Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chỉ số PAPI năm 2021 của Tây Ninh: Tăng 20 bậc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
Thứ ba: 09:48 ngày 17/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Văn phòng UBND tỉnh vừa có báo cáo kết quả xếp hạng và phân tích các nội dung thành phần của Chỉ số PAPI Tây Ninh năm 2021, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cải thiện chỉ số này trong thời gian tới. Có thể thấy, kết quả PAPI của Tây Ninh năm 2021 đã có sự tiến bộ đáng kể so với năm 2020 khi tăng vọt từ thứ hạng 51 lên thứ hạng 31. Tuy nhiên, tổng số điểm chỉ ở mức “thường thường bậc trung” khi vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Người dân chờ làm thủ tục hành chính ở Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh Phương Thuý

Ngày 10.5.2022, Cơ quan thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố Chỉ số PAPI năm 2021.

Theo đó, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI được thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, sau đó tính điểm cụ thể và xếp hạng theo 4 nhóm (cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất). Tổng điểm tối đa của PAPI là 80 điểm chia đều cho 8 tiêu chí.

PAPI bao gồm 8 tiêu chí, 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam. Các tiêu chí của PAPI gồm: tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Trên cơ sở kết quả công bố, công khai tại địa chỉ http://papi.org.vn. Từ năm 2016 đến năm 2021, Tây Ninh đạt kết quả như sau:

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Điểm số

PAPI

36,86

37,34

43,58

42,38

41,34

42,20

Xếp hạng

20

21

36

41

51

31

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 của Tây Ninh xếp hạng thứ 31/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo kết quả công bố có 3 tỉnh không có dữ liệu bao gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh và Bắc Giang), tăng 0,86 điểm và tăng 20 bậc so với năm 2020. Nhìn tổng thể, ta có thể thấy, kết quả PAPI 2021 của Tây Ninh vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước (Tây Ninh đạt 42,20 điểm. Trung bình cả nước đạt 42,26 điểm).

Có 5 tiêu chí tăng điểm so với năm 2021 là: công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Có 3 tiêu chí còn lại của PAPI 2021 bị giảm điểm so với năm 2020 bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công.

Tiêu chí “Thủ tục hành chính công” được coi là thế mạnh của tỉnh đã không còn giữ được mức “Trung bình cao”, đáng lo ngại là có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm điểm liên tục trong các năm qua. Có 2 tiêu chí giảm nhiều điểm nhất là: trách nhiệm giải trình với người dân; và cung ứng dịch vụ công.

Trong tổng số 8 tiêu chí của PAPI năm 2021 đã công bố, Tây Ninh có 2 tiêu chí được xếp hạng ở nhóm “Cao nhất” gồm: công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Có 1 tiêu chí được xếp hạng ở nhóm “Trung bình cao” là “Cung ứng dịch vụ công”. Có 4 tiêu chí bị xếp hạng ở nhóm “Trung bình thấp” gồm: trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, quản trị môi trường, quản trị điện tử. Có 1 tiêu chí bị xếp hạng ở nhóm “Thấp nhất” là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”.

Cần có giải pháp quyết liệt hơn

Để cải thiện điểm số và thứ tự xếp hạng Chỉ số PAP1 trong những năm tới, Văn phòng UBND tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp một số nội dung sau:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã phải xác định rõ việc nâng cao chỉ số PAPI là nhiệm vụ chung, không phải chỉ là công việc của cơ quan thường trực làm công tác cải cách hành chính hoặc của bộ phận hay cá nhân làm công tác cải cách hành chính và văn thư của cơ quan, địa phương.

Giao các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên cơ sở báo cáo phân tích này, lập kế hoạch phân công cụ thể cho cá nhân, đơn vị, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém của đơn vị mình để góp phần cải thiện điểm số và thứ tự xếp hạng đối với Chỉ số PAPI của Tây Ninh trong những năm tới.

Đối với tiêu chí “Quản trị điện tử”, từng đơn vị, địa phương quản lý các trang thông tin điện tử cần có giải pháp về nhân sự, nguồn nhân lực, đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn để quản lý, điều hành, phát triển nâng chất lượng cung cấp thông tin nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh và đòi hỏi của nhân dân trong tình hình mới.

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về bản chất, các tiêu chí, tiêu chí thành phần, cách tính điểm của Chỉ số PAPI, đề nghị Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình tham gia đầy đủ hội thi trực tuyến tìm hiểu các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh Tây Ninh năm 2022 (trong đó có Chỉ số PAPI) được tổ chức từ ngày 1.5.2022 đến hết ngày 31.5.2022 tại địa chỉ https://caicachhanhchinh.tayninh.gov.vn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, học tập kinh nghiệm các địa phương có kết quả xếp hạng và điểm số cao về Chỉ số PAPI, nhất là các địa phương có điều kiện tương đồng với Tây Ninh.

An Khang

Tin cùng chuyên mục