Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chỉ để lại dấu chân
Thứ sáu: 05:45 ngày 29/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người leo núi sẽ thấy mình không phải, hoặc không giống ai khi có những hành vi tiêu cực với môi trường. Ở đó, đúng là chỉ con đường mòn với những dấu chân và những tấm ảnh mang về.

Phượt thủ trẻ Tây Ninh thu gom rác trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Nguyễn Thành Quý

Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” - slogan này chắc chắn đã xuất hiện từ lâu, và ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nó không những là một lời nhắc nhở với bất cứ ai, mà còn là một đề nghị về hành vi và ứng xử văn hoá của con người với thiên nhiên. Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ba Vì (Hà Nội), Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng)... chắc chắn sẽ không thiếu những đề nghị này, bằng nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, nhắc nhở và đề nghị ở nhiều nơi vẫn chỉ là nhắc nhở và đề nghị. Từ trực quan, thấu hiểu đến hành động vốn không hề đơn giản như ta vẫn tưởng. Thế nên đôi khi chỉ một động tác nhỏ nhặt, người ta đã quên mất việc mình là ai, ý thức văn hoá như thế nào. Lặp lại hành vi một đến hơn một lần, điều đó sẽ trở thành hành động xấu, ý thức xấu và ứng xử văn hoá xấu.

Ba Vì, Bạch Mã đã làm điều này, có lẽ một phần vì mật độ khách lên đỉnh núi không quá dày như nhiều nơi khác. Ở đó, chỉ có mùi ẩm ướt của sương, mùi lá mục và một không gian lành sạch. Không biết có phải vì những nơi này “kén” khách không, nhưng gần như có một trật tự đã được thiết lập trong ý thức giữ gìn và tương tác với môi trường và thiên nhiên.

Tuy nhiên, tôi đã không nhìn thấy điều này khi nhìn xuống triền núi Cấm ở An Giang - nơi vô tình đã trở thành nơi chứa rác với cơ man là vỏ chai nhựa. Không có chèo kéo du khách, nhưng sự ngập ngụa đúng là làm con mắt tưng tức. Người ta đi lễ nhiều, và bao nhiêu thứ cũng được tuồn xuống sau lưng chùa.

Như một mặt trái thiếu sạch, thiếu đẹp ở một nơi tôn nghiêm. Lần gần đây nhất, khi leo lên đỉnh Bà Đen ở Tây Ninh, điều làm cho chúng tôi nản lòng không phải là mấp mô gập ghềnh đá núi, mà là vỏ chai vứt khắp nơi trên con đường lên đỉnh. Tôi cũng không nhớ là có lời dặn hay khuyến cáo nào từ dưới chân núi, nhưng đã rất muốn đề nghị đồng nghiệp của mình ở Tây Ninh lập một diễn đàn để “cứu” núi Bà Đen khỏi rác.

Tôi cũng nghĩ, việc “lây nhiễm” của hành vi cũng giống như là vi-rút dễ lây lan. Chẳng hạn như người ta vứt dọc đường được, lại đầy ra đó, tại sao mình lại không? Và thêm 1, 2 chai nữa nhằm nhò gì? Cứ thế mà rác tồn tại khắp con đường dài, từ chân núi lên đỉnh núi.

Nói thật là tôi đã cảm thấy có chút vui, khi ở Bạch Mã, rác đã được mỗi người tập kết về đúng chỗ, và những con đường len lỏi trong rừng đã sạch, cho dù có chỗ cũng còn là tương đối. Điều ấy cũng có nghĩa là, “vi-rút” tích cực đã được lan toả trong cộng đồng.

Người leo núi sẽ thấy mình không phải, hoặc không giống ai khi có những hành vi tiêu cực với môi trường. Ở đó, đúng là chỉ con đường mòn với những dấu chân và những tấm ảnh mang về.

Cũng như nhiều người khác, tôi cũng muốn thành phố mình có nhiều động thái tích cực hơn từ những hành vi và ứng xử văn hoá của mỗi người. Ví dụ không xả các loại giấy, bao ni-lông và không khạc nhổ điềm nhiên trên các con đường, không có tiếng văng tục; ít tiếng còi xe, trước khi không có tiếng còi xe, như một cuộc vận động đang được chia sẻ và hưởng ứng...

Dễ hay khó cũng bắt đầu từ một thực thể văn hoá. Khi nhìn vào chính bản thân mình để điều chỉnh, chắc chắn ta sẽ có xoá được nhiều thứ không hay ho và chỉ để lại những dấu chân trong môi trường xanh, sạch.

Nguyễn An Lê

Tin cùng chuyên mục