ xanh ngời cây trái. Nơi đây cũng rất gần với địa điểm lưu niệm vành đai diệt Mỹ, nay thuộc khu phố 1, thị trấn Châu Thành. Tìm về Bàu Ràu, Bàu Đưng nơi diễn ra trận đầu chiến thắng của vành đai; thì Bàu Đưng đã thuộc xã An Bình (mới tách từ xã Thanh Điền).

Nhưng cả hai “Bàu” ấy nay đã thành ruộng lúa óng ả, vàng mơ trong mùa lúa chín. Kề bên Bàu Đưng còn có cánh đồng tràn trề một sắc xanh non óng ả của ruộng lúa đương thì con gái hoặc rực vàng. Kênh TN17 lượn cong như một cánh tay ôm qua xã An Bình khiến các hồ ao nuôi cá của dân lúc nào cũng đầy ắp nước. Chim cò bay về đậu vít cong ngọn tre bên bờ ao để tìm kiếm cái ăn.

Cầu đưa nước sang Hoà Hội.

Kênh Tây dẫn nước từ lòng hồ về qua những Suối Ông Đình, Hảo Đước khiến cho các cánh đồng hai bên bạt ngàn hoa trái, rau củ tươi non. Từ kênh Tây, nước lại tràn về theo các dòng kênh TN17, TN21, TN25 ngang dọc đất Hảo Đước, Vịnh, Bàu Sen…

Toàn những cái tên lẫy lừng năm xưa làm cho quân Mỹ kinh hồn, mất vía. Một trong những dòng kênh ấy nay lại vươn dài qua cây cầu mới bắc ngay sông Vàm Cỏ Đông đưa nước về các xã và huyện Bến Cầu ở hữu ngạn sông…

Lướt theo con đường nối bến Tầm Long sang bên ấp Trường, Hảo Đước để tìm về cây cầu dẫn nước qua sông, thì gặp những ruộng trồng rau màu của bà con xã Trí Bình ngời ngợi một sắc xanh non tuyệt đẹp.

Qua cầu Rỗng Tượng, ngoái nhìn lại thấy một vùng lúa ửng vàng sau những bờ cao su viền đậm đường chân trời, dưới bóng núi Bà màu lam sẫm. Dòng kênh miên man trôi nổi lục bình hoà điệu với sắc màu của lúa ven sông.

Có lẽ tiếc cái không gian sông nước mượt mà còn chưa có ai khai thác cảnh quan, mà ai đó đã tậu một con tàu làm du lịch (tự phát). Vùng đất với các vòng cung non xanh nước biếc này rất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và đang đón đợi những tài năng để khai phá.

Trần Vũ

Tin liên quan
  • Châu Thành- Từ vành đai lửa tới vòng cung xanh 

    Châu Thành- Từ vành đai lửa tới vòng cung xanh

    Xin kể luôn rằng vành đai lửa ấy chính là Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn tại thời điểm gần 60 năm trước. Vào ngày 12.11.2013, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã quyết định xếp hạng đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.