BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chỉ tiêu giảm sinh là một trong những mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Cập nhật ngày: 11/05/2009 - 08:35

Nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quý I/2009, đề ra phương hướng cho 8 tháng cuối năm 2009, ngày 11.5, Chính phủ đã giao ban trực tuyến với lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu chủ trì Hội nghị.

Lần đầu tiên Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ

Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ, công tác được sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.

Theo báo cáo của các địa phương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ sơ sinh ra đời trong 4 tháng đầu năm 2009 tăng cao là do tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai giảm. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số trẻ sinh ra trong 3 tháng đầu năm 2009 trên toàn quốc là 268.450 cháu (tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2008). Quý I/2009 đã có 27.543 trẻ sơ sinh là con thứ 3 trở lên, tăng 1% so với cùng kỳ 2008.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ Nguyễn Bá Thủy, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với công tác dân số đó là trong tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, nhất là cấp huyện, xã chậm được kiện toàn, chưa đủ mạnh để có thể triển khai quyết liệt các hoạt động của chương trình. Có 258/686 trung tâm cấp huyện chỉ có 1 đến 2 cán bộ DS, 45 tỉnh chưa giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp để tuyển dụng cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ cấp xã. Chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác dân số còn hạn chế.

Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện kế hoạch về DS-KHHGĐ nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Phải coi mục tiêu đảm bảo chỉ tiêu giảm sinh là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KTXH của địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ và điều kiện hoạt động của hệ thống DS-KHHGĐ các cấp. UBND các tỉnh Hà Nam, Khánh Hòa và Phú Yên bàn giao nguyên trạng trụ sở cho các Chi cục DS-KHHGĐ. Bộ Y tế cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Quyết định 52/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10.4.2009 về phê duyệt Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020”.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch sau: nâng cao nhận thức của người dân để thay đổi hành vi thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng về thực trạng mất cân bằng về giới ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị, cuối tháng 7.2009 UBND các tỉnh cần trang bị đầy đủ máy tính cho các địa phương (cấp quận, huyện) để phục vụ công tác DS-KHHGĐ. Đối với 28 tỉnh ven biển, Bộ Y tế cần rà soát để ngay trong tháng 6 ra hướng dẫn thực hiện công tác này đối với các địa phương. Các địa phương tiếp tục tập huấn các cán bộ chuyên trách đương nhiệm hoặc các cán bộ tuyển dụng mới vào ngành về công tác dân số, nhất là ở cấp xã, phường.

Trong quý II, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo trung cấp ngành DS-KHHGĐ để có thể tuyển sinh ngay từ năm học này. Bộ Y tế nhanh chóng xây dựng chương trình chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản từ 2011 đến năm 2020.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau Hội nghị này, Chính phủ cùng 63 tỉnh, thành phố sẽ phải quyết liệt, tập trung hơn nữa để làm tốt nhiệm vụ DS-KHHGĐ, đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ mà Quốc hội giao trong năm 2009.

Mỗi năm dân số nước ta tăng khoảng 1 triệu người, mất cân đối về tỷ lệ giới tính khi sinh (112 trẻ trai/100 trẻ gái). Năm 2008 là năm thứ 2 liên tiếp công tác DS-KHHGĐ ở nước ta không đạt được chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh do Quốc hội giao, là năm có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao nhất trong giai đoạn 2006-2008 và là năm có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại giảm 0,7% so với năm 2007.

(Theo chinhphu.vn)