Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật Giám định tư pháp nên quy định rõ, tập trung giám định pháp y về một đầu mối do Bộ Y tế quản lý.
Chiều 15.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp. Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về giám định tư pháp về pháp y.
Cơ quan công an và y tế phối hợp để giám định pháp y
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta vẫn coi giám định tư pháp là lĩnh vực chuyên môn hoặc chỉ là bổ trợ cho hoạt động tư pháp. Tuy nhiên thực tế, giám định tư pháp lại có ý nghĩa quyết định đến việc có bỏ lọt tội phạm hay không, kết luận giám định ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng của con người. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của cơ quan công an và y tế trong giám định pháp y.
Qua thực tiễn, công an cấp tỉnh tiến hành giám định pháp y thì làm tốt, ít có trường hợp nào không khách quan cả. Tuy nhiên, việc cơ quan công an làm giám định pháp y, ngành y tế cũng làm thì sẽ dẫn đến dàn trải mà không phát huy được hiệu quả. Vì thế, dự án Luật Giám định tư pháp nên tập trung giám định pháp y về một đầu mối do Bộ Y tế quản lý.
|
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến |
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan công an và y tế nên phối hợp để giám định pháp y các vụ việc vì trên thực tế, nhiều vụ án xảy ra, rất cần đến sự giám định thương tích, quá trình mổ tử thi của cả 2 cơ quan.
Trên thực tế, hàng năm những vụ án mạng có thể chỉ cần một cơ quan giám định pháp y của ngành Công an thực hiện cũng khá tốt. Nếu để tồn tại cả hai hệ thống pháp y công an và y tế thì sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Để tiết kiệm ngân sách, nên quy định một đầu mối giám định pháp y do Bộ Y tế quản lý. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) phản biện, nếu tồn tại cả hai hệ thống pháp y thì sẽ tốn nguồn nhân lực vì phải đầu tư cả hai nơi. Ở tỉnh, thành chỉ nên tồn tại 1 hệ thống, tránh đầu tư trang thiết bị không dàn trải. Cần có sự đánh giá hiệu quả thực tiễn để quyết định bên công an hay y tế làm giám định pháp y.
Không nên xã hội hoá đối với giám định pháp y
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho y kiến về xã hội hoá giám định tư pháp trong đó có giám định pháp y.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xã hội hoá giám định tư pháp cần được cân nhắc một cách thận trọng bởi vì nếu kết luận giám định mà sai thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín và tính mạng của những người có liên quan đến vụ án. Có những vụ việc lớn cần giao cho cơ quan Nhà nước giám định, không nên giao cho các tổ chức tư nhân giám định.
Thời gian vừa qua, do trình độ giám định của một số cơ sở tư nhân không chính xác nên một số vụ án đã giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân. Việc xã hội hóa giám định pháp y không nên thực hiện ở tất cả các lĩnh vực mà chỉ ở một số lĩnh vực khoa học có thể làm được như giám định AND của Trung tâm giám định AND và công nghệ di truyền, một số lĩnh vực giám định về khoa học công nghệ. Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Quang Sơn (đoàn Hà Nội) đề nghị, việc xã hội hóa giám định tư pháp, trong đó có giám định pháp y phải hết sức thận trọng, vì một kết luận giám định có thể làm thay đổi, đảo ngược lại vụ việc, gây tổn thất về kinh tế, sinh mạng con người.
Hiện nay, dịch vụ công chứng đang bị lợi dụng, nên chỉ xã hội hóa một số lĩnh vực, chứ không nên xã hội hoá trong lĩnh vực giám định pháp y, nếu không sẽ rất khó quản lý.
Xã hội hóa giám định tư pháp cũng cần thiết để huy động nguồn lực, nhưng phải có qui định rõ và có lộ trình, thực hiện thí điểm trước, đánh giá hiệu quả rồi mới triển khai rộng khắp, tránh để diễn ra những vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến.
Theo VOV