Quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ
Theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực thi hành từ 1/6/2012, Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
|
Ãnh minh họa |
Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
Nguồn hình thành Quỹ bao gồm: phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ (Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương).
Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật cũng là nguồn hình thành Quỹ.
Nội dung chi của Quỹ bao gồm: 1- Chi bảo trì công trình đường bộ; 2- Chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ; 3- Chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ; 4- Các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì và quản lý công trình đường bộ do Hội đồng quản lý quỹ quyết định.
Phân công soạn thảo 12 văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, sẽ có 12 văn bản được soạn thảo, trình ban hành để quy định chi tiết thi hành 5 Luật.
Trong số 12 văn bản trên, có 11 Nghị định và 1 Quyết định nhằm quy định chi tiết thi hành 5 Luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Đo lường; Luật Cơ yếu; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo. Các Luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2012, trừ Luật Cơ yếu có hiệu lực thi hành từ 1/2/2012.
Quy định các đơn vị được kiểm toán
Theo Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: 1- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 2- Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 3- Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 4- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm; doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;...
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng
Theo Nghị định 16/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mức phạt tiền cao nhất với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là 40 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.
Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.0000 - 1 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.
Mức phạt tiền cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc báo nêu về sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi
Báo Thanh niên trong các ngày 5/3/2012 và 27-29/2/2012 đăng loạt bài phản ánh tình trạng sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai gây tác hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Về việc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2012.
Xây dựng cơ chế điều hành Quỹ bình ổn giá điện
Tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về phát triển Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành cơ chế điều hành Quỹ bình ổn giá điện.
Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương có quyết định thành lập các Tổng công ty phát điện trực thuộc EVN trong tháng 4/2012.
Đồng thời, Bộ Công Thương phải chỉ đạo EVN hoàn thành việc chuyển đổi các hợp đồng mua bán điện theo Thông tư 41/2010/TT-BCT trước ngày 30/4/2012.
Định kỳ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương với thanh niên
Tại Thông báo số 69/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương với thanh niên.
Đồng thời, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương, hoàn thành trước ngày 26/3/2012.
Trọng tâm công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2012
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 với chủ đề “Củng cố kiện toàn – Nâng cao nhận thức – Huy động nguồn lực – Tích cực phòng chống”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng Methadone cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy tại 30 tỉnh, thành phố.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới hoạt động cai nghiện ma túy, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý II/2012.
Chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó với thiên tai, lụt, bão
"Chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả" là phương châm của công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) năm 2012 mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tại Thông báo số 88/TB-VPCP.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão trên địa bàn (bao gồm cả vùng hạ lưu các hồ chứa nước), chủ động thực hiện các dự án di dời dân cư, chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết.
Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão; kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí theo phương châm "bốn tại chỗ". Sắp xếp ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ các dự án củng cố, nâng cấp đê điều bảo vệ khu vực trọng điểm, các dự án tiêu thoát nước, chống ngập úng, nhất là đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chinhphu.vn