Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Thứ hai: 05:37 ngày 07/01/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hoàn thành Đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản; không để thiếu hàng sốt giá; mở đợt cao điểm chặn gia cầm nhập lậu đến tháng 2.2013;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần qua.

Hoàn thành Đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản; không để thiếu hàng sốt giá; mở đợt cao điểm chặn gia cầm nhập lậu đến tháng 2.2013;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần qua.

Bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu - Ảnh minh họa

Hoàn thành Đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.

Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.

Đến 2020, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 1,5% GDP

Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Về danh mục hàng dự trữ quốc gia đến năm 2020, Chiến lược xác định 5 nhóm mặt hàng gồm: nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.

Trong đó, mức dự trữ lương thực đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc); sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể.

Mức dự trữ xăng dầu đến năm 2020 là đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000 m3, tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô;...

Không để thiếu hàng, sốt giá

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng hàng hóa để trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đáp ứng đủ, kịp thời mọi nhu cầu hàng hóa của nhân dân, bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả) và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết.

Trong đó, chú trọng việc cung ứng hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, những khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp; tăng cường quản lý giá, thanh tra, kiểm tra việc chấp hàng các quy định về giá và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp, các lực lượng chức năng trung ương và địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, các vi phạm về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng, trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, các tỉnh biên giới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mở đợt cao điểm chặn gia cầm nhập lậu đến tháng 2.2013

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ ngày 27.12 đến hết tháng 2.2013 các lực lượng chức năng phải triển khai đợt hoạt động cao điểm ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không được phép nhập khẩu.

Với Đề án này, phấn đấu đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép từ các tỉnh biên giới vào nội địa để tiêu thụ. Trong đó, trọng tâm và trước hết là các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Trước tháng 3.2012, chấm dứt tình trạng kinh doanh gia cầm và gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép tại các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối Hà Vĩ, Thường Tín, và khu vực Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội.

Tiêu chí vốn đầu tư xác định dự án, công trình quan trọng quốc gia

Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2012/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 49/2010/QH12, dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11 nghìn tỷ đồng trở lên là dự án, công trình quan trọng quốc gia: dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7 ngàn tỷ đồng trở lên là dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Tại Nghị định 03/2012/NĐ-CP quy định cụ thể số vốn đầu tư trên được tính theo thời giá tháng 6 năm 2010; các dự án, công trình khi xem xét đáp ứng tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải quy đổi vốn đầu tư về thời điểm nêu trên theo Hệ số trượt giá.

Hệ số trượt giá được xác định theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê ban hành.

Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ, trong đó quy định cụ thể về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.

Nghị định yêu cầu tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức phải được lập hồ sơ, lựa chọn và bảo quản theo nghiệp vụ lưu trữ và kỹ thuật công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý tài liệu điện tử.

Khi giao nhận tài liệu lưu trữ điện tử, Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử phải kiểm tra tính xác thực, tính toàn vẹn và khả năng truy cập của hồ sơ. Đồng thời, hồ sơ phải bảo đảm nội dung, cấu trúc và bối cảnh hình thành và được bảo vệ để không bị hư hỏng hoặc hủy hoại, sửa chữa hay bị mất dữ liệu.

Hoàn thiện Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo

Tại Thông báo số 431/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện dự thảo phải tập trung đánh giá đúng bản chất và phù hợp với thực tế kinh doanh những thành công, hạn chế trong thực hiện cơ chế mua tạm trữ thóc, gạo thời gian vừa qua; thu thập, củng cố các số liệu liên quan đến sản xuất, thị trường tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm chính xác.
                                                                                                                       Theo
Chinhphu.vn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục