Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Quốc khánh và khai giảng năm học mới; tăng cường cán bộ làm công tác pháp chế; lao động sang Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 19-23.8.2013.
|
Ảnh minh họa |
Đảm bảo trật tự ATGT dịp Quốc khánh và khai giảng năm học mới
Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh cũng là thời điểm các nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới 2013-2014, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, khả năng dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông tăng nguy cơ về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Tại Công điện về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông cùng phối hợp ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao; xây dựng phương án, biện pháp tổ chức, điều tiết giao thông để giải quyết kịp thời khi xẩy ra ùn tắc, ngăn chặn không để xẩy ra ùn tắc kéo dài.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuần tra lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân xẩy ra tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông... Trọng điểm là các tuyến Quốc lộ chính như: 1, 5, 14, 18, 51.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách đường dài và đường thủy. Yêu cầu các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải huy động tối đa phương tiện vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không được tùy tiện tăng giá cước vận chuyển; thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn trước khi phương tiện xuất bến, chỉ sử dụng phương tiện đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để chở khách.
Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế
Nghị quyết phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật nêu rõ, trong thời gian qua, chất lượng công tác xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật cũng như hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch còn chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi chưa cao, có một số văn bản mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, vì có những phản ứng không đồng thuận trong dư luận xã hội.
Để nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, bố trí đủ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác phối hợp, tranh thủ ý kiến chuyên gia trong quá trình soạn thảo.
Đối với các thông tư có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thực hiện đúng quy trình và chủ động lấy ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi ban hành. Bộ Tư pháp cần tăng cường năng lực thẩm định và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật ban hành hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi cao.
Lao động sang Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng.
Người lao động thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài có nhu cầu thì được vay tối đa 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ.
Người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, người lao động bị chết trong thời gian làm việc theo hợp đồng hoặc phải về nước trước hạn do điều kiện khách quan (thiên tai, ốm đau, tai nạn...), người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) sẽ được hoàn trả cho người lao động sau khi đã trừ các chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).
Người lao động về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra (nếu có); nếu còn thừa được trả lại cho người lao động; nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.
Người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) không phải hoàn trả cho người lao động. Số tiền ký quỹ này được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương.
Người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ mà bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để trả khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời gian thí điểm thực hiện việc ký quỹ là 5 năm, kể từ ngày 21.8.2013.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý 4 trạm thu phí
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý đối với 4 trạm bán quyền thu phí gồm 3 trạm trên quốc lộ 1 và 1 trạm trên quốc lộ 18.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng thu phí từ 0 giờ ngày 1.9.2013 đối với trạm thu phí Phù Đổng - Quốc lộ 1.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý phương án mua lại quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại và kinh phí mua lại trạm như kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải. Sau đó ngân sách nhà nước sẽ cân đối, cấp hoàn trả lại cho Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để có kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Đối với trạm thu phí Bàn Thạch - Quốc lộ 1, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển thành trạm dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT Hầm Đèo Cả từ 0 giờ ngày 1.9.2013.
Về phương án mua lại quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại của trạm thu phí Bàn Thạch, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện như nguyên tắc đã tính toán đối với trạm thu phí Phù Đổng trên, từ đó đưa vào tính toán trong phương án tài chính của dự án BOT hầm Đèo Cả.
Đối với trạm thu phí Hoàng Mai - Quốc lộ 1 và trạm thu phí Bãi Cháy - Quốc lộ 18, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Nhà đầu tư đề nghị Bộ Tài chính giới thiệu một tổ chức định giá có tư cách pháp nhân, Bộ Giao thông vận tải tiến hành ký Hợp đồng đối với tổ chức này để xác định giá mua lại quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại của 2 trạm thu phí này.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí kinh phí mua lại và kinh phí thuê tổ chức định giá đối với 2 trạm thu phí này từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Phụ cấp thâm niên nghề dự trữ quốc gia
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia, công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Người làm công tác dự trữ quốc gia nêu trên có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Ngoài phụ cấp thâm niên, Nghị định nêu rõ, người trực tiếp làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách; người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% áp dụng đối với công chức thuộc các ngạch chuyên ngành dự trữ quốc gia.
Mức phụ cấp ưu đãi bằng 15% áp dụng đối với công chức thuộc các ngạch khác trực tiếp làm nhiệm vụ tại Chi cục dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách; người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Không mặc áo phao phạt đến 200 nghìn đồng
Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa đã được Chính phủ ban hành, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 -100.000 đồng.
Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Mang hành lý thuộc hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách; gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.
Nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 11 tỷ USD vào năm 2020
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến 2020, tổng sản lượng thủy sản khoảng 7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản khoảng 11 tỷ USD. Đến 2030, các con số này tăng lên khoảng 9 triệu tấn và 20 tỷ USD.
Đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản 2,4 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản 2,2 triệu tấn, sản lượng khai thác nội địa 0,2 triệu tấn.
Đồng thời, sẽ quy hoạch cơ cấu nghề khai thác theo 7 họ nghề (lưới kéo, rê, vây, câu, vó mành, nghề cố định và các nghề khác) theo hướng giảm dần những nghề khai thác gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường; phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương; giảm mạnh các nghề lưới kéo, nghề cố định, nghề lưới vó, nghề mành và giảm dần một số nghề lưới rê ven bờ.
Hình thành 6 Trung tâm nghề cá lớn, trong đó 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm: Trung tâm nghề cá Hải Phòng, gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; Trung tâm nghề cá Đà Nẵng, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm nghề cá Khánh Hòa, gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Trung tâm nghề cá Bà Rịa-Vũng Tàu, gắn với ngư trường Đông Nam bộ; Trung tâm nghề cá Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ; Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chinhphu.vn